Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở

Quận Bình Tân: 106 tỷ đồng xây dựng bệnh viện 100 giường
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở cơ sở

Đứng trước thực trạng quá tải bệnh viện xảy ra ở tất cả các tuyến ở Việt Nam, ngành y tế đã nỗ lực rất lớn với nhiều biện pháp cùng thực hiện nhằm khắc phục tình trạng này. Đây cũng là mục tiêu quan trọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho ngành y tế. Hiện nay tuyến y tế trung ương quá tải trung bình 48%, tuyến tỉnh 25%, tuyến huyện 15%, nhưng cá biệt có bệnh viện quá tải gần 300%!

Trước tình trạng này, trong buổi làm việc với ngành y tế ngày 23-11-2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo đầu tư chung cho y tế năm 2010 sẽ tăng 20% so với năm 2009, là mức tăng nhanh so với các bộ ngành khác. Tăng giường bệnh là giải pháp cần thiết để nâng từ 18 giường bệnh/vạn dân (hiện nay ở Việt Nam) lên 25 giường bệnh/vạn dân (mức trung bình của thế giới), nhưng điều quan trọng là làm thế nào để có thể phân bổ nguồn lực y tế một cách tối ưu đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong hiện tại.

Phòng mổ Trung tâm y tế Hóc Môn với trang thiết bị hiện đại. Ảnh: MAI HẢI

Phòng mổ Trung tâm y tế Hóc Môn với trang thiết bị hiện đại. Ảnh: MAI HẢI

Để giải quyết bài toán hóc búa này, ngành y tế có Quyết định 1816/QĐ-BYT ngày 26-5-2008 phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”. Trong thực tiễn qua hơn một năm triển khai đề án cho thấy sự nhạy bén và kịp thời của ngành y tế.

Riêng ở phía Nam, đề án đã được Sở Y tế TPHCM triển khai rất thành công đạt được mục đích yêu cầu góp phần giải quyết quá tải cho các cơ sở y tế tuyến cuối, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới và đặc biệt là chuyển giao công nghệ cũng như đào tạo cán bộ tại chỗ. Ngành y tế TPHCM, ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân thành phố còn đóng vai trò là tuyến cuối trong khám chữa bệnh ở khu vực phía Nam. Mỗi năm các cơ sở y tế thành phố đón tiếp khám, điều trị cho hơn 34 triệu lượt bệnh nhân thì có đến 40% là bệnh nhân từ các địa phương khác.

Trước đây, tại địa bàn TPHCM cũng có hiện tượng quá tải ở tuyến trên trong khi tuyến cơ sở không sử dụng hết công suất. Nguyên nhân chính là do chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở không đảm bảo để đạt được lòng tin của người bệnh cũng như yêu cầu ngày càng cao trong chăm sóc sức khỏe của người dân. Sở Y tế thành phố đã triển khai chương trình hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao công nghệ, đào tạo... từ các bệnh viện tuyến trên về tuyến cơ sở.

Kết quả ban đầu ghi nhận được là tuyến quận huyện cũng xảy ra tình trạng quá tải, chẳng hạn như Bệnh viện  Đa khoa Củ Chi từ hạng 3 lên hạng 2 với chuyên môn không hề thua kém tuyến trên hoặc Bệnh viện quận Thủ Đức triển khai các kỹ thuật chuyên sâu… Tuy nhiên xét trên phương diện vùng thì các cơ sở y tế tại TPHCM lại quá tải với bệnh nhân từ các tỉnh thành khác ở phía Nam đổ về. Trong tình huống này thì Đề án 1816 của Bộ Y tế đã tỏ ra kịp thời giúp giải quyết giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện thành phố và nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho các bệnh viện tuyến tỉnh, chuyển giao công nghệ.

Theo phân công của Bộ Y tế, Sở Y tế TPHCM đã ra quân một cách rầm rộ đầy quyết tâm với 24 bệnh viện thuộc sở (có 5 bệnh viện đa khoa) tỏa ra 24 tỉnh thành phía Nam. Dù theo quy định của đề án: 50 giường bệnh biên chế thì cử 1 cán bộ y tế tham gia, tức chỉ khoảng 304 cán bộ y tế cho 24 bệnh viện nêu trên thì qua một năm triển khai ngành y tế thành phố cử đến 752 cán bộ y tế tham gia (chủ yếu là bác sĩ có chuyên môn tốt với 661 người).

Tổng số kỹ thuật được chuyển giao là 166, hơn 1.000 cán bộ y tế của tuyến dưới được đào tạo tại chỗ đáp ứng việc đảm bảo chất lượng khám điều trị. Số cán bộ luân chuyển đến tuyến dưới đã tham gia khám, điều trị cho hơn 18.650 lượt bệnh nhân, phẫu thuật lớn tại chỗ cho 376 bệnh nhân, xử lý cấp cứu trên 3.000 lượt bệnh nhân… những bệnh nhân này không phải chuyển về các bệnh viện thành phố. Ngành y tế thành phố cũng hỗ trợ một số trang thiết bị cho các địa phương để giúp những nơi này triển khai kỹ thuật tại chỗ khi ngân sách địa phương không kịp trang bị. UBND TPHCM đã tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để ngành y tế thành phố tham gia Đề án 1816 có hiệu quả cao. Thành phố đã chi bổ sung cho ngành hơn 4 tỷ đồng nhằm hỗ trợ đời sống, chi phí cho các cán bộ y tế tham gia Đề án 1816.

Thành quả lớn nhất của Đề án 1816 sau một năm thực hiện là từng bước tạo lập niềm tin nơi người bệnh các địa phương khi chất lượng chuyên môn khám, chữa bệnh được nâng cao. Nhiều kỹ thuật cao đã phổ biến ở bệnh viện tuyến tỉnh: phẫu thuật sọ não, vi phẫu thuật, mổ bắt con, thận nhân tạo, cấp cứu hồi sức... thật sự thì một đề án nhạy bén và kịp thời như Đề án 1816 dễ được đội ngũ cán bộ y tế thành phố tham gia nhiệt tình với đầy đủ trách nhiệm, bên cạnh đó là sự hưởng ứng tích cực của các bệnh viện tuyến dưới (xây dựng kế hoạch chi tiết, hợp lý và khả thi).

Đây là một đề án đạt được mục tiêu của các bên tham gia và cả công tác điều phối vĩ mô của Bộ Y tế. Dù thuận lợi là chính nhưng cũng gặp không ít khó khăn, nhất là việc các bệnh viện thành phố thiếu nhân viên làm việc khi cử tham gia đề án (việc này chỉ bớt căng thẳng khi tình trạng quá tải giảm) và ở phía được hỗ trợ thì một số bệnh viện địa phương không đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để tiếp nhận kỹ thuật mới, thiếu nhân lực có khả năng chuyên môn tiếp nhận… Vì thế lãnh đạo địa phương cần phải tăng cường đầu tư cho y tế, tạo điều kiện cho y tế địa phương phát triển, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại chỗ.

BS Nguyễn Văn Châu
(Giám đốc Sở Y tế TPHCM)

Quận Bình Tân: 106 tỷ đồng xây dựng bệnh viện 100 giường

Ngày 27-11, UBND quận Bình Tân đã khởi công xây dựng bệnh viện có quy mô 100 giường điều trị nội trú cùng với trang thiết bị y tế hiện đại, tương đương với bệnh viện cấp khu vực. Bệnh viện Bình Tân được xây dựng trong khuôn viên gần 1,3 ha tại phường Bình Trị Đông A có tổng mức đầu tư 106 tỷ đồng (chưa tính đến giá trị sử dụng đất) với diện tích sàn sử dụng gần 13.000m².

Ông Phạm Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân cho biết, hiện tại Bệnh viện quận Bình Tân đang phải mượn tạm Trạm Y tế phường Tân Tạo để hoạt động nên không đáp ứng được nhu cầu khám và điều trị bệnh cho nhân dân. Dự án xây dựng Bệnh viện Bình Tân là công trình trọng điểm của quận, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 11-2011.

H.Thu

Tin cùng chuyên mục