Thủ tướng đồng ý về chủ trương, nguyên tắc để Bình Định xây dựng một đô thị khoa học và giáo dục. “Đây là bước đi mạnh dạn và tiên phong để có thể quy tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới, góp phần thúc đẩy khoa học nước nhà” - Thủ tướng ghi nhận.
Sáng 6-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cùng Đoàn công tác Trung ương và lãnh đạo tỉnh Bình Định đến thăm và làm việc tại Trung tâm ICISE (tại thung lũng Quy Hòa - phường Ghềnh Ráng, TP Quy Nhơn, Bình Định). Trước tiên, Thủ tướng đã tham quan dự án Tổ hợp Không gian khoa học đặt giữa thung lũng Quy Hòa.
Tại đây, Thủ tướng ghi nhận, nhiều mô hình rất ý nghĩa, có sự liên kết giữa khoa học và giáo dục. Nhiều mô hình dành cho trẻ em vừa có thể vui chơi lành mạnh, vừa tiếp cận được với khoa học hiện đại từ sớm. Đây là những sáng kiến mới nhằm góp phần trong công cuộc cải cách giáo dục gắn liền với thực tiễn.
Tại Trung Tâm ICISE, GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc đã đón tiếp và làm việc cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác. GS Trần Thanh Vân vui mừng cho biết, từ năm 2013 đến nay, Trung tâm ICISE đã tổ chức 40 hội nghị quốc tế, có ít nhất 3.500 nhà khoa học đến đây. Bên cạnh đó, trung tâm cũng đã tổ chức những lớp học chuyên đề đào tạo các nghiên cứu sinh trong nước. Ngoài ra, trung tâm đã thành lập được một viện nghiên cứu về lý thuyết và thực nghiệm neutrino. Nếu mô hình nhỏ này thành công thì khi mở rộng hơn nó sẽ đóng góp những nghiên cứu về khoa học cho Việt Nam. “Mong muốn của chúng tôi là đưa khoa học đến quần chúng, trẻ em. Làm sao dọn một con đường cho tương lai khoa học tại Việt Nam. Ngoài được sự ủng hộ của Chính phủ, chúng tôi cũng đã vận động tìm sự giúp đỡ từ các nhà khoa học trên thế giới về chất xám, để giúp chúng ta vận hành trung tâm khoa học trong tương lai”, GS Trần Thanh Vân chia sẻ.
Theo GS Trần Thanh Vân, ở chương trình “Gặp gỡ khoa học Việt Nam” lần này (ngày 9-5-2018), Trung tâm ICISE đã mời được 4 nhà khoa học đã đoạt giải Nobel đến Việt Nam để trao đổi kiến thức khoa học.
Trò chuyện với vợ chồng GS Trần Thanh Vân cùng lãnh đạo tỉnh Bình Định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận, gần 10 năm từ khi có ý tưởng, hôm nay đến đây đã thấy hình hài của một thành phố khoa học tại Quy Nhơn. Đây là sự cố gắng rất lớn của GS Trần Thanh Vân và GS Lê Kim Ngọc, hơn hết là sự phấn đấu không mệt mỏi của các nhà khoa học, trong đó có sự hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bình Định. “Quý vị là những người yêu nước chân thành nhất và có những hoạt động không mệt mỏi. Với ý chí của người miền Trung đã nỗ lực liên tục trong công cuộc đưa khoa học của đất nước tiến bộ hơn”.
Thủ tướng mong muốn, trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 của nước nhà, Trung tâm ICISE nên hình thành một tư duy khoa học mới, để giới trẻ hiểu và bước chân vào phát triển địa phương, đất nước. Ngoài ra, khoa học phải gắn bó thiết thực để góp phần cải cách giáo dục của nước nhà là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ, hiện Việt Nam đang tái cơ cấu mạnh mẽ các ngành kinh tế, khoa học công nghệ; mong rằng với kinh nghiệm của GS Trần Thanh Vân, GS Lê Kim Ngọc và các nhà khoa học tại đây, chúng ta hãy đóng góp vào quá trình chuyển dịch cơ cấu ấy. Đặc biệt, góp ý cho Chính phủ và các nhà khoa học Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ hơn, chất lượng tốt hơn, có nền tảng vững chắc hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.
Thủ tướng nhấn mạnh, chính việc vận dụng các thành tựu khoa học vào phát triển kinh tế có ý nghĩa rất lớn trong lúc Việt Nam đang hội nhập sâu, rộng với bạn bè quốc tế. Không có KH-CN, không có ứng dụng nghiên cứu mới, không tìm được giá trị gia tăng mới trong phát triển, không có khát vọng phát triển đưa đất nước tiến lên thì Việt Nam rất khó để phát triển sánh vai với các cường quốc năm châu.
Thủ tướng cho rằng, nguyện vọng liên kết khoa học giữa Viện Hàn lâm KH-CN ở các trường đại học trong nước và Trung tâm ICISE là chính đáng, thiết thực để đưa khoa học nước nhà tiến bộ hơn và đặc biệt phát huy hết được chất xám khoa học.
Sau cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các bên cần phấn đấu xây dựng nơi đây thành thung lũng khoa học, đô thị và tiến tới giấc mơ xây dựng thành phố khoa học lớn nhất Việt Nam tại Quy Nhơn; nơi hội tụ những nhà khoa học lớn trên thế giới về đây để lan tỏa đóng góp cho sự nghiệp của đất nước. Chính phủ sẽ lắng nghe những đề xuất, ý kiến cụ thể và tạo điều kiện để thực hiện ý tưởng táo bạo đó.