Cần nuôi ý tưởng, tránh ảo tưởng

Đến năm 2020, sẽ có 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả, trong đó, DN tư nhân đóng góp khoảng 49%, đó là mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đặt ra nhằm đẩy mạnh hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, chương trình khởi nghiệp của Việt Nam đang vấp phải nhiều hạn chế. Và hạn chế lớn nhất là yếu tố con người.
Cần nuôi ý tưởng, tránh ảo tưởng

Đến năm 2020, sẽ có 1 triệu doanh nghiệp (DN) hoạt động hiệu quả, trong đó, DN tư nhân đóng góp khoảng 49%, đó là mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đặt ra nhằm đẩy mạnh hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, chương trình khởi nghiệp của Việt Nam đang vấp phải nhiều hạn chế. Và hạn chế lớn nhất là yếu tố con người.

Có nguồn vốn đáp ứng đủ yêu cầu sẽ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bền vững

Đại diện Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, kinh nghiệm tại những quốc gia thực hiện chương trình khởi nghiệp thành công, những người khởi nghiệp đa phần đều có kinh nghiệm làm việc tại các công ty lớn. Quá trình làm việc tại những môi trường chuyên nghiệp giúp họ nắm và vận hành chắc chắn hoạt động DN khởi nghiệp. Quan trọng hơn, sự tương tác trực tiếp với thực tế làm việc tại những môi trường công ty lớn giúp họ đưa ra những ý tưởng sát sườn với thị trường, nắm bắt được cơ hội và xu hướng phát triển kinh tế. Trong khi đó, tại Việt Nam, phần lớn những người tham gia khởi nghiệp là thanh niên và sinh viên. Rất nhiều người trong số đó chưa trải qua kinh nghiệm làm việc thực tế tại các môi trường chuyên nghiệp, thậm chí họ không có đủ năng lực để tham gia ứng cử các vị trí làm việc tại những công ty này. Do đó, không ít ý tưởng khởi nghiệp của họ không phù hợp thực tế, thậm chí còn có tính chất “ảo tưởng”. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho hoạt động khởi nghiệp nước ta chưa phát huy hiệu quả như mong muốn trong thời gian qua.

Rào cản về vốn cũng là vấn đề trở ngại cho hoạt động khởi nghiệp. Với các quốc gia phát triển chương trình khởi nghiệp thành công, nguồn vốn chủ yếu từ sự hỗ trợ của Chính phủ. Theo đó, từ ý tưởng của người khởi nghiệp, hệ thống trung tâm chuyên gia sẽ có vai trò rất lớn trong việc thẩm định tính khả thi của ý tưởng khởi nghiệp và tham vấn Chính phủ chia sẽ rủi ro trong quá trình đầu tư triển khai ý tưởng vào thực tế. Tuy nhiên, quy trình này vẫn chưa có tại Việt Nam và nguồn vốn khởi nghiệp của người khởi nghiệp vẫn chủ yếu dựa trên nội lực nên hiệu quả không cao.

Theo bà Lê Thị Thanh Tâm, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Saigon Food, triển khai chương trình khởi nghiệp là rất cần thiết, tạo điều kiện cho thanh niên tham gia kinh doanh, tạo ra nhiều ý tưởng mới đẩy mạnh phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng cần phải giúp thanh niên nhận diện rõ từ ý tưởng đến biến thành hiệu quả thực tế không phải đơn giản. Do vậy, nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ phù hợp về vốn thông qua Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp. Bên cạnh đó, phải hình thành các trung tâm huấn luyện khởi nghiệp có chất lượng đào tạo cao và người đào tạo, dẫn dắt là cộng đồng doanh nhân. Hiện cộng đồng doanh nhân rất sẵn sàng huấn luyện miễn phí để hỗ trợ thanh niên phát triển. Ngoài ra, Chính phủ cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, gỡ bỏ rào cản trong hoạt động sản xuất của DN và đặc biệt xây dựng các chương trình giảng dạy ở bậc phổ thông theo hướng đào tạo kỹ năng sáng tạo, độc lập, và khả năng làm việc nhóm, có cơ chế khuyến khích phát triển các mô hình tư nhân về khởi nghiệp, khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp. Hoàn thiện mạng lưới các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thông qua phát triển  các nhà cung cấp dịch vụ tư nhân, các hiệp hội DN. Có như vậy mới gia tăng hiệu quả chương trình khởi nghiệp tại Việt Nam trong thời gian tới.

PHÚC ANH

Tin cùng chuyên mục