Bảo tồn biệt thự cổ

Bảo tồn biệt thự cổ

Việc bảo tồn công trình kiến trúc có giá trị trong đó có các biệt thự, đã được TPHCM triển khai nghiên cứu từ gần 20 năm trước. Tuy nhiên, do nhiều lý do, công tác này chưa được triển khai trong thực tế. Với tư cách là người đứng đầu đơn vị được UBND TPHCM giao nhiệm vụ “Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình hành động bảo tồn cảnh quan, kiến trúc đô thị”, PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, đã trao đổi với phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng về chương trình bảo tồn và cải tạo các biệt thự cũ trên địa bàn thành phố.

Phân loại 3 nhóm biệt thự

* PV:
Thưa ông, hiện nay trên địa bàn TPHCM còn bao nhiêu biệt thự cũ mà Ban chỉ đạo Chương trình hành động bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị dự định nghiên cứu và sẽ có kế hoạch bảo tồn?

* Ông NGUYỄN TRỌNG HÒA: Hiện nay trên địa bàn TPHCM còn khoảng 1.000 biệt thự cũ, chủ yếu được xây dựng trước năm 1975, nằm rải rác ở các quận, huyện. Đây là đối tượng mà chúng tôi sẽ nghiên cứu và có kế hoạch bảo tồn cũng như cải tạo phát triển.

* Tất cả 1.000 biệt thự này sẽ được bảo tồn như thế nào? Theo Luật Di sản văn hóa, có nghĩa là giữ nguyên hiện trạng hay “nhẹ nhàng” hơn, chỉ là những công trình kiến trúc có giá trị và đối với số còn lại có thể được cải tạo được, thưa ông?

* Không phải tất cả 1.000 biệt thự cũ đều được bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa. Hiện nay, TPHCM đã phê duyệt Chương trình hành động trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, đây là một Chương trình hành động lớn, dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2014 - 2016, bao gồm một số kế hoạch liên quan đến bảo tồn biệt thự cũ. Tuy nhiên, trước nhu cầu cấp bách của xã hội liên quan đến việc cải tạo, xây dựng mới một số biệt thự cũ, chúng tôi đã kiến nghị UBND TP cho phép triển khai kế hoạch quản lý công trình xây dựng trên khu đất biệt thự cũ (dựa trên Thông tư số 38/2009/TT-BXD ngày 8-12-2009 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn việc quản lý sử dụng biệt thự tại khu vực đô thị). Cụ thể như sau: Thành lập Hội đồng phân loại biệt thự để xây dựng bộ tiêu chí và tiến hành phân loại biệt thự thành các nhóm: nhóm cần được bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa, nhóm có giá trị điển hình về kiến trúc cần được bảo tồn theo quy chế riêng, nhóm có thể tháo dỡ hoặc cải tạo cũng cần được quản lý theo quy định riêng. Hội đồng phân loại biệt thự sẽ bao gồm các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Phát triển, Hội Kiến trúc sư TPHCM, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, đại diện ủy ban nhân dân các quận huyện.

Một biệt thự cổ trên đường Phan Văn Trị, quận Bình Thạnh. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Bên cạnh đó cũng sẽ thành lập Tổ soạn thảo quy định về quản lý công trình xây dựng trên khu đất biệt thự cũ (không thuộc diện bảo tồn) trên cơ sở tham khảo dự thảo quy chế về quản lý biệt thự mà Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã nghiên cứu từ năm 2005. Nhiều đề xuất trong dự thảo này hiện nay vẫn còn giá trị có thể sử dụng trên cơ sở cập nhật các quy định của Luật Quy hoạch Đô thị năm 2009 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Hiện nay đang “xét duyệt” từng biệt thự

* TPHCM đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ. Nếu bây giờ mới bắt đầu nghiên cứu việc bảo tồn biệt thự cũ có giá trị, liệu có quá chậm không thưa ông? Không ít kiến trúc sư đã lên tiếng cho rằng sự chậm trễ này đã khiến nhiều biệt thự cũ có giá trị về kiến trúc bị phá hủy?

* Thời gian qua, khi có nhu cầu xác định biệt thự cũ nào cần bảo tồn và biệt thự cũ nào được phép cải tạo, Sở Quy hoạch - Kiến trúc sẽ tiến hành nghiên cứu thực địa, quan sát, đánh giá hiện trạng biệt thự rồi xin ý kiến Hội đồng Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM trước khi tổng hợp trình UBND TPHCM xem xét và quyết định từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, cách làm trên thường mất thời gian, kết quả xử lý thường không đồng bộ, đôi khi gặp phải sự thắc mắc, khiếu nại của các cá nhân và tổ chức liên quan do không có cơ sở pháp lý và khoa học rõ ràng. Để có thể chủ động, chúng tôi đã đề xuất UBND TPHCM triển khai kế hoạch như đã nêu trên.

* Theo nhiều kiến trúc sư, với các biệt thự được bảo tồn theo Luật Di sản văn hóa, mọi việc khá đơn giản: công trình sẽ được bảo vệ nguyên trạng. Thế nhưng, với các biệt thự được phép cải tạo, mọi việc sẽ phức tạp hơn bởi công trình sẽ được cải tạo như thế nào? Liệu mọi việc lại quay trở lại nơi bắt đầu: các cơ quan chức năng lại phải xét duyệt từng biệt thự?

* Với kế hoạch đề xuất đã nói, chúng tôi sẽ xác định danh mục các biệt thự cần bảo tồn và danh mục các biệt thự được phép cải tạo, xây dựng mới; đồng thời, chúng tôi cũng sẽ xây dựng quy định cụ thể về kiến trúc và quy hoạch đối với các biệt thự được phép cải tạo, xây dựng mới. Căn cứ vào các quy định này, những biệt thự nào thuộc nhóm được cải tạo có thể chủ động đề xuất phương án cải tạo. Để việc cải tạo biệt thự không làm xấu đi cảnh quan chung, chúng tôi đề nghị, khi công trình xây mới trên nền đất biệt thự hoặc đơn giản hơn, chỉ là tiến hành cải tạo biệt thự, sẽ phải xem xét đến yêu cầu hài hòa với không gian cảnh quan, kiến trúc đô thị chung cho toàn khu vực. Một khi đã chuẩn hóa các yêu cầu như vậy, việc phải xét duyệt, cho phép hay không cho phép từng biệt thự cải tạo như thế nào, nhất định sẽ giảm.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục