Tiềm năng thị trường lớn
Theo Bộ Công thương, có nhiều yếu tố đã và đang tạo dư địa thị trường rất lớn cho doanh nghiệp (DN) nội tăng tốc xuất khẩu. Cụ thể, Việt Nam đang có giao dịch thương mại với hơn 200 thị trường trên thế giới và vùng lãnh thổ; trong đó có 28 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (còn nếu tính ở mức trên 5 tỷ USD - 10 tỷ USD thì có đến 7 thị trường). Không chỉ vậy, ở tất cả các thị trường mà Việt Nam có ký hiệp định tự do thương mại (FTA) đều ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu vượt trội.
Đơn cử, xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng trưởng 30%, ASEAN tăng 24,2%, Nhật Bản tăng 14,8%... Tại những thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, mức tăng trưởng đều giữ vững. Riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc có mức tăng ấn tượng - với 61,5%.
Mức tăng trưởng này đặc biệt hơn trong bối cảnh các thị trường trên liên tục thiết lập rào cản kỹ thuật, các tiêu chuẩn ngặt nghèo về an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng mức thuế chống bán phá giá với hàng hóa đến từ Việt Nam. Điều này cho thấy, hàng Việt đã từng bước khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng khá chắc chắn trên thị trường thế giới.
Theo công bố mới nhất của Bộ Công thương, kim ngạch xuất nhập khẩu quý 1-2018 đã đạt 107,32 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, xuất khẩu ước đạt gần 54,32 tỷ USD (tăng 22%) và nhập khẩu ước tính hơn 53 tỷ USD (tăng 13,6%). Dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn giữ vai trò chủ lực khi đem về khoảng 45,26 tỷ USD, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng 2 mặt hàng điện thoại các loại và máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã đóng góp 18,62 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Ở góc độ DN, nhiều DN cho rằng những định hướng hỗ trợ đầu tư sản xuất sản phẩm xuất khẩu năm 2017 của Chính phủ đã bước đầu có hiệu quả tích cực. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhờ được hỗ trợ vốn đổi mới dây chuyền công nghệ, trang thiết bị, đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, nhiều DN trong lĩnh vực dệt may đã chủ động thay đổi cách thức sản xuất theo hướng giảm nhận những đơn hàng gia công giản đơn, thay vào đó là những đơn hàng gia công đa chi tiết hoặc chi tiết khó.
Từ đó, giúp giảm áp lực cạnh tranh về giá thành với các thị trường mới nổi như Campuchia, Bangladesh, Myanmar. Một số DN như Công ty Quốc tế Phong Phú, Việt Tiến, Nhà Bè… mạnh dạn đầu tư tăng năng lực thiết kế, sản xuất, kết hợp với chuỗi hệ thống phân phối toàn cầu để tăng cường mở rộng thị phần xuất khẩu hàng hóa mang thương hiệu Việt. Song song đó, hình thức chuyển nhượng thương hiệu đã được một số DN trong nước khai thác và đem lại những kết quả hết sức tích cực, góp phần tăng giá trị gia tăng sản phẩm Việt trên thị trường thế giới.
Cần chủ động tiếp cận thông tin về thị trường
Đánh giá về tình hình xuất khẩu trong những quý tới, theo các chuyên gia kinh tế, tín hiệu rất lạc quan. Tuy nhiên, về phía Bộ Công thương cũng cảnh báo, DN không nên có tâm lý chủ quan, nóng vội mà xuất khẩu ồ ạt hàng hóa với giá thành thấp. Ngược lại, cần nâng cao năng lực sản xuất theo hướng sản xuất sạch hơn, đặt tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, DN tăng tính liên kết để thực hiện quy hoạch đầu tư vùng nguyên liệu trọng điểm và triển khai sản xuất theo chuỗi để tăng hiệu quả trong quản lý, kiểm soát chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường xuất khẩu, giảm chi phí giá thành, tăng nội lực cạnh tranh. Các DN cũng cần phải chủ động tiếp cận thông tin về thị trường, nhất là những thị trường mà Việt Nam đã tham gia FTA để tận dụng tối đa lợi thế từ thuế suất ưu đãi. Về lâu dài, trong bối cảnh hàng Việt ngày càng khẳng định vị thế chắc chắn trên thị trường, DN cần phải xây dựng chiến lược xâm nhập thị trường một cách phù hợp, bền vững.
Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, để đảm bảo ổn định nguồn cung cho hàng xuất khẩu, Bộ Công thương cần phải thực hiện khảo sát, thống kê và công bố những sản phẩm chủ lực theo từng ngành hàng và từng địa phương. Bởi đây sẽ là nền tảng cơ sở để kết nối tổ chức, cá nhân, DN sản xuất với DN xuất khẩu. Mặt khác, bộ cần tăng cường công tác đàm phán để hạn chế tối đa rào cản thương mại mà các nước đang dựng lên.
Về phía Bộ Công thương, đại diện Vụ Kế hoạch khẳng định, năm 2018 bộ tiếp tục tăng cường đối thoại với DN để thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững. Bảo đảm cắt giảm, đơn giản tối thiểu 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh. Mặt khác, tập trung hỗ trợ DN đổi mới công nghệ sản xuất, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động, đáp ứng yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường.
Riêng với vấn đề phòng vệ thương mại, DN thường chưa có đủ thông tin và kinh nghiệm tham gia các vụ việc phòng vệ thương mại. Các cơ quan chức năng liên quan chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả trong quá trình điều tra. Do vậy, trong thời gian tới, bộ cũng sẽ nỗ lực để phối hợp cùng DN, hiệp hội và các đơn vị liên quan để sớm ngăn chặn những vụ việc như vậy, tránh những trường hợp đáng tiếc như vừa qua. Tuy nhiên, về phía DN cũng cần chủ động mở rộng thị trường xuất khẩu để giảm rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu.