Khó đạt mục tiêu thay mới 1.680 xe buýt trong năm 2017

Ngày 28-3, Ban Đô thị HĐND TPHCM đã làm việc với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải công cộng (QL-ĐHVTHKCC) TPHCM liên quan đến tình hình đầu tư hệ thống xe buýt và quản lý khí thải, chất thải trong quá trình điều hành vận tải công cộng.

(SGGP).- Ngày 28-3, Ban Đô thị HĐND TPHCM đã làm việc với Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải công cộng (QL-ĐHVTHKCC) TPHCM liên quan đến tình hình đầu tư hệ thống xe buýt và quản lý khí thải, chất thải trong quá trình điều hành vận tải công cộng.

Tại cuộc họp, về phía Trung tâm QL-ĐHVTHKCC TPHCM cho biết, rất khó đạt mục tiêu đầu tư 1.680 xe buýt mới vào cuối năm 2017 của thành phố đề ra.

Nhiều xe buýt trên địa bàn TPHCM đã cũ

Lý giải thực tế này, ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm QL-ĐHVTHKCC TPHCM cho biết, thành phố có 2.575 phương tiện công cộng đang hoạt động. Trong đó, phần lớn phương tiện đã được đầu tư trên 10 năm nên đã xuống cấp. Do vậy, theo đề án phê duyệt của UBND TPHCM giai đoạn 2014-2017, yêu cầu phải đầu tư thay mới 1.680 phương tiện xe buýt theo hình thức xã hội hóa. Tính đến nay chỉ thay mới được 839 xe buýt, đạt 50% tiến độ dự án. Trong đó, có 256 xe buýt sử dụng khí thiên nhiên (CNG), thân thiện với môi trường chiếm 12,4%, số còn lại chạy bằng dầu diesel.

Ông Trần Chí Trung thừa nhận, 50% số lượng xe buýt còn lại phải đầu tư mới từ nay đến cuối năm 2017 rất khó thực hiện, do thành phố đã có văn bản chỉ đạo, từ đầu năm 2017, xe buýt đầu tư mới phải là xe sử dụng khí CNG trong khi chi phí đầu tư phương tiện này có giá thành cao hơn phương tiện sử dụng diesel khoảng 33%. Ngoài ra, việc đảm bảo về nguồn cung cấp cũng như đảm bảo bình ổn giá khí CNG hiện nay đang bị phụ thuộc vào nhà cung cấp (Công ty PV Gas South). Mặt khác, chi phí xây dựng các trạm chứa khí CNG cũng rất tốn kém và tốn nhiều diện tích đất nên Tập đoàn Dầu khí cũng đang nghiên cứu thực hiện.

Tuy nhiên, đơn vị cũng thừa nhận rằng, xe buýt chạy bằng khí CNG đã đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế cũng như môi trường. Cụ thể, khối lượng vận chuyển tăng khoảng 20%; phương tiện mới nên cũng giảm tình trạng xả khói đen như trước đây. Qua kết quả nghiên cứu và tính toán cho thấy khi sử dụng khí nén CNG tiết kiệm khoảng 23% so với sử dụng nhiên liệu diesel. Thống kê khoảng 1 năm trên các tuyến chạy xe buýt CNG tổng lượng phát thải các chất độc hại đã giảm gần 14.000 tấn/năm so với xe buýt chạy bằng diesel. Trong đó đặc biệt quan trọng là lượng bụi lơ lửng TSP giảm 630,50 tấn; NOx giảm gần 7.400 tấn; CO giảm gần 2.800 tấn; HC giảm 713,74 tấn, SO2 giảm 140,64 tấn...

Làm việc với Trung tâm QL-ĐHVTHKCC TPHCM, ông Trương Trung Kiên, Trưởng ban Đô thị, HĐND TP yêu cầu Trung tâm QL-ĐHVTHKCC TPHCM cần nghiên cứu và tính toán kỹ hướng sử dụng phương tiện sử dụng khí CNG. Trong thực tế, việc sử dụng CNG còn nhiều khó khăn về giá thành, quy định phát thải và cũng phải chuyển đổi hàng loạt xe mới nên chưa thể đầu tư đồng bộ được. Tuy nhiên, trong khi chờ chính sách hỗ trợ phù hợp từ thành phố, cần có các giải pháp hạn chế tình trạng xả rác trên xe buýt cũng như việc đẩy mạnh tuyên truyền cho hành khách sử dụng xe buýt công cộng, hạn chế xe cá nhân để giảm ùn tắc giao thông.

MINH HẢI

Tin cùng chuyên mục