Đánh giá cán bộ cấp cao: Nên xem xét thêm tiêu chí uy tín cá nhân

(SGGP).- Ngày 12-11, tại TPHCM, đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị góp ý dự thảo Đề án Xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và sửa đổi bổ sung một số nội dung, quy trình về công tác cán bộ.

Tại hội nghị, hầu hết các đại biểu bày tỏ thống nhất cao với chủ trương của Bộ Chính trị về Ban hành đề án tiêu chuẩn chức danh cán bộ và tiêu chí đánh giá cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Các đại biểu cho rằng, đây là nội dung cần thiết nhằm tiêu chuẩn hóa các chức danh và lượng hóa các tiêu chí đánh giá cán bộ, tránh đánh giá cán bộ theo cảm tính, từ đó góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đóng góp đối với dự thảo đề án này. Cụ thể, đối với tiêu chí đánh giá cán bộ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Võ Thị Dung cho rằng, ngoài 2 nhóm tiêu chí dự thảo nêu về phẩm chất chính trị và kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ thì cần xem xét, bổ sung thêm nhóm tiêu chí về uy tín cá nhân. Đối với nhóm tiêu chí uy tín cá nhân, đồng chí Võ Thị Dung đề xuất đánh giá trên cơ sở về kết quả lấy phiếu tín nhiệm hàng năm theo quy định của Trung ương và ý kiến đánh giá của cấp ủy đối với cán bộ, đảng viên ở nơi cư trú. Đồng chí Võ Thị Dung kiến nghị lồng nội dung đánh giá tiêu chí về uy tín cá nhân trong đánh giá tiêu chuẩn về quan điểm chính trị, đạo đức lối sống.

Góp ý về quy trình đánh giá cán bộ hàng năm, theo đồng chí Võ Thị Dung dự kiến có 3 mức: hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ được giao nhưng thực tế vẫn xét và công nhận 4 mức, trong đó có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Nếu xét như vậy thì có hợp lý chưa, cần nghiên cứu thêm”, đồng chí Võ Thị Dung đề nghị. Trình bày ý kiến cá nhân, đồng chí Võ Thị Dung cho rằng, sở dĩ thực tế còn nặng đánh giá đối với mức độ “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” vì gắn với chuyện đánh giá xem xét đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, đồng thời cũng liên quan nhiều đến khen thưởng. Cũng theo đồng chí Võ Thị Dung, khen thưởng hiện nay nhiều quá, một số trường hợp khen không chính xác. Chính việc khen thưởng tràn lan như vậy nên danh hiệu khen đối với cán bộ đảng viên không còn giá trị tôn vinh trong lòng nhân dân.

Trong bối cảnh nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao sai phạm đang bị điều tra, xử lý thì tiêu chí về “đức” và “tài” cũng được nhiều đại biểu quan tâm góp ý kiến. Cùng nhìn nhận mối quan hệ giữa “đức” và “tài” gắn kết nhau, tuy nhiên đa phần đại biểu cho rằng cần đánh giá “đức” cao hơn vì nếu không có đức thì cũng không hết lòng đối với nhiệm vụ.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề xuất giảm bớt thủ tục trong công tác đánh giá cán bộ, quy hoạch cán bộ vì các thủ tục này hiện nay còn rất nặng nề.

Vân Anh

Tin cùng chuyên mục