Xây dựng thành phố thông minh: Tập trung 10 lĩnh vực then chốt

Chúng ta đang phấn đấu đến năm 2025 xây dựng TPHCM trở thành “Thành phố thông minh” nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng môi trường sống.
Lĩnh vực giao thông là một trong những nội dung trọng tâm của quá trình xây dựng đô thị thông minh tại TPHCM. (Trong ảnh: Tình trạng kẹt xe trên đường Trường Chinh, quận Tân Phú)
Lĩnh vực giao thông là một trong những nội dung trọng tâm của quá trình xây dựng đô thị thông minh tại TPHCM. (Trong ảnh: Tình trạng kẹt xe trên đường Trường Chinh, quận Tân Phú)

Hiện nay, đề án xây dựng thành phố thông minh đang được triển khai, lấy ý kiến đóng góp từ nhiều tầng lớp nhân dân. Báo SGGP đã có buổi tọa đàm lấy ý kiến từ các nhà quản lý, chuyên gia… Để có thêm thông tin nhiều chiều, phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Lê Quốc Cường, Phó giám đốc phụ trách Sở Thông tin - Truyền thông (TT-TT) TPHCM, một số nội dung liên quan.

- PHÓNG VIÊN: Được biết, Sở TT-TT đang xây dựng đề án “Thành phố thông minh” để trình UBND TPHCM. Xin ông cho biết những vấn đề cần quan tâm trong quá trình xây dựng đề án là gì?

- Ông LÊ QUỐC CƯỜNG: Việc xây dựng đô thị thông minh là lĩnh vực mới mẻ, không chỉ đối với TPHCM. Quá trình thực hiện khó tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc. Có rất nhiều vấn đề cần đặt ra, chẳng hạn như phải xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ trong từng giai đoạn để có lộ trình thực hiện cụ thể. Theo tôi, vấn đề lớn nhất là phải có sự kiên trì, bởi việc phát triển đề án “Thành phố thông minh” cần nhiều thời gian, cần sự đồng bộ trong khi đó, lãnh đạo mỗi giai đoạn có sự thay đổi, nhận thức mỗi người mỗi khác. 

TPHCM đã lập Ban Điều hành thực hiện đề án với Trưởng ban là đồng chí Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP; các thành viên là thủ trưởng của các sở, ban, ngành. Ngoài ra, TPHCM cũng đã lập Hội đồng tư vấn để góp ý phản biện cho quá trình xây dựng và thực hiện đề án. Chủ tịch hội đồng là đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tham gia Hội đồng tư vấn là các chuyên gia đầu ngành có nhiều kinh nghiệm trên các lĩnh vực. Điều đó cho thấy quyết tâm của Đảng bộ và chính quyền TPHCM trong việc xây dựng thành phố thông minh. Đây là một điểm thuận lợi quan trọng, quyết định sự thành công của đề án.

Mục tiêu của đề án là lấy người dân làm trọng tâm. Do đó, sau khi dự thảo đề án được hoàn thành, thành phố sẽ tổ chức lấy ý kiến của người dân trước khi ban hành. Chúng tôi mong người dân sẽ đồng thuận, đồng hành và giám sát quá trình thực hiện.

- Hiện có nhiều ý kiến băn khoăn về khâu “kết nối” dữ liệu giữa các sở, ngành cũng như giữa các quận, huyện với sở, ngành, do công nghệ, thiết bị giữa các cơ quan chưa đồng bộ. Đây là nền tảng quan trọng cần được giải quyết khi xây dựng thành phố thông minh. Ý kiến ông về vấn đề này như thế nào?

- Về “kết nối” dữ liệu thì thực hiện chỉ đạo của UBND TP, hiện nay Sở TT-TT đang làm kế hoạch xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở cho TPHCM. Kho dữ liệu dùng chung được xây dựng trên cơ sở tích hợp các cơ sở dữ liệu từ các cơ quan nhà nước, hình thành kho dữ liệu tập trung, làm cơ sở triển khai các ứng dụng phục vụ công tác khai thác và phân tích thông tin cho các sở, ban, ngành, quận, huyện.

Việc xây dựng Kho dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở là một đề án nhánh, đề án thành phần và cũng là một nhiệm vụ quan trọng cần được ưu tiên hàng đầu khi triển khai thực hiện đề án xây dựng “Thành phố thông minh”. Ngoài ra, khi triển khai xây dựng đô thị thông minh, thành phố sẽ tập trung thực hiện quy hoạch thông minh. Theo đó, các quận, huyện, sở, ngành sẽ triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ cụ thể, bám sát theo một lộ trình, kế hoạch chung của đề án nhằm đảm bảo tính đồng bộ và tổng thể.

- Một số chuyên gia cho rằng, trước mắt TPHCM nên xây dựng thành phố thông minh ở một số lĩnh vực bức thiết và triển khai thí điểm ở một không gian hẹp như một số quận trung tâm, Khu Công nghệ cao… Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Việc triển khai xây dựng thành phố thông minh sẽ được thực hiện theo lộ trình và kế hoạch cụ thể. Có 10 lĩnh vực then chốt được ưu tiên khi xây dựng đề án Thành phố thông minh: Giáo dục, y tế, giao thông, an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, cải cách hành chính, chỉnh trang đô thị, nguồn nhân lực, môi trường... Thực tế, chúng ta còn đang trong giai đoạn chuẩn bị khảo sát nên chưa thông tin cụ thể. Tuy nhiên, có thể nói tiêu chí chung của TPHCM là sẽ tập trung xây dựng chính quyền điện tử và quy hoạch thông minh để thúc đẩy kinh tế phát triển, đồng thời tạo ra các tiện ích phục vụ người dân. Quy hoạch thông minh sẽ giúp dự báo và đề phòng, ngăn ngừa các diễn biến bất lợi có thể xảy ra, làm ảnh hưởng đến môi trường đô thị TPHCM. Chính quyền điện tử giúp nâng cao hiệu quả quản lý, tăng tính công khai, minh bạch của cơ quan nhà nước, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.

Tin cùng chuyên mục