Trầy trật xin phép sửa chữa công trình

Muôn kiểu hành dân 
Trầy trật xin phép sửa chữa công trình

Lãnh đạo phường và quận đều xác nhận các trường hợp này của người dân không vi phạm hay thiếu sót trong quá trình xin cấp phép sửa chữa, cải tạo công trình. Song người dân vẫn bị hành với đủ loại “giấy phép con” và cuối cùng hồ sơ ngâm hết ngày này qua tháng khác. Một cách hành dân kiểu khó tin này lại đang xảy ra ngay tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM.

Khu đất bà Hẻo dù đầy đủ hồ sơ nhưng vẫn bị chính quyền địa phương dây dưa, không cấp phép sửa chữa khôi phục theo hiện trạng ban đầu.

Khu đất bà Hẻo dù đầy đủ hồ sơ nhưng vẫn bị chính quyền địa phương dây dưa, không cấp phép sửa chữa khôi phục theo hiện trạng ban đầu.

Muôn kiểu hành dân 

Theo đơn “kêu cứu” của bà Nguyễn Thị Hẻo, ngụ phường Tân Quý, quận Tân Phú, TPHCM gửi Báo Sài Gòn Giải Phóng và cơ quan chức năng: Năm 2004, gia đình bà có một nhà xưởng trên mảnh đất diện tích 2.442m² (địa chỉ số 356 KP4, QL1A thuộc phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) và cho Công ty Thép miền Nam thuê. Đến tháng 2-2012, do hợp đồng thuê mướn hết hạn và Công ty Thép miền Nam cũng chấm dứt việc thuê mướn, đồng thời tháo dỡ phần nóc nhà xưởng di dời đi nơi khác, chỉ để lại hiện trạng là 3 bức tường gạch.

Do việc cho thuê mướn nhà xưởng là nguồn thu nhập chính của gia đình, nên ngay sau đó bà Hẻo đã ủy quyền cho em bà con là ông Trần Văn Thiện nộp đơn đến UBND phường Bình Hưng Hòa B xin phép sửa chữa, cải tạo nhằm khôi phục lại hiện trạng nhà xưởng với diện tích 500m².

“Lúc nộp đơn, chính ông chủ tịch phường nói với tôi hồ sơ hợp lệ, sẽ cho phép khôi phục hiện trạng như trong đơn trình bày. Nhưng sau đó, lại yêu cầu đủ loại giấy tờ và gia đình cũng đáp ứng đủ, nhưng đến nay hồ sơ vẫn bặt vô âm tín…”, ông Thiện bức xúc.

Theo đó, ngay sau khi tiếp nhận đơn xin phép sửa chữa, cải tạo công trình xây dựng của bà Hẻo, cán bộ UBND phường yêu cầu phải có giấy xác nhận của khu phố trưởng về hiện trạng công trình ban đầu. Tuy nhiên, khi ông Thiện theo sự ủy quyền của bà Hẻo đến nộp giấy xác nhận của khu phố trưởng lại được cán bộ phường hướng dẫn phải có thêm xác nhận của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường...

Sau mấy ngày chạy tới chạy lui và có đủ cả 2 loại giấy tờ theo yêu cầu với nội dung xác nhận hiện trạng ban đầu đã có nhà xưởng như trong đơn xin phép trình bày, ông Thiện hớn hở mang đến UBND phường nộp. Nhưng lần này, ông Thiện lại té ngửa khi cán bộ thụ lý hồ sơ tiếp tục yêu cầu nộp thêm giấy tờ về an toàn lưới điện của Công ty Điện lực miền Đông 2. Cũng may, do khu vực này được phép xây dựng nhà xưởng, do đó chỉ một ngày sau, giám đốc Điện lực miền Đông 2 đã ký văn bản đồng ý việc khôi phục hiện trạng nhà xưởng theo đơn của bà Hẻo là không ảnh hưởng đến an toàn lưới điện.

“Các yêu cầu của UBND phường gia đình tôi đáp ứng đầy đủ, nhưng đến nay đã hơn nửa năm trôi qua gia đình vẫn chưa nhận được kết quả. Tôi đến gặp trực tiếp chủ tịch phường để tìm hiểu lý do thì được trả lời đang chờ ý kiến quận… Sau đó, tôi lên quận hỏi lại được trả lời hồ sơ gia đình thuộc thẩm quyền của phường. Cứ tình cảnh này, không biết hồ sơ của gia đình tôi bị ngâm đến bao giờ?”, ông Thiện rầu rĩ nói.

Cán bộ “đá” trách nhiệm

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Thanh Quyền, Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B nói đã giao vụ việc, hồ sơ của bà Hẻo cho Phó Chủ tịch Tô Văn Thịnh trực tiếp xử lý, do đó không nắm rõ sự việc. Trong khi đó, ngày 24-7-2012, ông Thịnh lý giải: “Hồ sơ bà Hẻo không hề có vướng mắc gì, chúng tôi đang thụ lý và sẽ sớm tạo điều kiện để người dân có thể sửa chữa, cải tạo công trình theo quy định”. Nếu không vướng mắc gì, sao hồ sơ của người dân đã kéo dài nửa năm nhưng vẫn chưa có kết quả? “Do thực hiện theo quy định nên có những vụ việc tương tự như hồ sơ của bà Hẻo chúng tôi phải có văn bản gửi xin ý kiến của thanh tra xây dựng quận. Hiện chúng tôi đã có văn bản gửi thanh tra xây dựng quận, khi có ý kiến chỉ đạo chúng tôi sẽ cho triển khai ngay”, ông Thịnh khẳng định.

Khi chúng tôi đề cập xin văn bản của phường gửi UBND quận thì được ông Thịnh từ chối với lý do sẽ cho trích lục hồ sơ và gửi sau. Tuy nhiên, điều ngạc nhiên là khi trao đổi với chúng tôi ngày 7-8, ông Nguyễn Văn Huân, Chánh thanh tra xây dựng quận Bình Tân ngỡ ngàng cho biết, không hề nhận được văn bản gì từ UBND phường Bình Hưng Hòa B liên quan đến việc bà Hẻo?!

Theo ông Huân, đối với hồ sơ như của bà Hẻo thuộc thẩm quyền của phường cấp phép. Thanh tra xây dựng quận chỉ phối hợp thẩm tra trình tự thủ tục và quá trình thi công, nếu thấy có sai phạm sẽ đề xuất hướng xử lý. Do đó, việc UBND phường Bình Hưng Hòa B để sự vụ như trên kéo dài là biểu hiện nhũng nhiễu, hành dân. “Vụ việc này chúng tôi đã nghe và đã trao đổi với lãnh đạo UBND phường xử lý theo thẩm quyền. Tôi thật bất ngờ khi vụ việc dây dưa kéo dài đến thời điểm này vẫn chưa được giải quyết”, ông Huân nói.

Trên đây chỉ là một trong nhiều trường hợp người dân xin phép sửa chữa công trình, nhà ở gặp khó khăn do các cấp có thẩm quyền gây nên. Và cũng không phải chỉ ở phường Bình Hưng Hòa B quận Bình Tân mà ở nhiều địa phương khác cũng xảy ra tình trạng tương tự trong quá trình cấp phép xây dựng và sửa chữa nhà ở, công trình. Yêu cầu các đơn vị, cơ quan có trách nhiệm kịp thời chấn chỉnh để đảm bảo sự thông thoáng trong thủ tục hành chính và chấm dứt nạn nhũng nhiễu người dân.

Theo Quyết định số 68/2010/QĐ-UBND của UBND TPHCM về cấp phép xây dựng và quản lý dây dựng trên địa bàn, tại khoản 2 Điều 18 quy định: UBND phường-xã, thị trấn tiếp nhận hồ sơ đăng ký xây dựng, sửa chữa, cải tạo đối với những công trình mà theo quy định không phải xin cấp phép xây dựng; thông báo ngày khởi công xây dựng của chủ đầu tư theo quy định để kiểm tra, theo dõi thi công.

Trong trường hợp phải xin ý kiến, thời hạn không quá 10 ngày làm việc; nếu quá thời hạn này mà cơ quan chức năng có nhiệm vụ trả lời mà không có ý kiến thì xem như đã đồng ý và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hậu quả xảy ra do việc không trả lời hoặc trả lời chậm trễ.

Lạc Phong

Tin cùng chuyên mục