Nhà vệ sinh công cộng - bài toán cần giải sớm

Trong một nỗ lực giúp người dân TPHCM có chỗ giải quyết “đầu ra” mỗi khi có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh khi đi trên đường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đang lên phương án “phủ sóng” nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn 24 quận - huyện, trong đó tập trung những khu vực đông người như công viên, vỉa hè, bến xe, bến thủy, điểm du lịch, chợ…

Trong một nỗ lực giúp người dân TPHCM có chỗ giải quyết “đầu ra” mỗi khi có nhu cầu sử dụng nhà vệ sinh khi đi trên đường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TPHCM đang lên phương án “phủ sóng” nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) trên địa bàn 24 quận - huyện, trong đó tập trung những khu vực đông người như công viên, vỉa hè, bến xe, bến thủy, điểm du lịch, chợ…

Cần hơn 1.000 NVSCC

Số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ Sở TN-MT TPHCM trên địa bàn 24 quận - huyện cho thấy, hiện thành phố chỉ có 126 NVSCC. Con số trên còn khá khiêm tốn, chưa đủ đáp ứng nhu cầu người dân, bởi với dân số hơn 10 triệu người thì thành phố cần đầu tư hơn 1.000 NVSCC; trong đó, bức thiết hơn hết là khu vực trung tâm thành phố cũng cần đến vài trăm NVSCC.

Nhà vệ sinh công cộng chất lượng cao, không thu phí tại góc đường Lê Hồng Phong - Ba Tháng Hai

Mới đây, UBND TPHCM đã “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp tư nhân cùng tham gia xây dựng NVSCC và bước đầu đã có một số nhà đầu tư nhảy vào lĩnh vực này. Điển hình là quận 10 vừa chính thức đưa vào hoạt động 2 NVSCC chất lượng cao, trang thiết bị hiện đại (có vòi rửa cảm ứng, máy khử mùi tự động, máy điều hòa không khí, quạt hút mùi…) tại góc đường Lý Thái Tổ - Ba Tháng Hai và đường Lê Hồng Phong - Ba Tháng Hai.

Hai NVSCC này được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Trên nền NVSCC cũ do Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 10 quản lý đã hư hỏng, quận quyết định dành hơn 2/3 diện tích để mời gọi doanh nghiệp bỏ vốn cải tạo thành NVSCC mới khang trang hơn và gần 1/3 diện tích cho doanh nghiệp đó khai thác mặt bằng. Viva Star Coffee trở thành doanh nghiệp đồng hành cùng Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 10 xây dựng, vận hành 2 NVSCC nói trên. Với hình thức này, các bên cùng được lợi. Người dân và du khách được sử dụng NVSCC hiện đại, sạch sẽ miễn phí; quận 10 thực hiện chương trình chỉnh trang đô thị - nếp sống văn minh nơi công cộng mà không cần bỏ ngân sách xây dựng cũng như không tốn chi phí vận hành NVSCC (khoảng 30 triệu đồng/tháng, do nhà đầu tư chi trả - PV); doanh nghiệp dù phải trả tiền thuê mặt bằng nhưng có cơ hội được quảng bá thương hiệu trong thời gian 5 năm.

Mô hình xã hội hóa NVSCC của quận 10 được đánh giá là sáng tạo, vận động được nguồn lực xã hội trong việc từng bước xây dựng hình ảnh thành phố văn minh trong mắt du khách; đồng thời góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị đã xảy ra do thiếu NVSCC hoặc chất lượng phục vụ tại các NVSCC còn hạn chế. Ông Vũ Anh Khoa, Phó Chủ tịch UBND quận 10, cho biết trong thời gian tới, quận 10 sẽ tiếp tục mời gọi công khai các doanh nghiệp khác để triển khai cải tạo, xây dựng thêm 6 NVSCC chất lượng cao, không thu phí tại những khoảng đất trống nhỏ ở những góc đường hoặc các khu dân cư do Nhà nước quản lý. Đồng thời, cũng sẽ vận động các bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vực công cộng... trên địa bàn quận hình thành, kết nối chuỗi NVSCC đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.

Sẻ chia gánh nặng

Cuối tháng 2-2017, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến có công văn giao Sở TN-MT tổng hợp các mạng lưới NVSCC trên địa bàn thành phố để trình UBND TPHCM xem xét trong quý 1-2017. Theo đó, Sở TN-MT phối hợp với các sở, ngành liên quan và các quận - huyện kêu gọi các doanh nghiệp, đơn vị đầu tư NVSCC trên địa bàn thành phố bằng phương thức xã hội hóa theo hướng ưu tiên chọn các đơn vị áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị, hài hòa với cảnh quan khu vực xung quanh cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân, khách du lịch.

Điểm lại trên địa bàn toàn thành phố, số lượng doanh nghiệp bỏ tiền xây NVSCC có chất lượng, dịch vụ cao chưa nhiều. Hiện chỉ có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (Sacombank) tài trợ xây hơn 10 nhà vệ sinh tiêu chuẩn 4-5 sao ở các công viên lớn như Tao Đàn, 23-9, Lê Văn Tám, Gia Định… Còn lại một số nhà đầu tư khác vẫn đang trong giai đoạn đề xuất thử nghiệm lắp đặt NVSCC chất lượng cao như Công ty CP Công nghệ môi trường Tiên Phong, Công ty CP Thương mại và truyền thông Vinasing, Công ty TNHH Miister Loo (Việt Nam).

Với nhiều doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư NVSCC được cho là sẽ phần nào chia sẻ gánh nặng ngân sách của thành phố. Tuy nhiên, nhìn ở góc độ hài hòa hiệu quả thu hồi vốn cho nhà đầu tư và đảm bảo môi trường thì cần phải có sự khảo sát kỹ lưỡng về số lượng, quy mô cho từng khu vực, tránh chỗ thừa chỗ thiếu. Song song đó, thiết kế nhà vệ sinh phải hài hòa với cảnh quan, xử lý nước thải, chất thải tuyệt đối triệt để và đặc biệt công năng phải đảm phải đáp ứng cho tất cả các đối tượng người già trẻ em, người khuyết tật. Bên cạnh đó, để nhà đầu tư thuận lợi hơn trong việc xây NVSCC chất lượng dịch vụ cao đòi hỏi các sở, ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng và đề xuất thêm các chính sách hỗ trợ gồm thủ tục pháp lý về bàn giao mặt bằng, đấu nối hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống xả thải, thực hiện quảng cáo, thu phí dịch vụ…

Theo thông tin từ Sở TN-MT TPHCM, hiện 24 quận - huyện đang đánh giá nhu cầu cần thiết để thay thế NVSCC, thùng rác công cộng tại từng địa phương để phục vụ người dân, khách du lịch và dự kiến số liệu đầy đủ sẽ tổng hợp về Sở TN-MT trong tháng 4-2017. Theo đó, các quận - huyện sẽ phải rà soát mạng lưới NVSCC để có đề xuất cụ thể số lượng, vị trí (công viên, vỉa hè, bến thủy, địa điểm du lịch, chợ); đồng thời sẽ đánh giá và lập danh sách các nhà vệ sinh hiện hữu không đảm bảo chất lượng, mỹ quan đô thị hoặc xây dựng trên các vị trí không phù hợp để tính toán giải tỏa, thay thế cải tạo, sửa chữa hoặc đầu tư xây dựng mới hiện đại hơn.

Bài vở cho chuyên trang “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt” xin gửi về email: thanhphosongtot@sggp.org.vn hoặc địa chỉ 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM (xin ghi rõ: Bài tham gia chương trình “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt”). Chúng tôi sẽ chọn lọc, biên tập và lần lượt đăng tải các bài viết có chất lượng trên chuyên trang ra thứ năm hàng tuần. 

VÂN ANH - ÁI CHÂN

Tin cùng chuyên mục