Xét xử “đại án” 6.127 tỷ đồng: Đề nghị xác minh ông Trần Bắc Hà có xuất cảnh hay không

Đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên toà nêu quan điểm: ông Trần Bắc Hà làm đơn xin vắng với lý do bị ung thư gan, đang đi tái khám ở nước ngoài nhưng không biết ông Hà có xuất cảnh khám bệnh thật hay không...
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên xử sáng 12-1
Bị cáo Phạm Công Danh tại phiên xử sáng 12-1

Hôm nay 13-1, phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (viết tắt VNCB, nay là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Xây dựng Việt Nam - viết tắt CBBank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (SacomBank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tiếp tục thẩm vấn về hành vi bị cáo Phạm Công Danh chỉ đạo cấp dưới sử dụng pháp nhân 12 công ty “con” của Tập đoàn Thiên Thanh tạo dựng hồ sơ giả mạo để vay 4.700 tỷ đồng của BIDV.

Luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi hỏi bị cáo Hoàng Long Hà (nguyên Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Gia Định) về quá trình tham gia giải quyết hồ sơ vay vốn của Công ty TNHH MTV TMDV Phong Hiệp.
Bị cáo Hoàng Long Hà cho biết: Công ty Phong Hiệp là 1 trong 12 công ty mà VNCB giới thiệu để BIDV cho vay. Công ty này về cơ bản không khác các công ty còn lại, điểm khác biệt duy nhất là bị cáo Trần Hiệp, Giám đốc Công ty Phong Hiệp cũng lại là thành viên HĐQT VNCB. Trong khi đó, khoản vay của Công ty Phong Hiệp lại chính là khoản tiền gửi của VNCB tại BIDV. Cũng chính vì điều này mà bị cáo cùng 2 đồng nghiệp khác ở BIDV chi nhánh Gia Định phải bị xử lý hình sự.
“Nếu lúc đó bị cáo phát hiện điều này thì chúng tôi sẽ dùng 6 lô đất ở Sân vận động Chi Lăng (TP Đà Nẵng) làm tài sản đảm bảo cho Công ty Phong Hiệp, còn khoản tiền gửi của VNCB tại BIDV sẽ dùng làm tài sản cho các công ty khác. Như vậy, hồ sơ vay vốn của Công ty Phong Hiệp sẽ “đẹp” nhất, không liên quan gì đến VNCB”, bị cáo Hoàng Long Hà trình bày.
Bị cáo cũng khẳng định lại là không ký hợp đồng cho Công ty Phong Hiệp vay 325 tỷ đồng như cáo trạng nêu.
Cho rằng mình không phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” với vai trò đồng phạm như cáo trạng đã nêu, bị cáo Hoàng Long Hà xin hội đồng xét xử xem xét.
Cũng trong buổi xử sáng nay, luật sư Phan Trung Hoài (người bào chữa cho bị cáo Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị VNCB, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) cũng hỏi các bị cáo: Phạm Công Danh, Phan Thành Mai (nguyên Tổng Giám đốc VNCB), Mai Hữu Khương (nguyên thành viên HĐQT, nguyên Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), đại diện CBBank để làm rõ về việc sử dụng dòng tiền 4.500 tỷ đồng tăng vốn điều lệ – trong đó có 4.000 tỷ đồng từ vốn vay của BIDV.
Chiều nay, phiên tòa tiếp tục làm việc.

Về sự vắng mặt của ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Trưởng Phân Ban rủi ro tín dụng đầu tư của BIDV) tại phiên toà, đại diện Viện KSND TPHCM giữ quyền công tố tại phiên toà nêu quan điểm: ông Trần Bắc Hà làm đơn xin vắng với lý do bị ung thư gan, đang đi tái khám ở nước ngoài nhưng không biết ông Hà có xuất cảnh khám bệnh thật hay không. Công tố viên đề nghị hội đồng xét xử kiểm tra thông tin này tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Đối với sự vắng mặt của ông Trần Lục Lang (Phó Tổng Giám đốc BIDV) với lý do trị bệnh, công tố viên cho rằng ông Lang không nộp bệnh án, chỉ có sổ khám bệnh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định và đơn thuốc ghi ngày 6-1-2018 ghi ông bị rối loạn tiền đình, chỉ định nghỉ 3 ngày. Do vậy công tố viên đề nghị hội đồng xét xử tiếp tục triệu tập ông Lang ra toà.

Về đề nghị của công tố viên, chủ tọa phiên toà cho biết HĐXX đã triệu tập lại những cá nhân này, yêu cầu phải có mặt tại phiên toà vào ngày 15-1. Trong trường hợp ông Trần Bắc Hà và ông Trần Lục Lang vẫn vắng mặt, công tố viên có thể sử dụng lời khai của họ tại cơ quan điều tra.

Tin cùng chuyên mục