Theo dự thảo chỉ thị, sắp xếp, đổi mới DNNN trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng: DNNN đã giảm mạnh về số lượng, trong giai đoạn từ năm 2016 – tháng 11-2018, cả nước đã CPH được 147 doanh nghiệp, thực hiện thoái vốn được trên 17.000 tỷ đồng, thu về được gần 155.000 tỷ đồng (gấp 10 lần giá sổ sách).
Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế như chưa hoàn thành kế hoạch CPH, thoái vốn theo đúng phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối ở nhiều ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn hoặc giữ chi phối, đặc biệt là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước…
Nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế này, ngoài các yếu tố khách quan thì còn có cả nguyên nhân do nhận thức về chủ trương CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN của một số lãnh đạo đơn vị còn chưa quyết liệt, có nơi còn bị ảnh hưởng bởi lợi ích cục bộ và tư duy nhiệm kỳ. Vấn đề này cần nghiêm túc xử lý và rút kinh nghiệm trong giai đoạn tới.
Để đẩy mạnh sắp xếp, đổi mới DNNN giai đoạn tới, Thủ tướng chỉ thị các bộ ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tăng cường công tác chỉ đạo, đẩy mạnh công tác cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới, CPH và thoái vốn nhà nước tại DNNN và doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Nhận thức đúng, đầy đủ theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, kiên quyết đẩy lùi các hạn chế, tiêu cực làm chậm quá trình CPH, thoái vốn – bán vốn nhà nước. Thủ tướng yêu cầu xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong việc để chậm trễ trong công tác CPH, thoái vốn, đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán, quyết toán CPH.
Thủ tướng nêu rõ sẽ gắn kết quả việc thực hiện sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN với việc đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu; tiếp tục đổi mới công tác bố trí bổ nhiệm, miễn nhiệm đối với người đứng đầu DNNN.
Với Hội đồng thành viên, Chủ tịch, Ban lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, DNNN, Thủ tướng yêu cầu xây dựng phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, triển khai cơ cấu lại các doanh nghiệp thành viên để thực hiện chuyên môn hóa, phân công, hợp tác, không đầu tư dàn trải, phân tán nguồn lực; tránh cạnh tranh nội bộ theo hướng sáp nhập, hợp nhất các doanh nghiệp thành viên kinh doanh cùng ngành nghề.
Dự thảo chỉ thị cũng nêu rõ Chính phủ kiên quyết xử lý dứt điểm các DNNN, các dự án đầu tư chậm tiến độ, hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả theo cơ chế thị trường. Xem xét, thực hiện phá sản DNNN theo quy định của pháp luật; thực hiện cơ cấu lại và chuyển nhượng dự án cho nhà đầu tư thuộc thành phần kinh tế khác. Làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật những vi phạm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng DNNN, dự án đầu tư thua lỗ, thất thoát, lãng phí lớn.
Bên cạnh đó cần tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, CPH, thoái vốn và quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Bổ sung nội dung kiểm tra, thanh tra trách nhiệm người đứng đầu đơn vị trong việc chấp hành kỷ luật hành chính khi thực hiện kế hoạch CPH và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; trách nhiệm trong việc tổ chức, hoàn thành kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm...