Lập lại trật tự lòng lề đường trung tâm TPHCM: Xử lý hay quản lý?

Lập lại trật tự lòng lề đường trung tâm TPHCM: Xử lý hay quản lý?

Những ngày qua, động thái cứng rắn của chính quyền quận 1 trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường đã được dư luận đánh giá cao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường có tái diễn như những lần ra quân rầm rộ trước đây rồi đâu lại vào đấy?

Xử lý không vùng cấm

So với những lần ra quân lập lại trật tự lòng lề đường trước đây thì đợt ra quân những ngày qua chính quyền quận 1 xử lý khá kiên quyết, mạnh tay đối với các sai phạm. Kế hoạch triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Ngoài những ngày ra quân do các lực lượng chức năng của quận, phường phối hợp thì buổi kiểm tra vào sáng 20-2, đích thân ông Đoàn Ngọc Hải - Phó Chủ tịch UBND quận 1 phụ trách mảng đô thị - “cầm quân” dọn dẹp lấn chiếm để trả lại đường thông, hè thoáng cho giao thông, người bộ hành. Người dân, dư luận đánh giá cao việc lãnh đạo quận 1 trực tiếp ra hiện trường chỉ đạo xử lý vi phạm không có vùng cấm.

Tháo dỡ công trình chiếm dụng vỉa hè tại quận 1

Không chỉ xử lý cơ quan nhà nước sai phạm để làm gương, lực lượng chức năng của quận 1 còn xử lý quyết liệt tình trạng quán cà phê kinh doanh bày bán lấn chiếm vỉa hè khi được người dân “mật báo”; các quán này, theo người dân phản ánh, là có dấu hiệu được bảo kê… Không dừng lại đó, nhiều ô tô đậu trái phép dưới lòng đường gây cản trở giao thông nhưng chủ xe tỏ ý bất hợp tác, không xuất hiện để lập biên bản, cũng bị các lực lượng chức năng của quận kéo xe về trụ sở để xử lý... Qua kiểm tra, nhiều cơ quan, đơn vị vi phạm bị phạt hành chính đến vài chục triệu đồng.

Mặc dù không ra quân rầm rộ như quận 1, nhưng những ngày qua, quận 3 cũng tổ chức lực lượng kiểm tra lấn chiếm lòng lề đường. Trong ngày 21-2, thông tin chúng tôi được biết, không chỉ ô tô biển số trắng bị lập biên bản xử phạt hành chính mà cả ô tô biển số xanh cũng bị xử lý khi đậu xe không đúng quy định, lấn chiếm lòng lề đường.

Lòng lề đường chỉ dành cho giao thông, cho người bộ hành. Đây là nguyên tắc. Ngay tại các nước gần chúng ta như Nhật Bản, Singapore… thì chính quyền, người dân quản lý, giữ gìn đường phố sạch sẽ, thông thoáng, ngăn nắp và sạch từ ngoài đường sạch vào nhà dân. Thành phố sống tốt chỉ có được khi bắt đầu từ môi trường sống tốt. Trong khi đó, nhìn lại TPHCM thì hầu hết các vỉa hè đều bị chiếm dụng để kinh doanh buôn bán, rất bát nháo. Luật pháp nghiêm minh sẽ không để tình trạng biến cái chung thành cái riêng - nghĩa là lấy vỉa hè của công cộng để hoạt động kinh doanh làm lợi cho cá nhân. Chưa nói hệ lụy của tình trạng này là gây ra kẹt xe, môi trường nhếch nhác. Có ý kiến cho rằng, kinh doanh vỉa hè tại TPHCM bao đời nay đã trở thành loại hình văn hóa trong kinh doanh, kèm theo đó là giải quyết cuộc sống của bao cảnh đời khốn khó. Tuy nhiên, đối với một đô thị phát triển, hướng đến sự văn minh thì loại hình kinh doanh này đã không còn phù hợp. Hoặc nếu có tồn tại cũng phải tổ chức buôn bán theo quy hoạch. Còn câu chuyện mưu sinh của người dân bấy lâu nay trên vỉa hè là bài toán dân sinh, đòi hỏi chính quyền cần thực hiện giải pháp riêng. 

Cần cách làm mới

Nói như vậy để thấy rằng phải trả vỉa hè lại cho đúng chức năng của nó. Chưa nói sắp tới đây, để giảm tình trạng kẹt xe hiện nay ở thành phố, chính quyền TPHCM sẽ phát động công chức, người dân đi bộ đi làm việc, đi học khi cự ly di chuyển thuận lợi. Cho nên, việc quận 1 cho biết sẽ quyết tâm lấy lại toàn bộ vỉa hè cho khách bộ hành được người dân, dư luận đánh giá cao.

Mặc dù vậy, nhìn lại quá trình của chính quyền quận 1 nhiều năm qua giải quyết vấn đề trật tự lòng lề đường thì cách làm không ổn và làm ngược so với các nước. Cụ thể, tại các nước, chính quyền sẽ siết chặt công tác quản lý trật tự lòng lề đường ngay từ khâu quản lý địa bàn bằng các quy hoạch, quy định và thông báo để người dân chấp hành. Theo đó là công tác kiểm tra, xử lý được thực hiện thường xuyên và phạt rất nặng đối với sai phạm. Trong khi đó, qua theo dõi nhiều năm, trong cách giải quyết trật tự lòng lề đường của quận 1 có thể thấy, chính quyền đặt nặng công tác xử lý và ra quân theo từng đợt, trong khi công tác quản lý địa bàn không được xem trọng, nên sau mỗi lần ra quân thì chẳng bao lâu lại đâu vào đấy, lấn chiếm lại tái diễn. Bằng chứng là tại khu phố đi bộ Nguyễn Huệ, trong đợt ra quân đầu tiên, các lực lượng của quận đã lập lại trật tự nơi đây; tuy nhiên những ngày qua, hàng rong và tình trạng chiếm dụng vỉa hè đã tái diễn. Chính vì giải pháp đặt nặng phần ngọn nên chỉ giải quyết được phần ngọn.

Vấn đề trật tự lòng lề đường được đã được chính quyền TPHCM tập trung chỉ đạo giải quyết từ rất nhiều năm nay. Cụ thể đã xây dựng quy chế về quản lý vỉa hè, lòng đường; trong đó, quy hoạch phần nào của vỉa hè cho phép người dân được kinh doanh, để xe, phần nào là của người đi bộ. Tuy nhiên, do công tác quản lý của các địa phương buông lỏng nên đâu lại vào đấy.

Chính quyền kiến tạo là chính quyền biết nghĩ ra giải pháp để đi đến cùng việc xử lý những tồn tại ảnh hưởng trực tiếp hàng ngày đến hoạt động sống của người dân. Bài toán lập lại trật tự vỉa hè tại TPHCM hiện nay phải được thực hiện liên tục, như nhu cầu phải ăn, phải uống hàng ngày, khi ý thức chấp hành pháp luật của người dân chưa cao. Chỉ khi nào luật pháp công bằng, nghiêm minh, người dân mới không dám tái phạm.

Thêm một lần nữa, quận 1 tuyên bố quyết tâm lấy lại toàn bộ vỉa hè cho người đi bộ. Mong rằng ở lần này, chính quyền quận 1 sẽ làm với một tư duy khác. Bằng hành động cụ thể, chính quyền quận, phường chứng minh cho người dân thấy được tính nghiêm minh, công bằng của pháp luật để người dân chấp hành, không dám sai phạm. Làm như vậy cũng là để chính quyền tránh liên tục xung đột với dân khi cứ ra quân từng đợt để xử lý phần ngọn. Quận 1 là bộ mặt của TPHCM nên yêu cầu cao trong việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa những địa phương khác “bình chân như vại”, bởi bất kỳ nơi đâu, người dân cũng cần có một môi trường sống tốt, ngăn nắp, trật tự.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục