Phải tạo sân chơi thoáng để doanh nghiệp được lớn

Để tạo sức bật cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ những quy định kiểm tra chuyên ngành không hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản đang tồn tại, gây khó cho DN.
Phải tạo sân chơi thoáng để doanh nghiệp được lớn

Để tạo sức bật cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN), Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng phải đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xóa bỏ những quy định kiểm tra chuyên ngành không hợp lý, gây khó cho doanh nghiệp. Thế nhưng, trên thực tế vẫn còn nhiều rào cản đang tồn tại, gây khó cho DN.

DN khó trăm bề

Năm 2017 là thời điểm chính thức áp dụng thuế nhập khẩu nguyên liệu hạt nhựa. Mức thuế mới áp dụng là 3%. Điều này đã tạo ra bất lợi kép cho DN sản xuất nhựa trong nước. Ông Trần Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty Nam Thái Sơn cho biết, việc tăng mức thuế nhập khẩu nguồn nguyên liệu sản xuất nhằm tạo điều kiện cho ngành sản xuất nguyên liệu nhựa trong nước phát triển nhưng hiện nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng chưa tới 10% nhu cầu sản xuất. Số còn lại dù muốn hay không, DN bắt buộc phải nhập khẩu từ các nước thứ 3. Trung bình mỗi năm, DN nước ta nhập khẩu khoảng 6 - 7 tỷ USD, đương khoảng 4 triệu tấn hạt nhựa với giá khoảng 1.300 USD/tấn. Vậy thì việc tăng mức thuế nguyên liệu nhựa nhập khẩu chỉ khiến chi phí sản xuất của DN tăng thêm.

Nếu so sánh với DN hoạt động cùng ngành của các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia thì việc tăng thuế nhập khẩu nguyên liệu khiến cho khả năng cạnh tranh của DN nước ta kém đi nhiều. Hiện DN các nước Thái Lan và Indonesia đã nội địa hóa hoàn toàn nguồn nguyên liệu sản xuất, thậm chí còn có dư bán sang Việt Nam. Họ cũng được nhập khẩu nguyên liệu nhựa từ khu vực Trung Đông với thuế ưu đãi 0% nhờ các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã được chính phủ các nước ký kết. Trong khi đó, DN Việt Nam chưa được hưởng lợi thế này và đang phải mua nguyên liệu dư của họ với giá cao hoặc nhập khẩu mà không được hưởng ưu đãi thuế. Vậy thử hỏi làm sao DN nội có thể cạnh tranh lại hàng Thái Lan và Indonesia. Thực tế, tại hệ thống phân phối trong nước hiện nay, với dòng nhựa PP (chuyên sản xuất sản phẩm gia dụng), DN nội không thể chen chân vào thị trường khi khu vực đó đã có sản phẩm của DN Thái Lan. Áp lực này đang cản trở sự phát triển của DN nhựa Việt Nam ngay chính trên sân nhà lẫn sân chơi quốc tế.

Không chỉ thiếu hụt nguồn cung sản xuất, thủ tục hành chính quá phức tạp, rườm rà cũng khiến cho DN nội khó bức phát trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp và công nghệ TPHCM cho biết, trung bình mất 14 ngày để DN có thể thông quan được một lô hàng. Trong đó, 10 ngày liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Theo thống kê của hiệp hội, chỉ tính riêng Bộ Tài chính đã có 1.645 thủ tục hành chính. Với Bộ tư pháp là 678 thủ tục, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội bằng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với 569 thủ tục và Bộ Công thương là 548 thủ tục. Đây chỉ mới là thống kê tại một số bộ ngành chính. Còn rất nhiều thủ tục hành chính khác của các bộ liên quan chưa được thống kê hết. Điều này cho thấy việc cải cách thủ tục hành chính còn quá chậm chạp, kéo chậm hoạt động sản xuất kinh doanh của DN, gây lãng phí quá lớn cho lao động xã hội.

Đồng thuận với bức xúc trên, ông Nguyễn Đức Nghĩa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đại lý thuế TPHCM cho biết thêm, DN rất ức chế vì có quá nhiều hành vi phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế. Thẩm quyền được phạt cũng rất nhiều và bất kỳ nhân viên hành chính thuế nào cũng được quyền phạt. Hình thức phạt vi phạm hành chính bao gồm cảnh cáo, khiển tránh và phạt tiền nhưng hiện nay dù vi phạm hành vi nhỏ cũng bị phạt tiền. Để được áp dụng hình thức cảnh cáo, DN phải gặp cán bộ thuế và chứng minh các tình tiết giảm nhẹ, rất phức tạp nên DN thường bỏ qua. Ngoài ra, cần áp dụng quy định bất hồi tố. Theo đó, nếu hồ sơ thuế DN lưu 5 năm, 10 năm mà các cơ quan chức năng không phát hiện sai phạm thì cần phải thực hiện quy định bất hồi tố. Tránh tình trạng như hiện nay DN vẫn có thể bị phạt nên luôn trong tình trạng rất ức chế, thậm chí DN bán DN khi lớn để cắt trách nhiệm pháp lý hồi tố trên.

Doanh nghiệp được thế chấp vay vốn sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đổi mới dây chuyền sản xuất. Ảnh: CAO THĂNG

Nhà nước cần phải “sòng phẳng” với DN

Để DN được lớn, nhà nước cần phải “sòng phẳng” với DN. Ông Nguyễn Văn Bé cho rằng, nếu để DN góp ý ban hành luật thì chắc chắn những quy định sẽ có lợi hơn cho DN. Ngược lại, các bộ ngành ban hành quy định thì có lợi hơn cho bộ ngành, thậm chí là hình thành những lợi ích nhóm gây tổn hại chung đến nền kinh tế. Do vậy, cần phải giám sát chặt chẽ và minh bạch quy trình góp ý và ban hành quy định. Cần có những biện pháp chế tài đối với những người lãnh đạo các bộ ngành ban hành những quy định gây tổn hại đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN cũng như lợi ích của người dân. Đồng thời, phát huy quyền giám sát của người dân đối với cán bộ công chức thực thi luật. Cần phải tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho DN và con đường từ lời nói đến thực hiện cần phải ngắn.

Việt Nam mở cửa thị trường quá nhanh trong khi nội lực hỗ trợ phát triển cho các DN trong nước chưa có đang khiến các DN khốn đốn. Do đó, để giúp DN bắt kịp xu thế phát triển hiện nay và đứng chân trên thị trường nội và ngoại, những chính sách hỗ trợ của nhà nước cần phải bám sát nhu cầu của DN. ÔngNguyễn Thành Sinh, Giám đốc Công ty Cổ phần may thêu Sinh Long Hưng cho rằng, chính phủ cần có cơ chế giúp DN nhỏ có nguồn vốn đầu tư công nghệ và kỹ thuật. Hiện DN không thể tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng do không có tài sản thế chấp hoặc thế chấp bằng máy móc sản xuất nhưng ngân hàng không chấp nhận. Để tồn tại, DN buộc phải vay vốn ngoài với lãi suất cao nên đây cũng là nguyên nhân khiến cho DN nội không thể trụ lại tại thị trường lớn thành thị mà phải dạt về thị trường nông thôn.

Việc thoái vốn nhà nước khỏi các tập đoàn kinh tế trong nước như Sabeco, Vinamilk, Bình Minh, hay các ngân hàng… phải tính toán sao cho thuộc về DN Việt Nam. Tránh giống như tình trạng toàn bộ hệ thống phân phối tập trung về tay một số DN nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Thái Lan làm gia tăng áp lực tồn tại cho DN nội. Mặt khác, đẩy mạnh quy hoạch phát triển ngành theo hướng hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu để tăng nguồn cung ứng trong nước, giảm rủi ro cho DN do phải phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu. Từ đó, giảm giá thành sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh cho DN trong nước. Cuối cùng là vấn đề sở hữu trí tuệ. Hiện sản phẩm nhái, không nguồn gốc rõ ràng đang trở thành vấn nạn, làm điêu đứng DN trong nước suốt thời gian dài nhưng công tác xử lý còn khá lỏng lẻo. Siết chặt quyền sở hữu trí tuệ cộng với ưu tiên tập trung thông tin sản phẩm Việt tốt sẽ giúp sản phẩm thương hiệu Việt cũng cố niềm tin tiêu dùng và giúp hàng Việt trụ vững hơn trên thị trường.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục