Phụ huynh cần phản ứng thế nào khi con bị xâm hại?

Những ngày qua, hàng loạt vụ việc nghi vấn xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp diễn ra, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một bé gái 8 tuổi sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nghi vấn bị một người đàn ông 34 tuổi xâm hại nhiều lần khi chơi cùng bạn bè trong con hẻm gần nhà; một bé gái 7 tuổi đang học lớp 1 tại TPHCM nghi vấn bị xâm hại ngay trong trường học; một bé gái khác ở Bà Rịa - Vũng Tàu lại nghi bị một ông già thường đưa ra góc cầu thang rồi đụng chạm…

(SGGPO).- Những ngày qua, hàng loạt vụ việc nghi vấn xâm hại tình dục trẻ em liên tiếp diễn ra, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Một bé gái 8 tuổi sống ở quận Hoàng Mai, Hà Nội nghi vấn bị một người đàn ông 34 tuổi xâm hại nhiều lần khi chơi cùng bạn bè trong con hẻm gần nhà; một bé gái 7 tuổi đang học lớp 1 tại TPHCM nghi vấn bị xâm hại ngay trong trường học; một bé gái khác ở Bà Rịa - Vũng Tàu lại nghi bị một ông già thường đưa ra góc cầu thang rồi đụng chạm… 

Tất cả những sự vụ nghi vấn đau lòng đó khiến nhiều gia đình khắp nơi vô cùng bất an, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ ở các khu tập thể, khu chung cư… Không chỉ còn là chuyện xử lý ra sao sau khi các vụ xâm hại trẻ nhỏ bị phát giác, điều tra mà còn là câu chuyện các bậc phụ huynh cần phải trang bị những điều gì để bảo vệ con em mình, từ tâm lý, kỹ năng đến các kiến thức pháp luật.

Phải bảo vệ con từ sớm

“Bị xâm hại tình dục là một tổn hại rất sâu sắc. Nó có thể làm cho một gia đình bị khủng hoảng chứ không riêng gì nạn nhân. Đối với trẻ đây là một điều khó thể quên, khiến trẻ đau đớn dai dẳng, có những tổn thương tâm lý sâu sắc về sau. Đứa trẻ sẽ hoảng sợ, lo lắng, mất niềm tin trước những người khác”, chuyên gia tâm lý TS Nguyễn Thị Bích Hồng – Trưởng khoa Tâm lý học Trường Đại học Sư phạm TPHCM nhận định.

Xâm hại trẻ em để lại những vết thương cả thể xác lẫn tinh thần khó chữa lành. Ảnh minh họa

“Tôi nghĩ là chính bản thân phụ huynh cũng cần được tham vấn tâm lý bởi nhiều người có thể không nhận thức được hậu quả khi ứng xử với con sau khi phát hiện ra sự việc. Và có thể vô tình gây ra những tổn thương sâu sắc hơn, khiến trẻ khó ổn định trở lại. Cho nên việc đầu tiên là bản thân phụ huynh nên đi tham vấn để nhận thức đúng tổn hại mà con đang phải chịu đựng. Qua tham vấn, phụ huynh sẽ được chuyên gia khai thác sâu cho từng trường hợp, hỗ trợ trực tiếp cách ứng xử với con, nên nói gì và nên làm gì cho con bởi mỗi một đứa bé, mỗi độ tuổi lại có những tâm tính, suy nghĩ khác nhau. Dù lo lắng nhưng ba mẹ đừng làm con cảm thấy vấn đề quá nghiêm trọng vì điều đó dễ làm mất đi sự hồn nhiên của con em mình”, TS Bích Hồng nói.

Chuyên gia tâm lý Bích Hồng gợi ý một số địa điểm tư vấn, tham vấn cho phụ huynh, trẻ nhỏ về vấn đề này như: Nhà Văn hóa Phụ nữ TPHCM (tư vấn miễn phí); Phòng Tư vấn Tâm lý, Giáo dục Trẻ Nhà thiếu nhi TPHCM; Phòng Tư vấn Tâm lý trẻ em do Sở Lao động Thương binh và Xã hội quản lý.

Phụ huynh cần phản ứng thế nào khi con bị xâm hại?

- Với những đứa trẻ không nghĩ ngợi nhiều hoặc không thực sự muốn đối diện với sự việc thì phụ huynh không cần nhắc đi nhắc lại chuyện đã xảy ra với bé. Sau khi lắng nghe con, phụ huynh tạm thời không đề cập nữa mà để cho bé ổn định, để vết thương nguôi ngoai dần.

- Với những trẻ có ý thức về sự việc xảy ra rồi tự trách bản thân mình (thường có một số trẻ nghĩ là tại mình không nghe lời ba mẹ bỏ đi chơi, tại vì người lạ rủ đi chơi mà vẫn chịu đi theo…) thì ba mẹ phải làm cho trẻ hiểu rằng trẻ không hề có lỗi gì cả.

- Với những trẻ trách cứ người khác rằng không quan tâm trẻ, để trẻ phải chịu đựng những điều đã xảy ra… thì cũng cần có những trao đổi, chia sẻ nhẹ nhàng với các bé. Phải để trẻ nhìn sự việc một cách bình tĩnh hơn rằng đây là điều không ai muốn xảy ra, ba mẹ đều không muốn, con không muốn nhưng nó đã xảy ra trong cuộc đời của mình rồi nhưng không vấn đề gì cả.

Ba mẹ phải là người giúp cho trẻ khôi phục lại lòng tin để trẻ tiếp tục sống bình an.

Dạy con tự bảo vệ, cách nào?

- Thường xuyên trao đổi với con về những kỹ năng để trẻ biết xử lý những tình huống cần thiết khi nguy cơ bị xâm hại đến với mình. Đặt ra các tình huống giả định để các bé biết phòng tránh.

- Giáo dục con phải cẩn thận khi tiếp xúc với những người có vẻ vồn vã, có vẻ quá thân mật với mình mà không phải ba mẹ và người thân trong nhà mà ba mẹ tin tưởng.

- Dặn con không chơi một mình ở những nơi lạ, tối.

- Hướng dẫn con không cho phép người khác tiếp xúc quần áo, cơ thể của mình. Trong trường hợp bị đụng chạm, hãy chỉ cho con cách “thoát thân” như: không nghe lời, la lên cầu cứu, chạy đến với những người khác, đám đông gần đó…

Trẻ nhỏ vốn không có khả năng tự vệ nên chuyên gia tâm lý Bích Hồng cũng khuyến cáo phụ huynh nên theo sát con em mình bởi những địa điểm tưởng chừng an toàn lại trở thành nơi dễ dàng diễn ra hành vi tội ác. Phụ huynh cần rà soát lại sinh hoạt của con cũng như môi trường con hay lui tới để thẩm định độ an toàn cho con. Ba mẹ chỉ gửi con ở những nơi an toàn, yên tâm, ít nguy cơ xâm hại.

Cần làm gì để thu thập chứng cứ khi phát hiện con bị xâm hại?

Mấy hôm nay, những thông tin bé gái bị xâm hại tình dục tại nhà trường liên tục xuất hiện. Câu chuyện cứ lằng nhằng ở việc tìm ra thủ phạm, việc trường làm mất đoạn camera... khiến gia đình phải tự đối phó tìm ra thủ phạm. Tuy nhiên, nếu ngay từ đầu gia đình kịp thời thu thập chứng cứ thì hiện tại không ai có thể thoái thác trách nhiệm và việc tìm ra thủ phạm cũng dễ dàng hơn. Trong cuốn "25 tình huống pháp lý đời thường", Thạc sĩ Luật Đặng Thị Hàn Ni có một phần nói về cách ứng xử khi phát hiện con mình bị xâm hại:

1. Trách nhiệm của nhà trường: Phải hiểu rõ trong thời gian trường quản lý trẻ, mọi vấn đề xảy ra thì trường là đối tượng phải chịu trách nhiệm. Khi đón con, phải kiểm tra tại chỗ, đừng mang con về rồi mới phát hiện, nhà trường sẽ đổ thừa sự việc xảy ra ngoài trường.

2. Khi đến đón trẻ, nếu thấy dấu hiệu bất ổn, phải yêu cầu nhà trường, mời công an đến lập biên bản ghi nhận hiện trạng, rồi yêu cầu giám định pháp y. Như trường hợp bé ở Thủ Đức có thể yêu cầu công an giám định dấu vân tay trên quần áo trẻ. Những việc này phải làm ngay từ đầu, nếu không các bên chối và dấu tích có nguy cơ bị xóa.

Theo Thạc sĩ Luật Hàn Ni, phụ huynh phải tiến hành ngay các trình tự này, để kịp thời thu thập chứng cứ: “Đừng quá trông chờ vào công an, vì công an cũng không thể làm gì khi việc đã rồi. Giống như vụ nghi vấn "yêu râu xanh" ở Vũng Tàu, nhiều bé gái tố ông lão sờ vùng kín, nhưng không có bằng chứng nên rất khó khởi tố ông. Không thể khởi tố một người chỉ dựa vào lời khai. Trong vụ này nếu người mẹ gọi điện xin tư vấn thì tôi đã hướng dẫn gia đình lắp camera khu vực bé chơi để kịp thời ghi hình và bắt tận tay lão già kia, giao bằng chứng cho công an. Chứng cứ là quan trọng nhất trong vụ án hình sự, chứ không phải lời khai. Lời khai chỉ có giá trị khi phù hợp với chứng cứ”.

Chị cũng chia sẻ thêm, trước hết, phụ huynh nên nhắc nhở con mình đừng đi đến chỗ vắng, đừng đi đâu một mình, chơi trốn tìm xa tầm mắt người thân... Và quan trọng, phụ huynh nên ráng nắm luật, kịp thời thu thập chứng ngay từ đầu nếu nhỡ sự số xảy ra, đừng để việc đã rồi mới kêu cứu. Phải tự bảo vệ con em, thu thập chứng cứ cho mình trước.

Từ năm 2011 đến 2015, Việt Nam có ít nhất 5.300 vụ xâm hại tình dục được ghi nhận. Trong 3 năm gần đây, trung bình mỗi năm có trên 1.000 vụ được ghi nhận, cứ 8 giờ lại có thêm một trẻ bị xâm hại tình dục. Các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này đều khẳng định tình trạng xâm hại tình dục trẻ em trên thực tế cao hơn nhiều so với các số liệu thống kê chính thức.

Tại TPHCM, theo số liệu thống kê ghi nhận từ Chi hội Luật sư Bảo vệ Quyền Trẻ em TPHCM ghi nhận 2 năm qua, có ít nhất 40% số vụ nghi xâm hại tình dục trẻ em không thể đưa ra xét xử vì thiếu chứng cứ, cả trong trường hợp đứa trẻ chỉ mặt rõ đối tượng tình nghi hay kể lại hết sự việc.

* Đường dây nóng trợ giúp trẻ em bị xâm hại:

- Trung tâm công tác xã hội trẻ em: 1900 545559

- Đường dây nóng Quốc gia bảo vệ trẻ em: 1800 1567 (24/24)

- Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM: 1800 9069  


VÕ THẮM

Tin cùng chuyên mục