Nhiều mặt hàng sụt giảm
Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, 5 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 16,1 tỷ USD; trong đó, nhóm hàng nông sản chính ước đạt khoảng 7,7 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ chựng lại ở nhóm các mặt hàng chính, một số loại nông sản được xem là đặc sản của Việt Nam cũng đang rơi vào tình trạng khó tìm đầu ra.
Có mặt tại trang trại sầu riêng Gia Trung - trang trại có quy mô lớn nhất tỉnh Đắk Nông diện tích gần 70ha, chúng tôi ghi nhận sầu riêng chín cây, sầu riêng đã tới kỳ thu hoạch được xếp thành luống lớn trong nhà kho.
Ông Nguyễn Ngọc Trung, chủ trang trại, cho biết những năm trước khi đến mùa thu hoạch, ông thường bán nguyên vườn hoặc bán từng hécta cho các doanh nghiệp (DN) khai thác để xuất khẩu sang Trung Quốc, chỉ một số ít là tiêu thụ trong nước. Tuy nhiên, năm nay tình hình đã khác, không chỉ trái sầu riêng mà nhiều nông sản khác cũng gặp khó đầu ra vì nhiều nguyên nhân.
Ông Nguyễn Tú, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đắk Lắk, lo ngại gần đây giá bán hạt tiêu, cà phê giảm, xuất khẩu khó khăn, nên người dân chuyển dần sang trồng các loại cây ăn trái như bơ, sầu riêng, xoài, cam quýt… Tuy nhiên, việc tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, do vậy trong mùa vụ 2019, tỉnh đang lo nhiều khả năng phải “giải cứu” một số loại trái cây để hỗ trợ nông dân.
DN phải nỗ lực nhiều hơn
Ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia đã nhận định 2019 là năm gian nan đối với hoạt động sản xuất và tiêu thụ nông sản. Bởi lẽ, với việc tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, đầu ra cho nông sản Việt sẽ rất khó khăn do ảnh hưởng của tăng trưởng kinh tế thế giới 2019 dự báo giảm.
Còn một nguyên nhân khác: nhiều nước trên thế giới đều quay lại tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nên các mặt hàng nông sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt trong xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu nông sản lớn của Việt Nam đều gia tăng bảo hộ hàng hóa trong nước thông qua các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm (ATTP), yêu cầu truy xuất nguồn gốc. Thực tế này đã tác động trực tiếp đến xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam.
Tại Trung Quốc - một trong những thị trường xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam - đã đưa ra nhiều rào cản mới. Ở mặt hàng gạo, từ năm 2018, nước này tăng thuế nhập khẩu gạo nếp từ 5% lên 50%, đồng thời siết chặt việc nhập khẩu gạo tấm.
Chưa kể, trong 150 DN có chức năng xuất khẩu gạo, Trung Quốc chỉ cho phép 20 DN được xuất khẩu sang thị trường này. Với mặt hàng rau củ quả, Trung Quốc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, tăng cường quản lý chất lượng, phải đăng ký mã số vùng trồng, yêu cầu làm thông quan tại các cửa khẩu chỉ định, khiến ngành hàng này gặp rất nhiều khó khăn.
Mới đây, Bộ Công thương đã thông tin về việc các lô hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam nhập khẩu vào EU bị từ chối hoặc bị giám sát, do không đáp ứng các tiêu chuẩn ATTP.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, việc Trung Quốc có chính sách siết chặt ATTP và cương quyết yêu cầu DN thực hiện nhập khẩu chính ngạch cũng chính là cơ hội cho DN thủy sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển vào các thành phố lớn của nước này.
Đã đến lúc các DN không nên xem Trung Quốc là thị trường “dễ tính” mà cần có sự đầu tư nghiêm túc, nâng cao chất lượng hàng hóa, thực hiện truy xuất nguồn gốc, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn của Trung Quốc về bao bì, ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng Việt, cần phát huy vai trò dẫn dắt từ các bộ ngành của Chính phủ, thông qua việc nghiên cứu, khảo sát nắm rõ tình hình và xu hướng thay đổi của thị trường tiêu dùng để xây dựng chính sách chỉ đạo và hướng dẫn kịp thời cho các DN.
Cần quan tâm theo dõi về nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường để đưa ra những sản phẩm phù hợp, chứ không phải bán cái DN có sẵn. Các DN Việt Nam cần tăng cường việc quảng bá, marketing và nên có tầm nhìn lâu dài để bảo vệ uy tín chung của ngành và các sản phẩm Việt Nam.
“Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần thực hiện quản lý chất lượng thông qua việc cấp và kiểm tra Chứng thư chất lượng đối với hàng xuất khẩu đi Trung Quốc. Thực tế có tới 80% thủy sản Việt Nam đang xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch, biên mậu, không cần xin chứng thư chất lượng, dễ tạo ra những hệ lụy về chất lượng sản phẩm cũng như hình ảnh của thủy sản Việt Nam”, ông Trương Đình Hòe kiến nghị. |