Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng vừa thay mặt Bộ Chính trị ký Quy định số 01 quy định về trách nhiệm và thẩm quyền của các ủy ban kiểm tra (UBKT) từ cấp huyện và tương đương trở lên trong công tác phòng chống tham nhũng.
Nội dung nổi bật được nhiều người dân quan tâm là quy định khi có dấu hiệu vi phạm và giải quyết tố cáo về tham nhũng, ủy ban kiểm tra có quyền yêu cầu đảng viên không được xuất cảnh. Khi cần thiết đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tạm hoãn xuất cảnh theo quy định của pháp luật đối với đảng viên có dấu hiệu tham nhũng và có biểu hiện bỏ trốn.
Liên quan đến quy định này, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, đại biểu (ĐB) Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã có cuộc trao đổi với báo giới về những vấn đề liên quan.
- PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về Quy định số 01?
* ĐB LƯU BÌNH NHƯỠNG: Quy định số 01 đã giao nhiệm vụ và thẩm quyền cho các UBKT phải chủ động thực hiện công tác phòng chống tham nhũng. Khi phát hiện đảng viên có hành vi tham nhũng phải kiểm tra, xem xét và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời. Theo quy định thì đảng viên ở bất cứ cương vị công tác nào, có dấu hiệu tham nhũng đều phải được xem xét làm rõ và xử lý nghiêm theo quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước. Như vậy, thông qua quy định này, Đảng muốn đưa ra một tuyên ngôn, một thông điệp là Đảng muốn đi đầu, gương mẫu trong vấn đề chống tham nhũng. Chống tham nhũng trong Đảng là quan trọng nhất bởi vì Đảng ta là đảng cầm quyền, không chỉ đại diện cho tổ chức mình mà còn đại diện cho nhân dân. Vì vậy theo tôi, Đảng nêu gương trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết.
- Theo ông, việc giao cho UBKT các cấp có quyền xử lý các đảng viên tham nhũng có hợp lý không?
* Theo tôi, điều này cũng hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật. Chúng ta biết rằng có những người có hành vi vi phạm pháp luật, và có những người giúp đỡ, dung túng, bao che cho các hành vi đó. Tôi ví dụ như trường hợp Dương Chí Dũng khi bỏ trốn đã được em trai là Dương Tự Trọng làm các thủ tục để bao che giúp đỡ.
Thực ra về vấn đề đảng viên vi phạm, tham nhũng rồi bỏ trốn, tất cả các quy định của pháp luật cũng đều dự liệu về vấn đề này. Tuy nhiên ở đây, chúng ta muốn áp dụng các quy định đó vào trong việc xử lý của Đảng, chứ đây không phải là vấn đề mới. Vấn đề quan trọng là ở thời điểm này chúng ta muốn áp dụng một cách chặt chẽ hơn và mạnh mẽ hơn đối với những trường hợp thấy cần thiết phải xem xét, phải xử lý bằng con đường của Đảng.
- Bằng việc giám sát chặt chẽ đảng viên, cấm xuất cảnh khi có dấu hiệu vi phạm, đây có phải là quy định quan trọng để bịt lỗ hổng rất lớn trong công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua không, thưa ông?
* Trước thì chúng ta chỉ hiểu với nhau như thế, hoặc các quy định chỉ nằm rải rác ở đây đó, nhưng bây giờ Đảng nói rất rõ vấn đề này. Và quy định mới này không chỉ dành cho những người có hành vi vi phạm pháp luật mà cũng cảnh báo luôn cho những người có ý định bao che, giúp đỡ người có hành vi vi phạm, tham nhũng. Theo tôi hiểu ở đây là cũng xử lý luôn cả những tập thể mà anh không có nỗ lực để ngăn chặn hoặc không có nỗ lực phát hiện, xử lý vi phạm, tham nhũng. Thời gian qua, nhiều cấp ủy, kể cả cấp tỉnh có tập thể bị kiểm điểm và các cá nhân thì bị xử lý kỷ luật.
- Cũng liên quan đến vấn đề nóng được nhiều người dân quan tâm này, ngày 31-5, Quốc hội sẽ thảo luận ở tổ về các quy định của dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trong đó nội dung mà nhiều người còn băn khoăn là làm sao để giám sát được việc kê khai tài sản của đảng viên, cán bộ công chức?
* Còn có rất nhiều vấn đề quan trọng cần phải làm rõ như việc kê khai tài sản, xác minh tài sản, thẩm quyền quản lý việc kê khai tài sản, phạm vi quản lý cán bộ đến đâu… Trong đó, công cụ quan trọng nhất để chống tham nhũng chính là thời điểm kê khai tài sản. Quan điểm chung là việc kê khai tài sản phải bắt đầu khi anh được tuyển dụng vào làm cán bộ công chức. Vì thời điểm đó rất quan trọng để anh chứng minh cho tôi biết anh có hay không có tài sản, để sau này người ta có thể kiểm soát được anh. Bằng cách này sẽ giúp cho công tác phòng chống tham nhũng có hiệu quả hơn.
- Cán bộ công chức phải kê khai tài sản ngay từ ban đầu để giám sát có tham nhũng không, nhưng sau đó họ có biến động về tài sản với giá trị lớn thì như thế nào?
* Cũng có những cá nhân sẽ có biến động lớn về tài sản, có thể không liên quan đến tham nhũng nhưng mà người ta vẫn kê khai. Tôi ví dụ có người trồng rừng, bán hàng chục ha rừng, có tiền tỷ, hoặc có thể người ta được thừa kế hoặc do gia đình kinh doanh. Nếu người ta chứng minh bằng kê khai của họ là trung thực thì chúng ta xác nhận, còn nếu thấy cần thiết phải xác minh thì phải xác minh xem có đúng anh ta bán 20ha rừng không, hay chỉ có 1ha mà khai lên 20ha.
- Còn về kê khai tài sản hàng năm thì cơ quan nào sẽ trực tiếp quản lý?
* Quan điểm của tôi cho rằng việc kê khai tài sản hàng năm của cán bộ công chức liên quan tới công tác cán bộ, trong đó có vấn đề theo dõi đánh giá, bổ nhiệm, luân chuyển thì cơ quan quản lý cán bộ phải quản lý việc kê khai tài sản và phải có trách nhiệm xác minh tài sản của cán bộ công chức đó qua UBND phường, xã nơi cán bộ đó sống hoặc có tài sản. Khi xác minh, nếu thấy có việc khai báo không trung thực thì có thể lập đoàn hoặc nhóm để đi xác minh, kiểm tra cụ thể. Đến tận nơi xem có đúng có cái nhà đó không, chụp ảnh, quay phim… Và trong trường hợp này, chúng ta phải sử dụng các biện pháp khác nhau chứ không nên giao toàn bộ việc kiểm tra, xác minh cho cơ quan thanh tra. Cơ quan thanh tra không thể làm được. Thanh tra Chính phủ là cơ quan tham mưu, đầu mối giúp Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề về tham mưu chính sách, văn bản pháp luật, hướng dẫn triển khai, tổ chức thống kê, làm cơ sở dữ liệu về vấn đề kê khai tài sản, quản lý cán bộ, phòng chống tham nhũng… chứ họ không thể làm hết các vấn đề khác được.
- Xin cảm ơn ông!