Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4

Đề cao tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm (*)

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị, Hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương, từ ngày 26 đến ngày 30-8, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức Hội nghị sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình.

Đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban đã chủ trì Hội nghị. Tham dự có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương. Tổ công tác Trung ương gồm đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng đã đến dự Hội nghị, theo dõi và hướng dẫn sinh hoạt kiểm điểm.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của đợt sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), nghiêm túc thực hiện các quy định được nêu trong Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị, quán triệt những nội dung hướng dẫn tại Hội nghị cán bộ toàn quốc do Bộ Chính trị triệu tập ngày 13-8-2012, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã thành lập Bộ phận Thường trực giúp việc lãnh đạo Ban và Tổ giúp việc, chỉ đạo chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo tài liệu phục vụ kiểm điểm gửi trước đến từng đồng chí lãnh đạo Ban, như: Tổng hợp, tập hợp 85 bản góp ý của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, các đồng chí nguyên lãnh đạo Ban và các vụ, đơn vị trong Ban; dự thảo bản tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý của các tập thể và cá nhân với thái độ cầu thị. Bản kiểm điểm cá nhân được các đồng chí lãnh đạo Ban tự chuẩn bị, gửi đồng chí Trưởng ban trước hai ngày.

Lãnh đạo Ban đã tiến hành kiểm điểm nghiêm túc, thẳng thắn, chân thành, với mục đích làm cho tập thể lãnh đạo Ban và cá nhân từng đồng chí nhận rõ những ưu điểm, nhất là khuyết điểm, trách nhiệm của mình về ba vấn đề cấp bách được Nghị quyết Trung ương chỉ ra, một cách nghiêm túc, tự giác, thấm thía, tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học và đề ra phương hướng phát huy ưu điểm, sửa chữa khắc phục những khuyết điểm.

Nội dung kiểm điểm đã bám sát ba vấn đề trọng tâm của Nghị quyết Trung ương 4, bám sát Chỉ thị, Kế hoạch của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của các ban Đảng Trung ương, bám sát những ưu điểm, khuyết điểm trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Ban, trong thực tế hoạt động của Ban và của ngành. Kiểm điểm sâu vào những hạn chế, khuyết điểm chủ yếu, không hời hợt, qua loa, chiếu lệ. Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã kiểm điểm với tinh thần tự giác, với ý thức trách nhiệm là một Ban có chức năng tham mưu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng Đảng, nhất là tham mưu về công tác chính trị tư tưởng và với ý thức nêu gương để làm tốt các bước tiếp theo khi sinh hoạt kiểm điểm ở các vụ, đơn vị trong ban và trong toàn Đảng bộ cơ quan. Trong quá trình kiểm điểm, tập thể kiểm điểm trước, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt kiểm điểm trước làm gương cho các đồng chí kiểm điểm sau. Bản kiểm điểm của các đồng chí lãnh đạo Ban được viết đi, viết lại, có đồng chí ít nhất là ba lần. Hội nghị sinh hoạt kiểm điểm tự phê bình và phê bình của lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện đúng kế hoạch đề ra, không có biểu hiện của việc kiểm điểm không đạt yêu cầu như văn bản của Bộ Chính trị đã ban hành. Các nội dung góp ý của tập thể và cá nhân, những ưu điểm, khuyết điểm trong thực tế chỉ đạo, điều hành, trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ của Ban, của Ngành trong những năm qua đều được đặt ra thảo luận, kiểm điểm, phấn đấu không để sót.

Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã xác định và tập trung thảo luận những hạn chế, yếu kém chủ yếu, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan và phương hướng khắc phục. Những hạn chế, đó là:

Thứ nhất, trách nhiệm của lãnh đạo Ban về việc để xảy ra tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên trong Đảng, trong Ngành tuyên giáo;

Thứ hai, trách nhiệm của lãnh đạo Ban về những hạn chế, yếu kém trong công tác tuyên giáo;

Thứ ba, trách nhiệm của lãnh đạo Ban về việc công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, ngăn chặn tình trạng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa đạt hiệu quả cao;

Thứ tư, trách nhiệm của lãnh đạo Ban về những hạn chế, yếu kém của đội ngũ cán bộ của Ban Tuyên giáo Trung ương và rộng ra là của Ngành Tuyên giáo. Sau khi phân tích, thảo luận làm rõ nguyên nhân dẫn đến những khuyết điểm đó, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã tập trung xác định phương hướng và các biện pháp sửa chữa, khắc phục.

Trong những ngày tổ chức Hội nghị sinh hoạt kiểm điểm, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương bảo đảm điều hành thông suốt công việc của Ban, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ của Ban và trong Ngành cũng như những nhiệm vụ đột xuất.

Thời gian tới, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương tập trung hoàn thiện các báo cáo trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thông báo kết quả và ý kiến tiếp thu, giải trình đến các tập thể và cá nhân đã góp ý kiến cho lãnh đạo Ban; phổ biến kết quả kiểm điểm tại Hội nghị Đảng bộ cơ quan Ban vào đầu tháng 10 năm 2012; xây dựng Kế hoạch, Hướng dẫn kiểm điểm đối với các vụ, đơn vị trong Ban.

(*) Đầu đề do Báo SGGP đặt

Tin cùng chuyên mục