Phải giảm tải bệnh viện ngay trong năm 2010

Tình trạng quá tải bệnh viện, kể cả tuyến dưới vẫn diễn ra căng thẳng, cùng với đó là dịch cúm A/H1N1, sốt xuất huyết bùng phát mạnh… Đây là những vấn đề bức xúc của ngành y tế được đặt ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Bộ Y tế chiều 23-11. 
Phải giảm tải bệnh viện ngay trong năm 2010

Tình trạng quá tải bệnh viện, kể cả tuyến dưới vẫn diễn ra căng thẳng, cùng với đó là dịch cúm A/H1N1, sốt xuất huyết bùng phát mạnh… Đây là những vấn đề bức xúc của ngành y tế được đặt ra tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với lãnh đạo Bộ Y tế chiều 23-11. 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, mặc dù ngành y tế đã cố gắng triển khai các biện pháp giảm tải nhưng tình trạng quá tải vẫn diễn ra khá trầm trọng tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là bệnh viện tuyến trung ương và bệnh viện chuyên khoa. Thống kê cho thấy, công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tuyến trung ương lên tới 200%, thậm chí có bệnh viện là 250%, còn tại tuyến tỉnh là 125% và tuyến huyện là 115%.

Chờ khám bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Chờ khám bệnh ở Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. Ảnh: MAI HẢI

Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận, tại các bệnh viện ở tuyến trung ương như: bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy, Nhi trung ương, K trung ương… có những chuyên khoa như tim mạch, hồi sức cấp cứu, sơ sinh, nội tiết - chuyển hóa, ung thư, chấn thương, bệnh nhân vẫn phải nằm ghép đôi, ghép ba, thậm chí nằm cả ra hành lang. Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, nguyên nhân của tình trạng quá tải trong khám chữa bệnh hiện nay là do nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cao, trong khi đó năng lực y tế, nhất là tuyến cơ sở, tuyến huyện vẫn còn nhiều hạn chế nên người bệnh có xu hướng vượt tuyến. 

Trước thực trạng quá tải vẫn căng thẳng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã kiến nghị với Thủ tướng tăng nguồn vốn đầu tư cho các dự án mở rộng, cải tạo bệnh viện đang thực hiện chậm tiến độ do thiếu vốn đầu tư, có chính sách ưu đãi vay vốn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Tiếp tục thực hiện chương trình kỹ thuật chuyên sâu y tế tại 4 trung tâm chuyên sâu: Hà Nội, TPHCM, Huế - Đà Nẵng và Cần Thơ. Cho phép thí điểm việc các bệnh viện công còn quỹ đất được đầu tư theo hình thức góp vốn để nhanh chóng có các cơ sở y tế chất lượng cao. 

Theo đánh giá của Bộ Y tế tình hình dịch bệnh vẫn diễn ra phức tạp cho dù số trường hợp mắc và chết do các bệnh truyền nhiễm có giảm hơn so với năm 2008. Nổi rõ nhất là dịch cúm A/H1N1 sau khi xâm nhập vào Việt Nam tháng 5-2009 cho tới nay đã khiến cho gần 11.000 người mắc căn bệnh nguy hiểm này tại 63 tỉnh thành phố, trong đó có 42 ca tử vong.

TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và môi trường nhận định, trong thời gian tới, dịch cúm A/H1N1 tiếp tục lây lan rộng trong cộng đồng và có thể tăng mạnh số người mắc và tử vong trong mùa đông xuân do virus cúm A/H1N1 lây qua đường hô hấp, thời tiết mùa đông lạnh thuận lợi cho virus phát triển. Hơn nữa, đây là bệnh do virus cúm mới, người dân chưa có miễn dịch, trong khi đó vaccine phòng bệnh vẫn rất hạn chế. Đồng hành cùng dịch cúm A/H1N1 là sốt xuất huyết, tính đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận gần 85.500 trường hợp mắc SXH tại 33 tỉnh thành phố, 71 ca tử vong, so với cùng kỳ năm 2008 số mắc tăng 5,6%, số tử vong giảm 14,4%. 

Trước thực trạng trên, đặc biệt là tình trạng quá tải, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Bộ Y tế phải tìm mọi cách, huy động mọi nguồn lực để giảm tình trạng quá tải bệnh nhân ngay trong năm 2010. Thủ tướng nhấn mạnh, việc giảm tải bệnh viện là ưu tiên hàng đầu do đó Bộ Y tế phải huy động nhiều nguồn lực, kể cả nguồn lực bên ngoài cho ưu tiên này. Trong 5 năm tới, ngành y tế phải tăng dần, tăng nhanh chất lượng khám chữa bệnh, tăng số giường bệnh cho bệnh nhân ngang với thế giới là 25 giường bệnh/vạn dân.

“Tôi biết có rất nhiều tổ chức nước ngoài mong được đầu tư cho ngành y tế Việt Nam. Tại sao chúng ta có thể vay 11 triệu USD để làm một con đường mà lại không thể vay tiền để đầu tư, xây dựng bệnh viện chất lượng cao?”... Thủ tướng đặt vấn đề với Bộ Y tế. 

Bên cạnh đó, Bộ Y tế phải tập trung nâng cấp các bệnh viện tuyến huyện, xã. Thủ tướng cũng chỉ rõ, từ đầu năm tới nay, ngành y tế mới chỉ giải ngân được hơn 80% nguồn vốn phiếu chính phủ là chưa đạt yêu cầu. Ngành y tế cần phải tăng nhanh tốc độ giải ngân, giải ngân tối đa nguồn vốn đã được cấp để đẩy nhanh công cuộc giảm quá tải BV, giảm bớt khó khăn cho nhân dân.

Đối với việc phát triển các trung tâm y tế chuyên sâu, Thủ tướng trăn trở “đi đến đâu cũng thấy khen thầy thuốc Việt Nam giỏi, thế nhưng các bệnh nhân ở nước ta lại đang phải đổ ra nước ngoài để điều trị bệnh, đó là cái yếu của chúng ta”. Thủ tướng yêu cầu, các bệnh viện đa khoa khu vực, các chuyên khoa sâu của các bệnh viện trung ương phải mạnh dạn xây dựng đề án phát triển chuyên khoa sâu, huy động nguồn lực, cơ chế tài chính và triển khai làm thí điểm. Sau đó tổng hợp rút kinh nghiệm và xây dựng đề án phát triển mạnh các chuyên khoa sâu về y tế, trình Chính phủ phê duyệt 

QUỐC KHÁNH 

Nhiều bệnh nhi chờ đến lượt khám tại Khoa hô hấp BV Nhi đồng 2 TPHCM sáng 23-11.

Nhiều bệnh nhi chờ đến lượt khám tại Khoa hô hấp BV Nhi đồng 2 TPHCM sáng 23-11.

Tin cùng chuyên mục