Nâng ý thức, trách nhiệm chống xâm hại tình dục trẻ em

Dư luận đang rất bức xúc vì gần đây liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE). Nhiều bạn đọc đã gửi đến Báo SGGP các ý kiến cảnh báo, tư vấn về vấn đề chống XHTDTE. Xin trích giới thiệu một số ý kiến:

Cộng đồng tham gia

Số liệu thống kê cho thấy, ở nước ta hàng năm số vụ việc XHTDTE có gia tăng. Trước thực trạng đó, cần có sự nỗ lực của toàn xã hội với những biện pháp phù hợp và thái độ quyết liệt để chống XHTDTE. Công tác tuyên truyền chống XHTDTE phải được đẩy mạnh hơn nữa. Trong nhà trường, nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải bao gồm việc giáo dục giới tính và cách phòng vệ trước nguy cơ bị xâm hại. Trong gia đình, trẻ phải được dạy cách ứng xử phù hợp với người khác giới, phải báo ngay với người lớn khi phát hiện ai đó có biểu hiện bất thường đối với mình. Các cơ quan truyền thông nên thông tin, lên án, tạo sự quan tâm của toàn xã hội và sự cảnh giác của các bậc phụ huynh trước vấn nạn XHTDTE.

Pa-nô tuyên truyền phòng ngừaxâm hại tình dục trẻ em

Pháp luật cần có những biện pháp chế tài nghiêm khắc hơn đối với loại tội phạm XHTDTE. Khi điều tra, xử lý, xét xử loại tội phạm này, cần thực sự khách quan, công tâm và có ý thức đấu tranh rất cao. Hành vi XHTDTE phải vừa bị pháp luật chế tài vừa bị xã hội lên án. Dĩ nhiên, việc lên án phải bằng những cách thức phù hợp pháp luật, bảo đảm tính nhân văn.

Gia đình vẫn có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa XHTDTE. Nên quan tâm thực hiện các “biện pháp kỹ thuật” phù hợp, như cố gắng sắp xếp phòng riêng cho con từng giới tính, tránh chung đụng dễ dẫn đến hành vi sai trái. Trong nhà trường, cần có camera giám sát và có chế độ kiểm tra thường xuyên để kịp thời phát hiện người lạ xâm nhập hoặc có hành vi phạm tội với học sinh. Đồng thời thực hiện tốt mô hình tư vấn tâm lý học đường để giúp học sinh mạnh dạn thông tin trường hợp có dấu hiệu phạm tội của ai đó hoặc đã có hành vi phạm tội nhưng trẻ chưa dám khai báo. Ở cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương nên chỉ đạo các tổ dân phố phổ biến việc cảnh giác loại tội phạm XHTDTE. Việc đấu tranh phòng chống nạn XHTDTE cần có sự tham gia của cả cộng đồng xã hội, với tinh thần tiến công và ý thức trách nhiệm cao.

TRỊNH MINH GIANG (quận Thủ Đức, TPHCM)

Tháo gỡ khó khăn tâm lý cho trẻ

Trong thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ XHTDTE khiến các phụ huynh quan tâm lo lắng. Các vụ XHTDTE không những tăng về số lượng mà còn tăng về mức độ phức tạp, như thủ phạm là người thân trong gia đình, thậm chí có cả người cao tuổi. Hậu quả trực tiếp của nạn XHTDTE là nạn nhân có thể bị ám ảnh trong suốt cuộc đời. Vấn đề ở chỗ là làm sao giúp trẻ tháo gỡ được những khó khăn tâm lý để có thể giúp người lớn hiểu rõ được sự việc, cũng như giúp cơ quan chức năng có thể đánh giá được biểu hiện và mức độ để có hướng xử lý những kẻ XHTDTE. Có nhiều trẻ em bị XHTD gặp khó khăn về tâm lý, có thể im lặng hoặc có thể phản ứng mạnh mẽ và không hợp tác với người lớn; có thể rơi vào trạng thái lo âu hoặc không muốn tiếp xúc với người khác.

Để có thể tiếp xúc, giúp trẻ tháo gỡ được những khó khăn khi bị XHTD, cha mẹ phải thực sự là những người gần gũi, yêu thương trẻ, tạo cho trẻ cảm giác an toàn khi bên cạnh người thân và nếu trẻ có biểu hiện lo lắng thì người lớn cần cho trẻ hướng vào những trò chơi hoặc những câu chuyện hài hước trong gia đình. Khi tiếp xúc với cơ quan chức năng, nếu trẻ không chịu hợp tác thì tốt nhất nên chọn lại thời điểm khác.

Trong quá trình tiếp xúc, để phục vụ cho các cơ quan chức năng tiến hành điều tra, người lớn phải làm sao cho cuộc tiếp xúc nhẹ nhàng như một lần tổ chức trò chơi. Không nên cho trẻ hiểu được vì sao phải tiếp xúc với công an và bản thân công an cũng đóng vai là một người bạn, họ thực sự hiểu trẻ, họ có thể xâm nhập vào thế giới của trẻ, rồi từ đó sẽ mở được chìa khóa của những khó khăn trong lòng đứa trẻ. Tuy nhiên, muốn đạt được hiệu quả cao thì cơ quan công an nên chọn những người là nữ, có kiến thức sâu về tâm lý trẻ em, phải hóm hỉnh, đặc biệt là tin tưởng vào trẻ, có khả năng dẫn dắt, lôi cuốn trẻ vào các tình huống mà người lớn chủ động tạo ra, từ đó mới kích thích trẻ nói ra sự thật. Một điều lưu ý là cha mẹ phải bên cạnh trẻ trong những tình huống này, nếu trẻ không hợp tác thì rất khó có thể khai thác điều gì ở trẻ, đặc biệt khi trẻ sợ hãi lại dẫn đến những nguy hại, ảnh hưởng trực tiếp đến bản thân đứa trẻ.

Sau quá trình tiếp xúc, nếu như trẻ cảm thấy thoải mái hơn, tự tin hơn, thì chứng tỏ việc tiếp xúc đạt hiệu quả. Ngược lại, trẻ lo lắng hơn, cảm giác mất an toàn thường xuyên hơn, thì đó là sự thất bại. Tất nhiên, sau quá trình đó bao giờ người lớn cũng hướng dẫn giúp trẻ tránh xa được những nguy cơ rủi ro. Đối với trẻ chưa hiểu được gì hết khi bị xâm hại, người lớn đừng bao giờ để lộ ra thông tin này. Còn đối với trẻ biết mình bị xâm hại, cha mẹ cần phải giúp con quên dần quá khứ, chia sẻ cùng con nhiều hơn, tạo điều kiện để con mình nhanh chóng hòa nhập tập thể. Điều quan trọng nhất là dạy trẻ biết chủ động tự bảo vệ mình trước nguy cơ bị XHTD. Cần lưu ý với trẻ là không được im lặng, mà phải báo ngay với cha mẹ khi ai đó đã có biểu hiện quấy rối trẻ.

Thạc sĩ tâm lý NGUYỄN VĂN CÔNG (Đại học Nguyễn Huệ)

Tin cùng chuyên mục