1. Sinh ra và lớn lên giữa phố cổ Hàng Đào, ông Nguyễn Hữu Bảo không nhận mình là nhiếp ảnh gia hay nghệ sĩ nhiếp ảnh, song bạn bè vẫn luôn tìm thấy trong các khuôn hình của ông bao câu chuyện về Hà Nội đang thay đổi hàng ngày. Ông cũng không nhận mình là người hoài cổ, song căn gác nhỏ xinh của ông trong những ngày đầu xuân ấm áp, hương của lá mùi già, của trái phật thủ ươm vàng trên mâm ngũ quả, của cành đào phai mong manh cánh mỏng.
Hoa rực rỡ ở vùng lũ xã Phú Mậu (Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VĂN THẮNG
Cũng giống như nhiều năm trước, trong những ngày đầu năm, ông lại thong thả dạo quanh phố phường với chiếc máy ảnh quen thuộc để tìm sự yên lặng, thanh khiết của Hà Nội. Với ông, đó không phải là công việc mà giống như một thói quen, một sự hưởng thụ mà chỉ những người sống trong phố cổ mới được ưu ái tận hưởng đặc quyền ấy. Hàng Đào, hàng Ngang, hàng Buồm, ô Quan Chưởng… phố phường trong những ngày ấy bình yên, trong trẻo đến lạ. Nếu vài chục năm trước, không khí đầu năm với cảm giác lâng lâng lạc giữa sắc hồng rực của xác pháo trên vỉa hè, thì nay sắc xuân hiện hữu trên tà áo dài của nam thanh, nữ tú trong những cơn mưa bụi giăng mờ trên mặt Hồ Gươm buổi sớm…
“Giờ đây, nhiều người có tâm lý xa thương, gần thường, thi vị hóa cái nghèo và thường đem những cảm xúc xưa để áp đặt làm chuẩn mực cho cuộc sống hiện tại, nhưng đó phải chăng chính là tư tưởng lạc hậu. Đúng là tết xưa háo hức vì cả năm mới có nồi bánh chưng, có dịp chưng diện quần áo mới… nay các chị, các mẹ không còn quá tất bật, lo lắng sửa soạn một cái tết đủ đầy, vì thế tết đã nhẹ nhàng và dễ thương hơn…”, ông Bảo chia sẻ.
2. TPHCM mùa xuân không chỉ có những sắc hoa tươi, đèn màu xanh, đỏ trên những con đường, mà dòng người xuống phố với những tà áo dài tung bay trong gió cũng góp phần tô điểm thêm một nét đẹp rất riêng cho thành phố mỗi dịp xuân về. Những tuyến phố đi bộ trong thành phố không chỉ rực rỡ bởi sắc hoa, mà còn đủ màu của những tà áo dài tha thướt. Những cô gái má đỏ môi hồng, nam thanh, nữ tú hay những người lớn tuổi, cháu nhỏ cũng được phụ huynh cho diện áo dài. Bà Ngọc Cúc (Việt kiều Australia) chia sẻ: “Năm nào được ăn tết trên quê hương là chúng tôi vui lắm, dặn con cháu trong nhà phải mặc áo dài theo kiểu truyền thống từ xưa của ông bà mình để lại”.
Vài năm trở lại đây, áo dài được mặc nhiều hơn trong mỗi dịp tết. Họa tiết, hoa văn của trên áo dài cũng liên tục được thay đổi qua các năm, tạo thành một xu hướng áo dài mới. Áo dài với họa tiết là hoa văn trên nền gạch bông của những ngày xưa cũ, được xem như “mốt” áo dài năm nay, sau khi một bộ phim điện ảnh về chiếc áo dài công chiếu trong năm 2017 và được đông đảo khán giả yêu thích. Vừa lựa vài quyển sách cho ngày đầu năm trên Đường sách TPHCM, bà Như Thanh (70 tuổi, ngụ quận 8) chia sẻ: “Nhìn áo dài lại nhớ về kỷ niệm mấy mươi năm trước, lúc tôi còn nhỏ, kiểu hoa văn này lúc ấy phổ biến, nhà cửa hay áo quần đều trang trí kiểu này. Năm nay ra đường, thấy mọi người mặc nhiều cũng gợi nhớ những ngày tết xưa lắm, tôi cũng tranh thủ mặc như thể ôn lại kỷ niệm cũ”.
Thời gian gần đây, kiểu áo dài cách tân được lòng khá nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến khen, chê quanh chiếc áo dài cách tân. Ai cũng có cái lý riêng khi chọn áo dài theo kiểu truyền thống hay cách tân. Nhưng quan trọng nhất, điều đáng quý và cần phát huy hơn cả chính là tình yêu với chiếc áo dài. Đó là nét đẹp cần giữ gìn và phát huy bởi đó là chiếc áo mang đầy niềm tự hào, kiêu hãnh của những người con đất Việt. Còn với những kiều bào xa quê thì đó là một nét đẹp truyền thống của dân tộc, một nét đẹp gợi nhớ cội nguồn, bởi “thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó”...
3. Đường về các địa phương nằm cuối nguồn sông Hương, sông Bồ và Ô Lâu những ngày xuân 2018 đã được sửa chữa nhưng mặt đường nhiều chỗ vẫn còn nham nhở đọng nước, dấu tích sự tàn phá từ các đợt lũ chồng lũ cuối năm 2017. Dọc hai bên tỉnh lộ 4 từ TP Huế đi huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế, những cánh đồng lúa non xanh mướt nối tiếp nhau, khác khung cảnh xác xơ khi lũ đi qua. Nhiều người đang đi tranh thủ dừng xe ghé thăm ruộng. “Lũ rút để lại phù sa màu mỡ nên đồng ruộng vụ này phì nhiêu, tạo điều kiện cho lúa gieo sạ trước tết phát triển tốt. Tuy nhiên, lúa non gặp nắng xuân rất dễ bị sâu bệnh cắn phá, nguy cơ ảnh hưởng tới năng suất, cần phải rút ngắn thời gian nghỉ tết để tranh thủ ra đồng làm cỏ vực và phun thuốc để cây phát triển”, ông Nguyễn Văn Hóa, xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, nói với người bạn đi cùng.
Trở lại vùng rốn lũ xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, sẽ cảm nhận được sự hồi sinh diệu kỳ của đất và người nơi đây. Gánh chịu những tổn thất nặng nề từ 5 trận lũ chồng lũ, nhưng kinh nghiệm “sống chung với lũ”, cùng với ý chí và nghị lực mà người dân đã từng bước khắc phục khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống. Ấn tượng nhất là những căn nhà ngập tràn bùn non và rác thải khi lũ rút nay đã được quét vôi, sơn mới toanh, điểm tô thêm những chậu hoa mai, hoa cúc trước mặt nhà khiến cho mọi thứ tăng thêm sắc xuân. Đi sâu vào các thôn xóm, càng thấy bất ngờ bởi bộ mặt làng quê hồi sinh và đầy sức sống. Bà Mai Thị Hà, thôn Tiên Nôn, xã Phú Mậu, cho biết: “Lũ rút, mọi người đổ ra đồng cày đất, trồng lại những ruộng hoa thối rữa chết úng bằng những loại hoa ngắn ngày hoặc xịt rửa, bơm thuốc kích thích những giống hoa hư hại nhẹ nên cây hoa nhanh chóng khỏe mạnh, nụ đều…”, bà Hà nói.
Những ngày xuân Mậu Tuất, trên những cánh đồng của tỉnh Thừa Thiên - Huế từng bị ngập lũ nặng nề đã xuất hiện màu xanh của sắn, đậu và các loại rau màu, bên cạnh đó là những ngôi nhà mới kiên cố, khang trang đang được người dân hoàn thành như biểu tượng của sự vươn lên trong nghiệt ngã của thiên tai.