Văn hóa giao thông nhìn từ rào chắn

Văn hóa giao thông nhìn từ rào chắn

Việc giải quyết tình trạng xe máy leo lề chạy trên vỉa hè bằng các thanh rào chắn (barie) mà Sở Giao thông Vận tải TPHCM triển khai trên một số vỉa hè khu vực trung tâm TPHCM gây phản ứng trái chiều trong dư luận những ngày qua.

Có luồng ý kiến không đồng tình, cho rằng cơ quan quản lý nhà nước làm như vậy là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến người đi bộ, đặc biệt là đối với người khuyết tật. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến ủng hộ và cho rằng cách làm này cần được thực hiện do ý thức khi tham gia giao thông của người dân quá kém.

Chốt lại, phát biểu tại một cuộc họp mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa nhận định: Ý tưởng lắp đặt barie trên vỉa hè để ngăn tình trạng xe máy leo lề, lưu thông trên vỉa hè là đúng, nhưng ông đề nghị thay đổi cách làm để không ảnh hưởng đến người đi bộ, nhất là người khuyết tật. Cụ thể, thay vì lắp các thanh barie so le thì có thể làm một khoảng hở sát bên trong tường cho người đi xe lăn. Giải pháp này dù không chặn hoàn toàn nhưng vẫn hạn chế được xe máy leo lề. Đồng thời, có thể nâng chiều cao barie ngang thắt lưng. Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa lập luận: “Pháp luật là cho dân. Chúng ta thấy được giải pháp gì làm được cứ làm, trong quá trình làm gặp vấn đề thì tiếp thu, chấn chỉnh. Sợ nhất là không làm gì hết”.

Từ những thanh barie lắp đặt trên vỉa hè mà cơ quan chức năng triển khai đã phản ánh rõ ý thức người dân tham gia giao thông còn quá kém. Bởi, ngay khi những thanh rào chắn được dựng lên nhưng cũng có không ít người vẫn cố leo lề, chạy len lỏi qua các rào chắn ấy mặc dù là đang chở vợ, con nhỏ. Có người đổ lỗi do đường đông, kẹt xe nên buộc phải leo lên vỉa hè chạy. Nhưng quan sát có thể thấy, chỉ cần đường đông hơn bình thường là người dân đã tranh thủ leo lề để được đi nhanh hơn. Văn hóa tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân chưa cao nên hiếm khi bắt gặp xe máy, ô tô nhường nhịn người bộ hành khi băng qua đường, nhất là tại những vị trí kẻ vạch nhưng không phải giao lộ. Đa phần đều trong tâm thế muốn chạy được nhanh hơn. Quan sát thêm các tuyến đường có xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ, như khu vực trước Bệnh viện Ung bướu TPHCM trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh), số người đi bộ qua đường bằng cầu vượt cũng không nhiều, trong khi lượng người băng ngang đường ô tô, xe máy… là vô số kể, không chỉ người dân, bệnh nhân mà ngay cả những bác sĩ, y tá!

Văn hóa giao thông chỉ được hình thành từ những người dân tham gia giao thông có ý thức. Khi người dân đã cố tình sai phạm thì phải xử lý thật nghiêm thì mới có thể thiết lập lại được trật tự.

MAI ANH

Tin cùng chuyên mục