Trám kẽ hở hàng giả, hàng lậu

Các mặt hàng giả, hàng nhái bán công khai ở chợ, lề đường đã không còn xa lạ. Nói như một cán bộ quản lý thị trường (QLTT) TPHCM thì lực lượng chuyên trách không đủ sức, đủ lực để phát hiện hết những mặt hàng này.

Các mặt hàng giả, hàng nhái bán công khai ở chợ, lề đường đã không còn xa lạ. Nói như một cán bộ quản lý thị trường (QLTT) TPHCM thì lực lượng chuyên trách không đủ sức, đủ lực để phát hiện hết những mặt hàng này. Do vậy, công việc mà lực lượng liên ngành QLTT hướng đến chính là “trám kẽ hở” về luật pháp, về nguồn nhân lực, truy tìm tận gốc các đường dây chuyên doanh hàng giả, hàng lậu để ngăn chặn; nhất là mặt hàng thương hiệu có giá trị cao nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì một môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn...

Nhờ công nghệ thông tin dẫn lối, nên ngày nay các “thượng đế” rất dễ tiếp cận các mặt hàng thương hiệu từ cao cấp đến bình dân với đủ mẫu mã, giá cả. “Người bán sẵn sàng chuyển hàng từ những quốc gia xa xôi, cách nửa vòng trái đất đến địa chỉ nhà bạn ở miễn là bạn thanh toán đúng, đủ số tiền trên hóa đơn. Thậm chí ngay cả những thương hiệu nổi tiếng thế giới chưa có hệ thống đại lý tại Việt Nam, bạn vẫn có thể mua được sản phẩm của họ”, chủ một thương hiệu chuyên bán hàng trực tuyến cam kết với khách hàng. Thế nhưng, sản phẩm thật đến đâu thì chỉ người bán mới rõ, còn người mua có sành điệu đến mấy cũng có thể bị lừa.

Có một Việt kiều thường xuyên dùng hàng hiệu, nhưng đã vài lần mua trúng hàng nhái tại một trung tâm thương mại tên tuổi ở TPHCM. Vì ngại khiếu nại nên vị khách này đành chấp nhận bỏ hàng, tạm ngưng dùng thương hiệu mà mình từng yêu thích vì lo mua trúng hàng nhái lần nữa. Bàn về điều này, ông Nguyễn Quang Thuyên, Việt kiều Pháp (ngụ quận 1, TPHCM) chia sẻ: “Tại các nước phát triển, hàng giả, hàng nhái vẫn có nhưng khâu kiểm tra, giám sát khá chặt chẽ nên hạn chế được thiệt hại cho người mua. Còn ở Việt Nam, đến cả trung tâm thương mại có tiếng còn trà trộn hàng giả, hàng nhái bán giá như hàng thật thì người mua làm sao yên tâm được”. Theo thông tin từ QLTT TPHCM, qua những lần bất ngờ ra quân kiểm tra các cửa hàng, trung tâm thương mại tại TPHCM đã phát hiện, tạm giữ nhiều sản phẩm hàng giả mạo, hàng nhái. Kỳ lạ ở chỗ chính các điểm bán thuộc trung tâm này còn trưng bày, bán giảm giá, khuyến mãi hàng dỏm.  

Thống kê của Chi cục QLTT TPHCM cho thấy, chỉ tính riêng từ đầu tháng 3-2017 đến nay, các đội QLTT đã phát hiện gần 500 đôi giày dép, túi xách nhái thương hiệu Chanel, LV, Lacoste, Nike... Đối với hàng hóa hết hạn sử dụng, đã tạm giữ gần 10.000 đơn vị sản phẩm sữa chua, sữa Fristi; tạm giữ 28,5 tấn đường cát không hóa đơn, chứng từ.

Ở TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung, người dân thường không quan tâm nhiều đến sản phẩm là hàng thương hiệu hay hàng thường, mà họ chỉ quan tâm đến mẫu mã sản phẩm, nhất là người tiêu dùng trẻ, chưa tạo ra thu nhập. Đối tượng khách hàng quan tâm đến hàng hiệu thực sự chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Nhưng trước sự ra đời như vũ bão của những cửa hàng trực tuyến, website bán hàng trong nước và quốc tế nên người tiêu dùng có nhiều cơ hội tiếp cận với đủ nguồn hàng, không loại trừ hàng giả, hàng lậu. Bài toán đặt ra ở đây chính là lực lượng liên ngành chức năng (QLTT, hải quan, công an…) sẽ kiểm tra, giám sát ra sao đối với những nguồn hàng này? Qua trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, cũng đã nhiều lần khuyến cáo người tiêu dùng về việc chủ động tìm mua sản phẩm chất lượng tại các điểm bán, trung tâm thương mại uy tín để tránh mua trúng hàng kém chất lượng. Bên cạnh đó, QLTT cũng sẽ mạnh tay xử lý các đối tượng buôn bán, kinh doanh hàng dỏm, gây thất thu thuế, làm nhiễu loạn thị trường; đồng thời kiến nghị có chế tài mạnh hơn để xử phạt các đối tượng này.

THI HỒNG

Tin cùng chuyên mục