Giãn dân để có điều kiện chỉnh trang đô thị
- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, có giải pháp gì để giảm tải cho Đà Lạt? Mở rộng Đà Lạt hay cho xây dựng “nén” lại? Nếu mở rộng Đà Lạt thì sẽ phải lấn vào đất rừng, đất nông nghiệp còn nếu “nén” lại, xây cao tầng lên thì lại mất đi đặc trưng của một thành phố “ẩn hiện” trong rừng - vốn rất riêng của Đà Lạt.
>> TS NGÔ VIẾT NAM SƠN: Trước hết phải nói Đà Lạt không thiếu đất. Do vậy, theo tôi giải pháp để giảm tải cho Đà Lạt là xây thêm, nhưng không phải mở rộng Đà Lạt kiểu lan dần ra tứ phía, mà tỉnh Lâm Đồng nên đi “kiếm” thêm một những hồ Xuân Hương mới để làm nền tảng cảnh quan cho việc xây dựng những khu đô thị Đà Lạt mới. Đà Lạt mới có thể khác Đà Lạt hiện hữu ở chỗ là mang đặc trưng của một đô thị thế kỷ 21, với đường sá rộng rãi hơn, hạ tầng hiện đại hơn, nhiều cây xanh và kiến trúc có thể cao tầng hơn. Còn Đà Lạt hiện hữu với đường nhỏ, nhà cổ, thiên nhiên đan xen trong thành phố, rất đẹp - một đô thị lịch sử như vậy, nên giữ lại và trả lại cho nó không gian xanh vốn có. Việc này mang rất nhiều ý nghĩa, không chỉ về văn hóa lịch sử, kiến trúc quy hoạch mà còn về kinh tế, vì tính đa dạng đó sẽ rất hấp dẫn du khách. Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới và thấy rằng, hầu hết các đô thị du lịch hàng đầu như Paris, Montreal, Quebec… thì họ luôn giữ lại khu trung tâm lịch sử cổ kính và xây khu trung tâm mới hiện đại ở gần đó, vì các khu đô thị cổ, đậm tính lịch sử và văn hóa luôn hấp dẫn du khách.
- Thế nhưng, có một thực tế, Đà Lạt hiện hữu có rất nhiều nơi nhếch nhác, xuống cấp, nhà phố ken cứng y như ở TPHCM, Hà Nội… Những dấu ấn của một thành phố trong rừng, không còn bao nhiêu. Chưa kể, nhiều khu nhà kính trồng rau vừa làm mất đi vẻ đẹp của Đà Lạt vừa góp phần làm cho khí hậu Đà Lạt nóng lên. Theo ông, giải quyết vấn đề này như thế nào?
Đà Lạt phải gấp rút giãn dân ra các khu đô thị sẽ phát triển mới gần đó như Cam Ly, Liên Khương, Đức Trọng, Bảo Lộc… Vấn đề của quy hoạch phát triển đô thị là đảm bảo cho tất cả người dân có được điều kiện sống, phát triển phù hợp với khả năng, sở thích của mình. Và dựa vào đó, chính quyền đưa ra kịch bản phát triển và chính sách hỗ trợ phát triển để hài hòa giữa lợi ích của người dân và Nhà nước, đảm bảo phát triển bền vững chung cho Đà Lạt. Ví dụ, Nhà nước quy hoạch rõ, nơi nào làm nhà biệt thự, nơi nào có thể xây dựng nhà cao tầng, nơi nào phát triển nông nghiệp… Người nào muốn làm biệt thự ở gần trung tâm thì có thể phải trả giá cao hơn, còn nếu nhà đầu tư nào chấp nhận đầu tư ở xa thì Đà Lạt phải có cơ chế hỗ trợ để giúp dự án khả thi về kinh tế. Từng bước giãn dân ra thì Đà Lạt mới có điều kiện chỉnh trang lại những chỗ nhếch nhác.
Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉnh trang lại khu vực trung tâm, mở rộng dân cư ra các vùng phía Bắc và Đông Bắc. Tại các vùng mở rộng, chiều cao xây dựng tối đa sẽ được tăng thêm lên 7 - 8 tầng thay vì 5 tầng như khu trung tâm. Hiện nay, những khu vực đang có mật độ cư dân sinh sống cao sẽ hạn chế việc xây chung cư. |
- Đi “kiếm” một hồ Xuân Hương mới và xây dựng một Đà Lạt mới hoàn chỉnh, chắc chắn mất rất nhiều thời gian. Chưa kể “tự nhiên” kêu người dân giãn ra ở Liên Khương, Bảo Lộc, Đức Trọng… không khả thi. Trong khi quá tải đã là vấn đề rất nóng của Đà Lạt. Giải pháp dung hòa cho vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Không phải giãn dân một cách đơn giản là kêu gọi người dân ra khỏi Đà Lạt mà phải làm một khu đô thị mới thứ hai, thứ ba… cho Đà Lạt với đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội hấp dẫn hơn nhiều so với khu đô thị hiện hữu. Trước hết, có thể làm một Đà Lạt mới về phía Liên Khương bởi nơi đây đã có sân bay và đường cao tốc. Lâm Đồng có thể làm một tuyến xe buýt thường xuyên kết nối Đà Lạt hiện nay với Đà Lạt mới. Hoặc Lâm Đồng cũng có thể chọn Bảo Lộc để hình thành thêm một khu đô thị mới. Bảo Lộc nằm cũng không xa Đà Lạt mà lại có nghề nuôi tằm, làm tơ… và nhiều ngành nghề có thể tạo nguồn công việc hấp dẫn cho dân nhập cư. Nếu phát triển được, đây cũng sẽ là một nét độc đáo để hấp dẫn du khách. Cam Ly, Măng Lin cũng có thể là một chọn lựa khác… Nếu Lâm Đồng phát triển được cả các khu đô thị mới này, thì không những giúp Đà Lạt có điều kiện giảm tải mà còn hình thành được chuỗi các đô thị Tây Nguyên đa bản sắc, tạo đà phát triển cho cả Lâm Đồng.
- Nhưng với nhiều người dân có tâm lý ở Đà Lạt vẫn “thích” hơn ở Liên Khương, Bảo Lộc, Măng Lin… Chưa kể, rõ ràng nếu phải đi từ Liên Khương, Bảo Lộc - Măng Lin đến Đà Lạt khi có việc hoặc đơn giản là du lịch, cũng rất mất thời gian. Ông nghĩ sao?
Tâm lý đó có thể thay đổi, vẫn sẽ hấp dẫn người dân, khi chúng ta xây dựng đô thị mới hoàn thiện, với cơ hội an cư lạc nghiệp hấp dẫn, đi kèm với nguồn công ăn việc làm, hạ tầng xã hội và các tiện ích hiện đại. Đối với lượng cư dân ngày gia tăng của Lâm Đồng, không nhất thiết phải bố trí cho họ sống tại Đà Lạt, mà họ sẽ sẵn sàng chọn sống ở khu đô thị gần đó, nếu cơ hội sống và làm việc là tốt hơn hoặc tương đương. Đối với khách du lịch, không nhất thiết toàn bộ phải tập trung quá đông tại khu trung tâm, vừa gây kẹt xe, ô nhiễm… mà có thể khuyến khích họ lưu trú tại các khách sạn ở khu đô thị lân cận cách trung tâm Đà Lạt dưới 1 giờ đi xe, với giá cả phải chăng. Như vậy, du khách có thể đi chơi cả ngày tại Đà Lạt và các danh thắng, buổi tối về lại khách sạn, ăn uống vui chơi tại đó. Điều này không những giúp giảm mật độ khách du lịch tập trung quá đông ở khu trung tâm, mà còn giúp cho kinh tế vùng phát triển, tăng nguồn thu ngân sách.
Theo TS Ngô Viết Nam Sơn nên bắt đầu chỉnh trang đô thị Đà Lạt hiện hữu bằng cách chính quyền phải lập một chiến lược phát triển bền vững, kết hợp với bảo tồn các giá trị di sản và giá trị thiên nhiên để hướng dẫn cho tất cả các dự án cải tạo, chỉnh trang, và phát triển trên toàn thánh phố. Cụ thể nên có 4 định hướng chiến lược chính như sau: - Thứ nhất, đưa ra các chính sách và quy hoạch bảo tồn các di sản quy hoạch kiến trúc, đặc biệt là 2 khu vực: Trung tâm lịch sử phố Pháp dọc theo trục đường Trần Phú và Trung tâm lịch sử phố Việt tại Khu Hòa Bình. Trong đó, cần giữ lại các công trình lịch sử, lập quy hoạch kèm theo hướng dẫn việc bảo tồn, chỉnh trang, phát triển các công trình cũ và mới trong khu vực, sao cho giữ gìn được bản sắc lịch sử đặc trưng của khu vực. - Thứ hai, đưa ra các chính sách và quy hoạch bảo tồn các giá trị thiên nhiên, đem lại không gian nghỉ dưỡng lãng mạn của thành phố cao nguyên như: rừng thông trong thành phố, không gian hồ nước với sương mù mờ ảo, không gian đi bộ với cảnh quan hoa cỏ đầy màu sắc, nhiệt độ mát lạnh của cao nguyên… Trong đó cần phải hạn chế việc bê tông hóa, kính hóa… vì chỉ làm biến đổi khí hậu và làm xấu cảnh quan tổng thể. - Thứ ba, đưa ra các chính sách và quy hoạch phát triển các không gian đô thị mang bản sắc hiện đại, tại các khu vực đô thị mới gần trung tâm như khu phía Đông Bắc hồ Xuân Hương, khu Cam Ly, Măng Lin, khu gần Suối Vàng… và các khu đô thị xa hơn tại Liên Khương, Đức Trọng… Các nơi này phải kết nối thuận tiện với khu trung tâm Đà Lạt và với các thắng cảnh quan trọng. - Thứ tư, đưa ra các chính sách khuyến khích hợp tác công tư, giữa chính quyền với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong việc bảo tồn và phát triển Đà Lạt phù hợp với lợi ích chung của tất cả những chủ thể có liên quan (nhà đầu tư, người dân địa phương, người dân nhập cư, khách du lịch, cá nhân và đơn vị cung cấp dịch vụ và thương mại, chính quyền địa phương…), và thu hút được nguồn vốn đầu tư xã hội hóa trong và ngoài nước, cho việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, mà không phải lệ thuộc nhiều vào ngân sách công. |