Quy định tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp: Gây khó khăn, ách tắc trong thu hút đầu tư

Điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN), trong đó, buộc các KCN đã được thành lập phải đạt 60% tỷ lệ lấp đầy tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP, đang gây khó cho nhiều địa phương, gây ách tắc trong thu hút đầu tư.

Điều kiện cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu Công nghiệp (KCN), trong đó, buộc các KCN đã được thành lập phải đạt 60% tỷ lệ lấp đầy tại Nghị định 164/2013/NĐ-CP, đang gây khó cho nhiều địa phương, gây ách tắc trong thu hút đầu tư.

Bỗng dưng… thành dự án treo

Theo Trưởng ban Quản lý KCX-KCN TPHCM Vũ Văn Hòa, việc triển khai hạ tầng và thu hút đầu tư một KCN mới thường kéo dài. Cụ thể, tại các KCX-KCN TPHCM thì quá trình đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng của một KCN không dưới 3 năm, thậm chí có khu kéo dài đến 10 năm do diện tích lớn và đầu tư theo dạng cuốn chiếu. Việc thu hút đầu tư và lấp đầy 50% diện tích của một KCN cũng kéo dài hơn 5 năm. Do đó, khi đủ điều kiện lấp đầy của các khu đã thành lập đạt 60% và đã thành lập thêm một hoặc một số KCN mới, thì các KCN dự kiến thành lập tiếp theo không thể đáp ứng được điều kiện trên, trong thời gian ngắn, từ 1 đến 2 năm, cho dù các KCN này có nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển KCN của TP.

Nhà máy trong Khu công nghiệp Tân Tạo Ảnh: CAO THĂNG

“Việc phải chờ trong thời gian dài để đáp ứng đủ điều kiện lấp đầy của các KCN đã thành lập là 60% khiến cho các khu đã nằm trong Quy hoạch tổng thể phát triển KCN của TP mà chưa triển khai được - dù không phải do lỗi của chủ đầu tư, trở thành các dự án “quy hoạch treo”, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực bị quy hoạch, có khả năng khiếu nại, khiếu kiện”, ông Hòa phản ánh. Tương tự, đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế (KKT) Tây Ninh cho biết, do tỷ lệ lấp đầy của các KCN hiện hữu trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng theo quy định nên chưa thể thành lập mới thêm các KCN còn tại. Đơn cử, KCN Chà Là quy hoạch 200ha, thực hiện giai đoạn 1 là 42ha, tỷ lệ lấp đầy trên 80%. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa thực hiện đúng tiến độ cam kết về đầu tư hạ tầng và năng lực tài chính, kinh nghiệm quản lý hạn chế. Do đó, UBND tỉnh yêu cầu thu hút, kêu gọi nhà đầu tư khác đầu tư dự án KCN Chà Là giai đoạn 2, nhưng việc cấp phép đầu tư vẫn vướng tỷ lệ lấp đầy theo quy định.

Nhiều địa phương khác như Kiên Giang, Gia Lai, Vĩnh Long… muốn kêu gọi thu hút đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn cũng đang “án binh bất động” do vướng mắc quy định trên. “Mỗi KCN được thành lập để phục vụ cho việc thu hút đầu tư trên một khu vực, địa bàn nhất định của địa phương. Theo xu hướng hiện nay là thành lập các KCN chuyên ngành để thu hút đầu tư một số lĩnh vực ngành nghề có liên quan, như dệt may, chế biến gỗ, thủy sản… Do vậy, quy định tổng diện tích đất công nghiệp của các KCN thuê lại đất ít nhất 60% mới có thể thành lập KCN khác sẽ gây vướng mắc cho địa phương trong thu hút nhà đầu tư hạ tầng để phát triển quỹ đất có hạ tầng nhằm thu hút các dự án thứ cấp”, Phó Trưởng ban Quản lý KKT tỉnh Bình Định Ngô Văn Tổng nói.

Theo đại diện tỉnh Bình Định, phần lớn các KCN đều do các doanh nghiệp tư nhân tự tính toán hiệu quả kinh doanh để bỏ vốn đầu tư. Việc đăng ký đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đã được quy định theo pháp luật về đầu tư, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng nếu thu hút lấp đầy chậm sẽ ảnh hướng đến kế hoạch kinh doanh và nếu chậm tiến độ sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo luật định. Do đó, việc có thêm nghị định như vừa qua sẽ gây chồng chéo, bất cập cho các địa phương trong việc thu hút đầu tư vào các KCN.

Giữ mức tỷ lệ hợp lý

Trước những vướng mắc trên, các BQL kiến nghị cơ quan chức năng cần quy định lại tỷ lệ lấp đầy theo hướng thuận lợi hơn, đặc biệt đối với các tỉnh thành còn hạn chế về tiềm năng thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp. “Bãi bỏ điều kiện quy định về tổng diện tích đất công nghiệp của các KCN thuê lại đất ít nhất 60%. Việc thành lập mới và mở rộng KCN - KKT nên đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường. Đồng thời, trong quy hoạch tổng thể quốc gia KCN, KKT… theo từng thời kỳ đã định hướng số lượng, quy mô của từng địa phương”, Phó Trưởng BQL KKT tỉnh Bình Định Ngô Văn Tổng, nêu ý kiến.

Trong khi đó, BQL KKT Tây Ninh cho rằng, đối với các KCN đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn của tỉnh thì không áp dụng tỷ lệ lấp đầy. Trường hợp đề nghị thành lấp mới KCN nằm ngoài quy hoạch có thể phải đảm bảo tỷ lệ lấp đầy theo quy định, nếu thấy cần thiết. “Việc mở rộng các KCN nhưng đảm bảo quy mô theo quy hoạch được duyệt, đề nghị không áp dụng tỷ lệ lấp đầy đối với trường hợp không cùng chủ đầu tư của giai đoạn trước”, Trưởng BQL KKT tỉnh Tây Ninh Kiều Công Minh đề nghị. BQL KKT tỉnh Long An cũng đề nghị cần xem xét lại tiêu chí lấp đầy 60% đối với các KCN trên địa bàn tỉnh hoặc TP trực thuộc Trung ương. Theo đó, tiêu chí này cần nêu rõ những chi tiết như yếu tố khách quan, chủ quan của các chủ đầu tư trong việc triển khai hạ tầng, đặc biệt là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là trách nhiệm của nhà nước. Nếu Nhà nước thực hiện khâu này chậm thì doanh nghiệp không có mặt bằng sạch để triển khai dự án, thời gian thực hiện dự án kéo dài.

“Để tránh việc thành lập nhiều KCN nhưng kém hiệu quả trong thu hút đầu tư, đồng thời tránh được các vướng mắc, cần xem xét chỉ giữ lại điều kiện về tỷ lệ lâp đầy tại khoản 1, Điều 6 Nghị định 126 về điều kiện bổ sung KCN vào quy hoạch tổng thể phát triển KCN nhằm tạo điều kiện cho các khu thuận tiện trong thu hút đầu tư; tránh xảy ra trường hợp dự án bị liệt vào diện quy hoạch treo như lâu nay”, đại diện BQL KCX-KCN TPHCM đề nghị

LẠC PHONG

Tin cùng chuyên mục