Phòng cháy chữa cháy tại các chung cư: Quản lý lỏng lẻo

Sẽ có quy định quản lý biệt thự
Phòng cháy chữa cháy tại các chung cư: Quản lý lỏng lẻo

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch tăng cường quản lý nhà biệt thự (BT), chung cư (CC) trên địa bàn TPHCM ngày 1-4, Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy TP, cho biết 10/12 chung cư và nhà cao tầng được kiểm tra thời gian qua đều vi phạm về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động là một trong các quy chuẩn xây dựng chung cư, nhà cao tầng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Hệ thống phòng cháy chữa cháy tự động là một trong các quy chuẩn xây dựng chung cư, nhà cao tầng. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sẽ có quy định quản lý biệt thự

Ông Bùi Văn Hiếu, Trưởng phòng Quản lý nhà - Sở Xây dựng TP, cho biết ngoài các loại nhà phố thông thường, TP đặc biệt quan tâm đến việc quản lý BT, CC vì đây là tài sản có quy mô và giá trị lớn. Chính vì thế, từ đầu tháng 4-2010, trừ các loại nhà sử dụng cho mục đích an ninh quốc phòng, toàn bộ nhà BT, CC trên địa bàn TP đều phải kê khai, phân loại đầy đủ, chính xác để phục vụ công tác quản lý theo quy định.

Hiện TP có đến vài chục ngàn BT. Theo Sở Xây dựng, trong đợt thống kê này, BT được chia làm 3 nhóm.

Nhóm 1 là các BT gắn với di tích lịch sử-văn hóa được xếp hạng theo quy định, có giá trị điển hình về kiến trúc do các cơ quan có chức năng xác định. Nhóm 2 là các BT không thuộc nhóm 1 nhưng có giá trị về kiến trúc do cơ quan chức năng xác định. Nhóm 3 là các BT không thuộc 2 nhóm trên.

Dự kiến đến tháng 7-2010, Sở Xây dựng sẽ thống nhất kết quả kê khai, phân loại và tổng hợp để trình UBNDTP xem xét. Đối với CC, trong tháng 4 và tháng 5-2010, các quận - huyện sẽ kê khai và kiểm tra.

Đến tháng 6-2010, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC, Sở KH-ĐT, Sở QH-KT kiểm tra thực tế các CC có vi phạm thuộc thẩm quyền theo đề xuất của UBND các quận. Sau khi kiểm tra, tháng 7-2010 Sở Xây dựng và Sở Cảnh sát PCCC sẽ thực hiện xử lý vi phạm theo quy định.

Ông Bùi Văn Hiếu cho rằng, việc quản lý, sử dụng CC, BT có liên quan trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhiều người nên yêu cầu các đơn vị liên quan trong quá trình kê khai nếu phát hiện sai phạm thì phải xử lý hoặc báo cáo ngay để xử lý kịp thời.

Theo đó, UBND quận, phường sẽ xử lý các vi phạm do cá nhân, tổ chức sử dụng sai mục đích, tự ý chuyển căn hộ thành văn phòng làm việc hoặc sản xuất kinh doanh. “Đối với các CC mà chủ đầu tư vi phạm về thi công, xây dựng khác với thiết kế thì Sở Xây dựng sẽ cùng các sở ngành kiểm tra, trực tiếp xử lý các vi phạm trong thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền sẽ trình UBNDTP xem xét” - ông Hiếu nói.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đỗ Phi Hùng, mục đích của đợt kê khai nhằm giúp cơ quan Nhà nước có được số liệu, danh sách, hiện trạng quản lý để chấn chỉnh, xử lý các vi phạm; làm cơ sở hoạch định chiến lược quản lý, bảo tồn và phát triển nhà BT, CC trên địa bàn TP trong thời gian tới. Sau khi thống kê và công bố danh mục 3 nhóm biệt thự trên địa bàn TP, dựa vào tình hình thực tế của TP, Sở Xây dựng sẽ tham mưu cho UBNDTP ban hành quy định về quản lý BT trên địa bàn nhằm quản lý chặt hơn, đặc biệt là BT nhóm 1 và nhóm 2.

Chung cư cao cấp vẫn vi phạm PCCC

Theo thống kê sơ bộ của Sở Xây dựng, trên địa bàn TP có khoảng 1.002 CC. Tuy nhiên, Đại tá Trần Thanh Châu cho rằng con số này chưa đầy đủ mà số lượng CC trên địa bàn TP còn cao hơn. Trong đợt kiểm tra  12 CC và siêu thị mới đây, đã phát hiện 10 CC và siêu thị vi phạm về PCCC.

Ngoài ra, ông Châu cũng nêu ra một thực trạng là các CC mới xây dựng, chung cư hiện đại, cao cấp nhưng khi kiểm tra vẫn phát hiện vi phạm PCCC. Chẳng hạn CC An Khánh (quận 2) mới xây dựng nhưng không có hệ thống chữa cháy tự động, việc quản lý chung cư này cũng rất lỏng lẻo.

Ngay cả CC hiện đại và cao cấp như The Manor (quận Bình Thạnh) cũng không trang bị hệ thống chữa cháy tự động, trong khi đó theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng là phải có. Tại siêu thị Big C (đường Tô Hiến Thành, quận 10) khi kiểm tra phát hiện tất cả các lối thoát hiểm đều bị hàng hóa bít kín, nên nếu cháy sẽ không có lối thoát hiểm.

Thực tế trên địa bàn TP có rất nhiều CC cũ xây dựng trước năm 1975 và các CC được xây sau khi có Luật PCCC nên khi xây dựng chưa có quy định về PCCC. “Sau khi thống kê, kiểm tra sẽ tổng kết tình hình, phân tích nguyên nhân rồi đề ra biện pháp nâng cao khả năng PCCC tại các công trình trên”- ông Châu nói. Ông cũng đề nghị kiểm tra chặt chẽ các CC cũ, CC xây dựng phục vụ công tác tái định cư, vì công tác quản lý ở những nơi này rất lỏng lẻo.

Hạnh Nhung

Xây dựng nhà chung cư: Phải xong phần móng mới được huy động vốn

Những ngày qua, giới bất động sản tại TPHCM xôn xao về thông tin Bộ Xây dựng ban hành văn bản cho phép các dự án xây dựng nhà chung cư chỉ cần có giấy phép xây dựng là được phép huy động vốn, không cần phải xây xong móng như quy định của Luật Nhà ở. Tuy nhiên, ngày 1-4, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, xác nhận: Bộ Xây dựng chưa ban hành văn bản mới nào về việc này, thông tin trên là bịa đặt!

Điều 39 của Luật Nhà ở quy định, đối với mua bán nhà ở thương mại, chủ đầu tư huy động vốn từ tiền ứng trước của khách hàng chỉ được áp dụng trong trường hợp thiết kế nhà ở đã được phê duyệt và đã xây dựng xong phần móng. điều này đã ngăn chặn tình trạng bán nhà trên giấy, hoặc chủ đầu tư ứng trước tiền của khách hàng nhưng không xây nhà…

L.Thiện

Tin cùng chuyên mục