Nhếch nhác vì quy hoạch treo

24 năm quy hoạch treo
Nhếch nhác vì quy hoạch treo

Ở các cửa ngõ đi vào TPHCM qua huyện Bình Chánh, “mặt tiền” đẹp nhất là tuyến đường Nguyễn Văn Linh giáp với quốc lộ 1A. Tuy nhiên, trên con đường hiện đại này, chỉ trừ một đoạn ngắn có các cụm chung cư đã mọc lên, phần còn lại chỉ là cỏ lác mọc um tùm...

24 năm quy hoạch treo

Ông Huỳnh Văn Bảo, Hội Người cao tuổi ấp 1, xã An Phú Tây, nhiệt tình đưa chúng tôi đi dọc ngang vùng đất được quy hoạch là khu E - nhưng dự án đã treo hơn 20 năm trên giấy! Thật bất ngờ: tình trạng ô nhiễm nặng nề, rác rưởi vứt dọc đường đi, ao tù nước đọng đen ngòm...

Khung cảnh hoang sơ, nhếch nhác tại khu E, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh

Đường sá hầu hết chỉ là rải đá cấp phối, nhà cửa bằng tường gạch hoặc vách lá, lợp mái tôn; ruộng vườn là ao tù, mương nước sơ khai. Hay nói cách khác, giống như một “khu bảo tồn” hoang sơ hơn là khu dân cư.

Tình trạng y hệt cũng kéo sang khu vực phường 7, quận 8, phần đất thuộc quy hoạch khu E. “Ở đây có nhiều cái không lắm. Không được cấp sổ hồng; không được xây dựng mới; không được tách thửa đất cho con cái ra riêng…”, ông Huỳnh Văn Bảo ngán ngẩm liệt kê.

Mà khổ nỗi có xa xôi gì, cái gọi là khu E nằm ngay góc quốc lộ 1A và đường Nguyễn Văn Linh, một khu đất thật đắc địa và gần gũi với trung tâm TP.

Ông Trương Ngọc Thanh Nhân, Chủ tịch UBND xã An Phú Tây, cho biết khu E bị “quy hoạch treo” từ năm 1992, là một phần của Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Khu E có diện tích 81ha, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận, TP sẽ giải tỏa trắng rồi bàn giao cho Phú Mỹ Hưng, có 686 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Bị quy hoạch treo nên đời sống người dân thua thiệt nhiều, không được cấp giấy chủ quyền nên không thể thế chấp tạo vốn làm ăn, không được đầu tư xây dựng hạ tầng như nông thôn mới…

Ông Trương Ngọc Thanh Nhân kiến nghị: “Trước mắt, mong TP sớm xác định lộ trình triển khai, nếu chưa có cụ thể thì cho đầu tư đường nông thôn, cấp giấy chủ quyền nhà đất để người dân ổn định cuộc sống”.

Ngược vào trung tâm TP cũng trên đường Nguyễn Văn Linh, một vùng đất đắc địa không kém là khu 6A, 6B thuộc xã Bình Hưng. Tại khu 6B có một điểm kẹt xe nổi tiếng là giao lộ với đường Phạm Hùng nối dài. Một bên là nhà cửa lụp xụp, còn bên kia là dự án treo -  một dự án tai tiếng nhiều năm nay là khu dân cư Bình Minh 6B, do Công ty TNHH MTV Xây dựng Bình Minh làm chủ đầu tư. Năm 2003, có 23 khách hàng đóng tiền cho chủ đầu tư góp vốn tổng cộng 22,5 tỷ đồng, dự kiến chia lại 169 nền nhà. Hơn 13 năm trôi qua, khách hàng mỏi mòn chờ đợi nhận nền nhà không có, đòi lại tiền cũng không được, khiếu kiện khắp nơi, còn chủ đầu tư lại né khách hàng! Khu đất quy hoạch dự án trông giống như một vùng quê hẻo lánh, cỏ lác rậm rạp, nhà tôn lụp xụp, mùi phân heo thum thủm…

Chặng cuối là tuyến đường 9A, nối với đường Nguyễn Văn Linh, thuộc khu 6A, là Khu đô thị Trung Sơn, hiện đại sang trọng, lọt giữa quận 7 và 8, chỉ cách quận 1 vài kilômét. Nhưng thật bất ngờ, nằm sát bên khu biệt thự Him Lam trị giá gần triệu đô này lại là khu đất nông nghiệp với những ao bên dưới nuôi cá, bên trên là “cầu tõm”; trên vùng đất cao ráo là những dãy nhà trọ bằng tôn gỉ sét. Đặc biệt, tại khu đất giáp với đường Nguyễn Văn Linh, rác rưởi nổi lềnh bềnh vào mùa mưa...

Thủ phạm: dự án treo

Hậu quả của tình trạng này chỉ có nguyên nhân duy nhất là dự án treo, hay nói dự án xí phần cũng không sai. Thống kê cho thấy, huyện Bình Chánh được quy hoạch có tổng cộng gần 200 dự án nhà ở và công trình phúc lợi, sản xuất kinh doanh, với diện tích đất bị ảnh hưởng lên đến vài ngàn hécta. Các dự án này đã có chủ trương đầu tư hoặc quyết định giao đất cho chủ đầu tư, nhưng vì triển khai chậm chạp, dẫn đến đất bỏ hoang hóa, gây bức xúc lớn đối với người dân.

Theo một báo cáo mới nhất của UBND huyện Bình Chánh gửi Sở Tài nguyên và Môi trường nhằm xử lý các dự án chậm triển khai, có 57 dự án không còn hiệu lực thực hiện, trong đó có 34 dự án đã có văn bản hoặc quyết định chính thức chấm dứt với tổng diện tích gần 600ha, gồm có dự án nhà ở, phúc lợi công cộng, sản xuất kinh doanh; 23 dự án phát triển khu dân cư với tổng diện tích trên 300ha hết hiệu lực thực hiện, theo chỉ đạo của UBND TP. Đối với 88 dự án đang triển khai với quỹ đất hơn 2.000ha, tình trạng dang dở cũng đầy rẫy, như dự án chia nhiều giai đoạn rồi làm nửa chừng bỏ hoang, hoặc giải phóng mặt bằng xong rồi bỏ dở…

Nhằm khắc phục tình trạng này, theo ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, huyện đang tích cực triển khai giải pháp. Đầu tiên, đối với khu vực xã Bình Hưng, UBND TP chấp thuận cho chỉnh trang 4 khu dân cư hiện hữu dọc bên quốc lộ 50 và đường Phạm Hùng.

Về các dự án nhà ở bồi thường dang dở, huyện đang phối hợp với khu Nam kiến nghị TP tiếp tục thu hẹp dự án, ví dụ dự án 20ha đã bồi thường được 10ha, còn lại dân cư tập trung đông, không thể nào triển khai được tiếp, cho phép thu hẹp để chủ đầu tư triển khai dự án. Phần còn lại sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xây dựng quy chế chỉnh trang đô thị nhằm ổn định cuộc sống người dân tại chỗ, tất nhiên theo đúng quy hoạch.

Ngoài ra, huyện cũng kiến nghị TP về điều chỉnh quy hoạch dân cư xây mới (tức là quy hoạch chưa có chủ đầu tư, đang kêu gọi đầu tư, tình hình này “treo” đã 20 năm), cho phép người dân được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở riêng lẻ đối với những khu vực đất là quy hoạch dân cư xây mới, sau này dự án triển khai thì bồi thường theo quy định…

Xem ra các giải pháp trên thật dài hơi, chưa hẳn ngày một ngày hai thực hiện xong, cho dù đầy quyết tâm. Trước mắt, việc dọn dẹp vệ sinh, phòng nguy cơ thành ổ bệnh, xây dựng đường sá giao thông… là một hành động thiết thực của chính quyền địa phương, ít ra cũng xoa dịu phần nào nỗi bức xúc của người dân tại các khu vực bị dự án treo lâu niên!


LƯƠNG THIỆN

Tin cùng chuyên mục