Kiến nghị giảm phí khi thực hiện thủ tục công trực tuyến

(SGGP).- Làm sao để tăng tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách bền vững? Đây là vấn đề được Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM Võ Thị Trung Trinh đặt ra tại cuộc họp với một số quận trên địa bàn TPHCM vào chiều 14-3, trước thực trạng người dân chưa mặn mà với dịch vụ công trực tuyến mà Báo SGGP số ra ngày 7 và 8-3 đã phản ánh qua loạt bài “TPHCM - Thách thức trong xây dựng chính quyền điện tử”.

Cán bộ chuyên trách quận Bình Tân xử lý thông tin qua cổng thông tin điện tử

Tại cuộc họp, các quận đều thừa nhận tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiện thấp đến… “thê thảm”, chỉ đạt vài phần trăm so với tỷ lệ người dân thực hiện thủ công. Trước thực tế này, đại diện quận 5 đề nghị HĐND TP xem xét giảm phí cho người dân khi làm thủ tục hành chính qua mạng. “Cũng như các loại hình kinh doanh qua mạng hiện nay, khi người dân mua hàng qua mạng thường được giá thấp hơn vì người bán không tốn chi phí mặt bằng, nguồn lao động”, vị này so sánh. Đồng thời, quận 5 cũng đề xuất hỗ trợ trực tiếp người dân trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính công trực tuyến thông qua mail, đường dây nóng…

Từ bài học kinh nghiệm triển khai dịch vụ công cấp phép xây dựng qua mạng đạt hơn 10% - tỷ lệ cao nhất so với các quận - huyện hiện nay, lãnh đạo quận 8 chia sẻ giải pháp bố trí máy tính ở phường và quận để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ người dân. Tương tự, ông Lâm Ngô Hoàng Anh, Chánh Văn phòng UBND quận 1, cho biết, tháng 4 tới đây quận 1 cũng sẽ triển khai trung tâm hỗ trợ dịch vụ hành chính công và đưa máy tính xuống tận phường, bố trí người trực tiếp hướng dẫn người dân.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Võ Thị Trung Trinh, một trong những giải pháp quan trọng để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến là làm sao rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến so với thực hiện thủ công. Đồng thời, các quận trên cơ sở thực tế nên phân loại các dịch vụ công trực tuyến nào người dân có nhu cầu sử dụng nhiều nhất để gia công, đầu tư, phát triển, tránh dàn trải, lãng phí.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục