Ước tính, hiện có hơn 76.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan (trong đó có khoảng 50.000 người Việt đang làm việc tại Thái Lan, 20.000 người làm việc tại Lào, 6.000 người làm việc tại Campuchia).
Theo ông Trần Hải Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐTB-XH), phần lớn lao động sang làm việc tại Thái Lan, Campuchia, Lào là đi tự do theo hình thức cá nhân (lao động di cư); số ít còn lại đi theo các công trình nhận thầu, trúng thầu, đầu tư. Theo góc nhìn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì số lao động di cư trong ASEAN đã tăng 3 lần trong 25 năm qua nhưng chủ yếu là lao động bất hợp pháp và gặp hạn chế trong khả năng tiếp cận lưới an sinh xã hội, không có bảo hiểm xã hội, không được bảo vệ khi bị tai nạn lao động.
Các chuyên gia đề nghị các nước cần có quy định cho phép cả lao động hợp pháp và bất hợp pháp được tiếp cận bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động như Hàn Quốc đã áp dụng đối với lao động nước ngoài. Tiến xa hơn là liên thông bảo hiểm hưu trí nhưng chỉ thí điểm giữa hai nước có hệ thống bảo hiểm hưu trí tương đương nhau trong khu vực, sau đó mở rộng sang các nước khác.