Linh hoạt

Dự thảo Nghị định số 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí đang được Bộ Công thương đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Đây là lần sửa đổi thứ 3 kể từ khi Nghị định 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng có hiệu lực thi hành. So với dự thảo lần thứ nhất, dự thảo lần thứ 2 này cơ quan soạn thảo đã loại bỏ hầu hết các điều kiện không phù hợp trên cơ sở ý kiến phản hồi của doanh nghiệp trong thời gian qua đối với thương nhân phân phối.

Ảnh minh họa

Cụ thể, Bộ Công thương nhận thấy những điều kiện bắt buộc phải sở hữu cầu cảng, trạm nạp, trạm cấp khí là can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh, trong khi doanh nghiệp hoàn toàn có thể tự chủ hoặc đi thuê. Các quy định về thương nhân xuất, nhập khẩu phải có kho tổng dung tích các bồn chứa tối thiểu 3.000m³ gas, có số lượng chai gas với tổng dung tích chứa tối thiểu hơn 3,93 triệu lít; thương nhân phân phối khí phải có các bồn chứa với tổng dung tích tối thiểu 300m³… là quá lớn, gây cản trở cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia nhập thị trường. Do đó, dự thảo lần này được điều chỉnh theo hướng linh hoạt hơn.

Tiếp nhận dự thảo sửa đổi, hiện có 2 luồng ý kiến trái ngược; trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh gas đã đầu tư bài bản trước đó cho rằng, dự thảo sửa đổi điều kiện kho chứa, vỏ bình gas... sẽ gây thiệt hại cho họ, còn các doanh nghiệp nhỏ lại hưởng lợi vì khó đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh. “Tình trạng chiết nạp gas lậu tràn lan trên thị trường đang diễn biến xấu, tiềm ẩn mối nguy cơ bất ổn, mất an toàn cho toàn xã hội. Nhưng dự thảo lần này hoàn toàn không có công cụ nào để bảo vệ cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính nên Bộ Công thương cần cân nhắc nghiên cứu các biện pháp quản lý”, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh gas tại TPHCM nêu ý kiến. Đồng quan điểm này, nhiều doanh nghiệp kinh doanh có thương hiệu đều lo ngại tình trạng sang chiết gas lậu sẽ bùng phát và khó kiểm soát nếu nghị định sửa đổi quá hạ thấp quy chuẩn, điều kiện.

Với thực trạng hiện nay, việc sửa đổi Nghị định 19 là cần thiết, nhưng phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng. Để thực hiện được điều này, nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan quản lý Nhà nước nên chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Nếu doanh nghiệp hoạt động phi pháp sẽ có biện pháp nghiêm trị nhưng nếu doanh nghiệp hoạt động đàng hoàng, minh bạch sẽ được tạo điều kiện thuận lợi. Mặt khác, xây dựng nghị định mới lần này cần phải làm sao để hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như người dân được tiếp cận với sản phẩm có giá cả hợp lý và đảm bảo an toàn nhất

Văn Diệu

Tin cùng chuyên mục