Đừng để “một bộ phận không nhỏ” khiến dân xa Đảng

“41 năm đã trôi qua, ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng 30-4-1975 vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng, chúng ta không được ngủ quên trên chiến thắng bởi chính “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã và đang làm giảm sút lòng tin của dân với Đảng. Nếu cứ để “một bộ phận không nhỏ” ấy nảy nở, sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.
Đừng để “một bộ phận không nhỏ” khiến dân xa Đảng

“41 năm đã trôi qua, ý nghĩa vĩ đại của chiến thắng 30-4-1975 vẫn còn nguyên giá trị. Nhưng, chúng ta không được ngủ quên trên chiến thắng bởi chính “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã và đang làm giảm sút lòng tin của dân với Đảng. Nếu cứ để “một bộ phận không nhỏ” ấy nảy nở, sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Đó là những lời tâm huyết đối với vận mệnh của đất nước, của Đảng mà nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa đã bày tỏ với phóng viên Báo SGGP trong cuộc trò chuyện nhân kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trong chuyến thăm Trường Sa

Phóng viên: 11 năm ròng rã trong các nhà tù, chịu không biết bao tra tấn dã man của địch, những ngày này bà thường nhớ về điều gì?

Nguyên Phó Chủ tịch nước TRƯƠNG MỸ HOA: Tôi bị địch bắt vào tù ở lứa tuổi đẹp nhất của người con gái - 19 tuổi. Ra tù khi tuổi đã 30. Mùa xuân 30-4-1975 là mùa xuân đầy ý nghĩa không chỉ của riêng tôi. Hạnh phúc riêng của tôi đã được hòa cùng với niềm vui của cả dân tộc. Bởi nếu không có giải phóng miền Nam thì gia đình tôi không biết bao giờ mới được đoàn tụ. Ba đi tập kết, má ở lại hoạt động cách mạng, 6 chị em ở lại miền Nam cùng má thì có 5 người ở tù. Ngày thống nhất, cả nhà đã được đoàn tụ đầy đủ.

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này, trong tôi cảm xúc vừa vui mừng, vừa bùi ngùi đan xen lẫn lộn. Rất nhiều chị, em đã hy sinh trong tù khi tuổi vừa mười chín đôi mươi, không còn sống để chứng kiến chiến thắng và thành quả của cách mạng. Sau giải phóng, tôi còn được may mắn là làm nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Với tôi, đó không chỉ là nhiệm vụ của mình mà còn là nhiệm vụ, là sự trao gửi của đồng đội tôi, của chị em cùng chiến đấu đã hy sinh của tôi gửi gắm. Những ngày này, đi thăm lại các cơ sở, chiến trường xưa, dự những buổi họp mặt truyền thống…, tôi càng cảm nhận sâu sắc hơn sự may mắn của mình và cũng trăn trở rất nhiều.

Vậy, bà trăn trở điều gì?

Trước đây, trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cực kỳ gian khổ, khó khăn ác liệt nhưng mục tiêu rõ ràng và bối cảnh xã hội trong nước cũng như trên thế giới cũng không quá phức tạp. Lúc bấy giờ, chỉ có một con đường, chỉ có một mục tiêu là vì độc lập dân tộc, vì tự do của đất nước; cán bộ, đảng viên, chiến sĩ lúc ấy “lòng phơi phới dậy tương lai”, “thà hy sinh tất cả”, không nặng gánh gia đình, cơm áo gạo tiền như hiện nay. Bây giờ, mục tiêu không đơn giản như trước, chúng ta độc lập, làm chủ đất nước nhưng yêu cầu, nhiệm vụ lại rất nặng nề, nhất là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội lại chưa có tiền lệ. Sự nghiệp đổi mới toàn diện hơn 30 năm qua đã là dấu mốc quan trọng trên con đường đi lên của nước ta. Tuy nhiên, đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa; tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn còn gây nhức nhối. Một “bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống khiến dân xa Đảng, ảnh hưởng không ít đến niềm tin của người dân đối với Đảng; biển Đông lại dậy sóng; hòa hợp dân tộc vẫn còn cần đầu tư nhiều hơn… 

Như bà đã nói, vấn đề hòa hợp dân tộc sau 41 năm vẫn là điều thường xuyên phải nhắc tới, vì sao vậy?

Từ thuở đất nước chúng ta có vài triệu người cho đến bây giờ trên 90 triệu, trong suốt chiều dài lịch sử đó, cả dân tộc ta đã đồng lòng chung sức, đoàn kết thành một khối vững chắc nên không một kẻ thù nào có thể đánh bại chúng ta được. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nội lực của đất nước là nguồn sức mạnh vô địch để chúng ta xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Hòa hợp dân tộc, chúng ta đã làm từ lâu như tổ tiên chúng ta đã làm, như Bác Hồ đã từng kêu gọi. Đó là tinh thần đoàn kết, yêu nước, giương cao ngọn cờ hiệu triệu tập hợp, xây dựng trận địa lòng dân. Thế nhưng, kết quả đó vẫn chưa như mong muốn, chưa khai thác được nguồn lực to lớn trong cả nước, trong đó có bà con kiều bào. Từ thực tế ấy đòi hỏi phía Nhà nước cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách đối với kiều bào phải rất rõ ràng, có lợi cho bà con. Cộng đồng người Việt ở nước ngoài là cộng đồng đầy tiềm năng, có vai trò thực sự quan trọng trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước. Vấn đề là ta phải hiểu được kiều bào để thúc đẩy hòa hợp dân tộc. Muốn hòa hợp tốt, phải xây dựng tốt lòng tin. Cụ thể là cần có thêm những cơ chế chính sách tốt đi đúng nguyện vọng của dân, đi đúng lòng dân, thể hiện sự chân thành của chúng ta đối với kiều bào. Chúng ta phải tiếp tục xây dựng lòng tin. Muốn người ta tin mình, mình phải làm cụ thể để người ta tin.

Từ thắng lợi 30-4-1975, bà nghĩ gì về vấn đề bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ đất nước Việt Nam trong thời đại hiện nay?

Chiến thắng 30-4 đã để lại bài học lớn về sức mạnh của tinh thần đại đoàn kết, đường lối đúng đắn của Đảng dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ý chí của Đảng đã quy tụ được nhân dân Việt Nam từ Nam tới Bắc đồng tình ủng hộ. Có thể nói, Đảng có đường lối đúng, quyết tâm đúng đã thu phục được lòng dân.

Hiện nay, về mặt chính trị, kinh tế, toàn dân phải dồn toàn lực xây dựng chiến lược biển đảo, bảo vệ biển đảo. Đất nước giờ đã hòa bình, nhưng vẫn còn rất nhiều ngổn ngang, nhiều mặt cần phải lo toan. Về mặt khách quan, nguy cơ uy hiếp nhất là 1 triệu km2 trên biển - sự tồn vong lâu dài của dân tộc ta cho muôn đời sau, nguồn tài nguyên vô tận khiến nhiều nước nhòm ngó, đặc biệt là Trung Quốc. Nếu không giữ được chủ quyền biển đảo thì dân tộc ta sẽ bị lệ thuộc vào nước ngoài. Bằng mọi giá, cả dân tộc phải tập trung vào việc xây dựng, bảo vệ biển đảo. Muốn bảo vệ biển đảo, trước hết chúng ta phải xây dựng đất liền vững mạnh. Vừa qua, Đảng ta đã có những cố gắng để chăm lo, hỗ trợ cho người dân ra đánh cá, bảo vệ giàn khoan… Như vậy là có cố gắng, nhưng chưa đủ. Phải tăng cường sức mạnh về quốc phòng, đặc biệt hải quân, không quân, vươn lên chính quy, hiện đại mới kịp ứng cứu cho đảo. Đất liền phải là chỗ dựa cho người làm kinh tế trên biển đảo, là hậu phương muôn đời vững chắc cho biển, đảo.

Trong thời bình, trên một chặng đường dài đến đích của thành công, niềm tin cũng rất quan trọng. Hiện tại, về giá trị niềm tin, bà thấy thế nào?

Bây giờ, mình phải thực hiện nhiều mục tiêu, cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, an ninh quốc phòng… Yêu cầu cao, tình hình khó khăn, càng phải có niềm tin, có sự đoàn kết mạnh mẽ. Để tạo được niềm tin, cần làm cho người dân thấy rõ đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước là đúng và họ tin lãnh đạo của mình sáng suốt, hành động vì lợi ích đất nước. Phải cho dân thấy, lãnh đạo và nhân dân đang cùng đi trên một con thuyền, theo một mục tiêu: đó là xây dựng một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, tiến lên chủ nghĩa xã hội; trước mắt là xây dựng một xã hội giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tinh thần ngày 30-4 hàng năm phải luôn được xem là cuộc trường chinh thần tốc trong giai đoạn mới, mà mỗi chúng ta phải xem từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, từng tháng, từng năm đều là thời khắc, thời điểm của “thần tốc” và của “chiến thắng”.

Xin cảm ơn bà!

 Nước ta dù đổi mới, hội nhập, mở cửa sâu rộng nhưng vẫn còn đang tụt hậu so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Chúng ta không thể để tụt hậu xa hơn mà phải từng bước rút ngắn khoảng cách đó. Muốn vậy cần phải quyết tâm, cần phải đột phá theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Nhưng cái cần nhất và tiên quyết phải làm trước mắt là giữ vững độc lập, tự chủ của dân tộc, xây dựng cho nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, rồi từng bước bắt kịp với các nước trên thế giới.


HỒNG HIỆP (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục