Khách hàng còn khổ đến bao giờ?

Hàng trăm dự án nhà ở trên địa bàn TPHCM chậm tiến độ khiến không ít khách hàng mua nhà để ở phải rơi vào tình cảnh khốn khó.

Hàng trăm dự án nhà ở trên địa bàn TPHCM chậm tiến độ khiến không ít khách hàng mua nhà để ở phải rơi vào tình cảnh khốn khó.

Điều đáng nói là dù thời gian qua, lãnh đạo thành phố rốt ráo chỉ đạo các sở ngành chức năng tập trung giải quyết dứt điểm những vụ việc liên quan  và các sở ngành cũng vào cuộc “quyết liệt”, nhưng nhiều dự án vẫn dậm chân tại chỗ, không có lối ra.

Ông Huỳnh Quốc Doãn, một khách hàng mua căn hộ tại dự án 584 Lilama SHB Building (348 đường Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú), phản ánh dự án do Công ty cổ phần Xây dựng và khai thác công trình giao thông 584 (Công ty 584) và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng LILAMA SHB làm chủ đầu tư, được khởi công vào năm 2009. Dự án xây dựng đến phần thô thì ngưng thi công hơn 3 năm qua. Hơn 350 khách hàng mua nhà tại đây bị vạ lây, một số yêu cầu chủ đầu tư trả lại tiền cùng lãi suất theo như thỏa thuận trong hợp đồng, một số muốn nhận nhà để ở nên đề nghị chủ đầu tư tìm cách để khởi công dự án trở lại, nhưng tất cả đều bất thành. Rất nhiều lần khách hàng gửi thư khiếu nại, cầu cứu đến cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết. Chủ đầu tư tiếp tục phớt lờ yêu cầu của khách hàng, từ chối thực hiện nghĩa vụ, đơn phương tuyên bố những cam kết của chủ đầu tư trước đó là giả mạo…  Được biết, dự án nói trên đã chuyển nhượng qua chủ đầu tư mới, người đại diện pháp luật cũng nhiều lần thay đổi nên người sau đổ trách nhiệm cho  người trước, chủ mới đẩy trách nhiệm sang  chủ cũ…, cứ thế khách hàng chẳng biết đường nào mà lần. Tháng 10-2015, UBND TP có văn bản số 1685/VP/ĐTMT giao cho Thanh tra Thành phố thanh tra toàn diện Công ty 584, nhưng đến nay khách hàng vẫn không biết kết quả vụ việc như thế nào và họ tiếp tục rơi vào tuyệt vọng.

Dự án 584 Lilama SHB Building (348 đường Trịnh Đình Trọng, quận Tân Phú)

Dự án chung cư 584 Lilama SHB Building chỉ là một trong nhiều dự án chậm tiến độ đã đẩy khách hàng vào tình cảnh “xấc bấc xang bang”. Một trường hợp khác, hàng trăm khách hàng mua đất nền tại một dự án trên địa bàn quận 12, tiền đã giao hơn 15 năm nay nhưng nền nhà thì vẫn còn trên giấy. Lý do lúc triển khai dự án, chủ đầu tư căn cứ vào bản vẽ phân lô để bán nền, thu tiền từ khách hàng nhưng sau đó lại không đền bù, giải tỏa được. Vậy là chủ đầu tư nợ nền của khách, phải xin cơ quan chức năng điều chỉnh lại quy hoạch nhằm tăng thêm số lượng nền để trả nợ, nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Những dự án trên là hậu quả của “bong bóng bất động sản” một thời, giao dự án cho chủ đầu tư yếu năng lực… Mới đây, tại buổi làm việc với Sở Xây dựng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa đã yêu cầu sở này kiểm soát, ngăn chặn để không xảy ra tình trạng “bong bóng bất động sản” như đã từng xảy ra. Điều này cũng có nghĩa là kiểm soát kỹ các khâu phê duyệt, cấp phép dự án; chọn những dự án đáp ứng nhu cầu thực của người dân, chọn những chủ đầu tư có năng lực để góp phần… bớt khổ cho người dân. Còn đối với những dự án dở dang như đề cập ở trên, UBND TP cần chỉ đạo các sở ngành giải quyết dứt điểm để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho khách hàng, loại bỏ những chủ đầu tư yếu kém năng lực, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị…

ĐỖ TRÀ GIANG

Tin cùng chuyên mục