Dạy trẻ em ý thức tự bảo vệ trước nạn xâm hại tình dục

Dư luận xã hội đang rúng động trước hàng loạt vụ việc đau xót - trẻ em bị xâm hại tình dục với mức độ ngày càng nghiêm trọng và nạn nhân bị tấn công còn rất nhỏ.

Dư luận xã hội đang rúng động trước hàng loạt vụ việc đau xót - trẻ em bị xâm hại tình dục với mức độ ngày càng nghiêm trọng và nạn nhân bị tấn công còn rất nhỏ.

Làm thế nào để dạy học sinh ngay từ bậc tiểu học có ý thức tự bảo vệ bản thân và phòng tránh nguy cơ bị xâm hại tình dục trong và ngoài cổng trường?

Giáo viên dạy thêm kiến thức, trang bị kỹ năng sống cho học sinh

Báo động: Tội phạm dâm ô gia tăng

Những ngày qua, nghi vấn về bé gái 7 tuổi học lớp 1 Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Thủ Đức, TPHCM bị xâm hại tình dục là tâm điểm chú ý của dư luận, nhất là các bậc phụ huynh có con gái nhỏ tuổi. Mới đây, Công an quận Thủ Đức đã công bố kết quả pháp y ban đầu và khẳng định tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc. Theo Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM, nhiều nghi vấn trong vụ việc này đúng là cần được điều tra làm rõ thêm. Trước đó, bé gái 8 tuổi ở quận Hoàng Mai, Hà Nội bị người đàn ông tên C.V.H. ở gần nhà xâm hại nhưng quá trình điều tra, khởi tố vụ án diễn ra quá chậm gây bức xúc dư luận. Nghiêm trọng hơn là vụ việc bé gái 7 tuổi và một số bé gái khác ở khu chung cư phường Nguyễn An Ninh TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị một người đàn ông lớn tuổi dâm ô nhưng chưa bị khởi tố. Trước 2 vụ việc nghiêm trọng này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phải lên tiếng, trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, điều tra làm rõ để đưa người vi phạm ra xử lý đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm có trên 1.000 vụ trẻ em bị xâm hại tình dục và cứ 8 giờ trôi qua, có thêm 1 trẻ bị xâm hại tình dục. Còn theo Sở LĐTB-XH TPHCM, chỉ tính riêng năm 2016, TPHCM xảy ra gần 100 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó có 71 vụ hiếp dâm, giao cấu. Cũng theo cảnh báo của các chuyên gia xã hội học, trên thực tế, số vụ trẻ em bị xâm hại tình dục, nạn nhân của tội phạm dâm ô ở Việt Nam có thể cao hơn nhiều. Bởi lẽ, nạn nhân và gia đình nạn nhân thường có tâm lý xấu hổ, muốn che giấu nỗi đau, không muốn công khai sự việc con mình bị lạm dụng, xâm hại. Hơn nữa, sự gia tăng tội phạm dâm ô cũng xuất phát từ thực tế việc vào cuộc - điều tra, xử lý và thu thập chứng cứ của các cơ quan tư pháp địa phương quá chậm, thiếu kiên quyết. Điều này dẫn đến nhiều vụ việc bị “chìm xuồng” và kẻ thủ ác tiếp tục gây thêm tội ác đối với trẻ em. Theo ông Đặng Hoa Nam, để răn đe loại tội phạm đang có xu hướng gia tăng này, cần có quy trình đặc biệt để xét xử sớm nhất có thể, nhất là khi Luật Trẻ em có hiệu lực từ 1-6-2017. Nếu cứ đi theo quy trình tố tụng bình thường thì rất “bất cập”, bởi nếu không xử lý nhanh các vụ việc xảy ra thì sẽ gây tổn thương cho các em nhiều hơn.

Lỗ hổng kiến thức ở học sinh tiểu học

Thời gian gần đây, nhiều trường học ở TPHCM đã chủ động mời các chuyên gia tâm lý đến nói chuyện cho học sinh về giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục. Theo cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lạc Long Quân, quận 11, vào giờ sinh hoạt chủ nhiệm, giáo viên các khối lớp đều lồng ghép dạy thêm kiến thức, trang bị kỹ năng sống cho học sinh về nguy cơ thiếu an toàn như nạn bắt cóc, phòng chống lạm dụng tình dục. Bên cạnh đó, nhà trường cũng chủ động mời chuyên gia tâm lý nói chuyện với học sinh về giáo dục giới tính, hướng dẫn cách phòng chống nạn bị lạm dụng tình dục... Tuy nhiên, thời lượng tuyên truyền, giáo dục về chủ đề nhạy cảm này còn ít và chưa thực sự bài bản. Thậm chí nhiều hiệu trưởng trường tiểu học cũng chưa quan tâm, nhận thức đúng vấn đề và cho rằng trẻ nhỏ chưa cần biết chuyện người lớn hoặc “vẽ” nhiều quá, học sinh tò mò sẽ có hại hơn…

Trong khi trẻ em đang là đối tượng bị xâm hại, bị lạm dụng ngày càng nhiều thì trong chương trình giáo dục tiểu học hiện hành, chỉ có học sinh lớp 4 và 5 mới được học vài tiết về giáo dục giới tính. Còn lớp 1, 2, 3 thì hoàn toàn bị bỏ trống. Vì thế, nhiều chuyên gia giáo dục lo ngại rằng, nếu nhà trường ít quan tâm, cộng thêm gia đình, phụ huynh lơ là, không chủ động dạy con trẻ những điều cần biết, cần tránh thì chúng hoàn toàn bị động, dễ trở thành nạn nhân của tội ác xâm hại tình dục hay ấu dâm. Thậm chí, khi bị lạm dụng dâm ô, các em cũng không hiểu đây là hành vi xấu cần phải kể lại với người lớn, thầy cô giáo để kịp thời ngăn chặn hoặc lưu giữ chứng cứ cần thiết. Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ bị xâm hại tình dục luôn gánh chịu tổn thương về tâm lý rất nặng nề và khó hồi phục. Cho dù được chữa trị về cơ thể, tâm lý, nhưng vết sẹo, di chứng tuổi thơ sẽ khiến các em mất tự tin, khiếm khuyết phần hồn lẫn thể xác.  Thậm chí, có những em không thể phục hồi tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục và với những thiên thần đang khỏe mạnh, xinh đẹp này, tương lai, cuộc sống đã khép lại.

Vì thế, để cứu các em thoát khỏi tội ác này, từ gia đình đến trường học phải chung tay trang bị kiến thức, kỹ năng, giúp các em cảnh giác, phòng ngừa bị  kẻ xấu lạm dụng, xâm hại tình dục ở mọi lúc, mọi nơi. Trong khi ở nước ngoài, trẻ em được dạy về cách thức phòng tránh tội phạm này rất kỹ thì ở Việt Nam, nhiều phụ huynh vẫn thiếu cảnh giác hoặc sơ hở khi để con trẻ một mình hoặc tự chơi với người lạ. Thay vì dạy quá nhiều kiến thức, nội dung không cần thiết, nhà trường hãy tăng cường dạy cho học trò những điều cần biết, cần tránh và kỹ năng phòng vệ, tự bảo vệ mình trước các nguy cơ thiếu an toàn, bị lạm dụng tình dục đang bủa vây từ nhiều phía.

KHÁNH HÀ

Tin cùng chuyên mục