Thương người như thể thương thân

Từ ngày khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, Nguyễn Hà Phương (30 tuổi), bác sĩ chuyên khoa 1 Bệnh viện Ung bướu TPHCM, luôn tâm niệm là phải dùng hết khả năng y khoa, cái tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc để phục vụ người bệnh.

Thương người như thể thương thân ảnh 1

Bác sĩ Nguyễn Hà Phương

Dù công tác ở khoa điều trị nào, bác sĩ Hà Phương cũng luôn chăm sóc bệnh nhân chu đáo, xem người bệnh như người thân của mình và điều bác sĩ Phương nhận lại là tình cảm yêu quý, sự lưu luyến của rất nhiều bệnh nhân.

Gần 6 năm công tác tại Bệnh viện Ung bướu, hàng ngày tiếp xúc, chăm sóc, điều trị cho rất nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo, bác sĩ Hà Phương thấu hiểu sự lo lắng, sợ hãi của cả người bệnh lẫn người nhà. Nhớ lại thời điểm khi vừa chân ướt chân ráo bước vào môi trường làm việc tại một bệnh viện lớn, ngày ngày nhìn thấy nỗi đau của bệnh nhân, Hà Phương cứ trăn trở mãi. “Sức mình thì nhỏ bé mà mong muốn thì lại rất nhiều. Cũng bắt đầu từ thời điểm này, em hiểu chỉ có  tình yêu thương, cái tâm của người thầy thuốc mới có thể giúp giảm bớt nỗi đau của người bệnh”, Hà Phương chia sẻ. Và cũng từ thời điểm ấy đến nay, bác sĩ Hà Phương luôn hết lòng, tận tụy, dùng cái tâm của mình để chăm sóc bệnh nhân.

Thời gian đầu, Phương nhận công tác tại Khoa Chăm sóc giảm nhẹ, nơi mà hầu hết bệnh nhân ung thư đều ở giai đoạn cuối. Công việc của bác sĩ không chỉ là điều trị cho bệnh nhân khỏi bệnh, mà là chăm sóc mọi mặt để giúp người bệnh được dễ chịu hơn. “Lần đầu tiên em được chăm sóc một bệnh nhân, đó là người đàn ông hơn 40 tuổi, người đầy hình xăm, mắc ung thư gan giai đoạn cuối và anh đang thụ án. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, sau giờ làm việc, em không vội về nhà mà quay trở lại phòng bệnh để trò chuyện cùng anh. Đến bây giờ em vẫn còn thấy hạnh phúc khi ngày đó mình đã làm được một việc là ở bên anh, giúp anh tự tin gặp lại các con lần sau cuối. Sau lần đó, em cũng thay đổi suy nghĩ và biết với bệnh nhân mắc bệnh ung thư thì ngoài phác đồ điều trị, liều thuốc tốt nhất cho bệnh nhân chính là sự quan tâm, chia sẻ của y bác sĩ”, bác sĩ Hà Phương nhớ lại.

Cũng bằng cái tâm của mình, khi được chuyển đến Khoa Giải phẫu bệnh để nghiên cứu và đọc các kết quả xét nghiệm của bệnh nhân, bác sĩ Hà Phương càng chú tâm hơn trong việc nâng cao kiến thức y khoa, tay nghề, để khi ký tên vào kết quả sẽ không thấy hổ thẹn. Điều Phương luôn trăn trở là khi cho ra một kết quả xét nghiệm thì phải thật chính xác, bởi từ kết quả này mà quyết định phác đồ điều trị cho bệnh nhân. “Chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ ảnh hưởng đến mạng sống một con người. Đọc kết quả thì phải tôn trọng sự thật. Kết luận càng chính xác thì hiệu quả điều trị sẽ càng cao”, Hà Phương bày tỏ. Rất nhiều lần, Phương xem đi xem lại kết quả đã phân tích. Khi biết khối u là ác tính thì Phương nghiên cứu thêm từ sách vở, hỏi đồng nghiệp để xem ác đến mức độ nào rồi mới cho kết luận.

Hà Phương tâm sự rằng, Bác Hồ đã dành cả cuộc đời mình cho đất nước và nhân dân, học Bác thì phải học cả đời vẫn chưa thể hết. Bản thân Phương là một người bác sĩ, noi gương Bác, Phương luôn cố gắng làm hết trách nhiệm của mình cũng như học cách yêu thương, dành cả cái tâm để chăm sóc bệnh nhân.

Là một bí thư đoàn của Bệnh viện Ung bướu, ngoài công tác chuyên môn, Hà Phương còn là một cây phong trào của đơn vị. Nhiều năm liền Phương luôn tổ chức tốt các hoạt động đoàn thể, tổ chức các đoàn đi khám bệnh tại các vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, bác sĩ Hà Phương còn có nhiều sáng kiến, công trình nghiên cứu để rút ngắn thời gian chẩn đoán bệnh và tiết kiệm chi phí xét nghiệm cho bệnh nhân. Vinh dự lớn của Hà Phương là vừa qua được nhận Giải thưởng Phạm Ngọc Thạch. Với nụ cười luôn nở trên môi, bác sĩ Hà Phương bảo chính những công trình, chuyến đi khám bệnh giúp người dân nghèo đã cho Phương thấy ý nghĩa của cuộc sống và điều Phương nhận được chính là biết mình sống có giá trị trong cuộc đời này.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục