Cháy nổ lại nóng bỏng

Mới chưa hết 2 tháng đầu năm 2017 nhưng cả nước đã xảy ra hàng chục vụ cháy lớn nhỏ khác nhau, từ cháy nhà dân, tàu, xe, cho tới cháy tại khu công nghiệp, nhà máy, làng nghề gây thiệt hại rất nặng nề về người và của.
Cháy nổ lại nóng bỏng

Mới chưa hết 2 tháng đầu năm 2017 nhưng cả nước đã xảy ra hàng chục vụ cháy lớn nhỏ khác nhau, từ cháy nhà dân, tàu, xe, cho tới cháy tại khu công nghiệp, nhà máy, làng nghề gây thiệt hại rất nặng nề về người và của.

 Thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng chỉ riêng trong ngày 15-2, trong hai vụ cháy xảy ra tại Hà Nội, Bình Phước đã có 3 người thiệt mạng, cùng với đó là nhiều tài sản bị thiêu rụi. Còn với nhiều người dân TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tới thời điểm này vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ hỏa hoạn cực lớn xảy ra trước Tết Nguyên đán Đinh Dậu ít ngày tại Cồn Nhất Trí (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang) đã thiêu sạch 70 căn nhà chỉ trong vòng một đêm khiến hơn 400 người lâm vào cảnh “màn trời, chiếu đất”. Nặng nề và nghiêm trọng hơn là vụ hỏa hoạn xảy ra vào đầu tháng 2 tại Nhà máy Sản xuất lắp ráp xe buýt của Công ty CP Ô tô Trường Hải (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã khiến doanh nghiệp này bị đốt mất hàng trăm tỷ đồng. Tệ hơn kể từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới nay, cả nước đã xảy hơn 10 vụ cháy xe khách, xe tải và tàu biển ở nhiều địa phương và hàng loạt vụ cháy nhà dân gây thiệt hại tài sản không hề nhỏ.

Cảnh sát PC&CC TPHCM diễn tập phương án chữa cháy

Trong khi đó, theo Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trong năm 2016 xảy ra hơn 3.000 vụ cháy đã cướp đi tính mạng của 98 người và làm gần 200 người bị thương. Thiệt hại về tài sản từ các vụ cháy trong năm qua là hơn 1.200 tỷ đồng. Đáng nói hơn là mặc dù số vụ cháy chỉ tăng khoảng 7% nhưng số người thiệt mạng lại tới gần 60%, khiến cho người dân và cộng đồng xã hội không khỏi lo lắng, sợ hãi khi hỏa hoạn liên tiếp xảy ra, cướp đi nhiều sinh mạng và tài sản của người dân. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tập trung chủ yếu ở nhà dân, nhà liền kề, khu công nghiệp, chung cư, cơ sở cho thuê mặt bằng kinh doanh.

Nguyên nhân khiến cho tình trạng cháy nổ trở nên báo động chính là ý thức chấp hành các quy định về an toàn phòng chống cháy nổ bị xem nhẹ, chủ quan, thậm chí là buông lỏng đang xảy ra ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực và với không ít người. Vì vậy nên mới có chuyện không ít vụ cháy xảy ra tại các khu công nghiệp, nhà máy rất nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề chỉ vì hệ thống báo cháy và chữa cháy bị tê liệt do không có sự quan tâm đầu tư đúng mức về an toàn lao động và phòng chống cháy nổ. Đối với nhiều khu dân cư, nhà dân, đặc biệt là các chung cư cao tầng, công tác phòng cháy chữa cháy có nhiều bất cập. Phần lớn khu chung cư đều thiếu hệ thống phòng cháy chữa cháy như: bình bọt, đường nước chữa cháy, chuông báo cháy, bể nước phục vụ riêng cho cứu hỏa, thậm chí nhiều nơi cầu thang thoát hiểm còn bị biến thành kho hàng hóa. Cùng với đó là không ít người thiếu ý thức phòng chống cháy nổ, gây ra những mối nguy hiểm cho cả cộng đồng.

Thiệt hại do “bà hỏa” gây ra là rất nghiêm trọng, không chỉ là mất mát lớn về người và tài sản mà còn là những ảnh hưởng nặng nề, lâu dài đối về kinh tế, xã hội. Do đó để ngăn chặn và đẩy lùi được hiểm họa cháy nổ đòi hỏi các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về phòng cháy chữa cháy với trọng tâm là công tác phòng ngừa. Đồng thời cần phải tăng cường kiểm tra xử lý và đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở để nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, quy định về phòng ngừa hỏa hoạn của người dân. Đặc biệt với những trường hợp vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy, có nguy cơ trực tiếp gây ra cháy phải kiên quyết xử lý nghiêm minh, dứt điểm, cũng như làm rõ trách nhiệm cá nhân đưa ra khởi tố, truy tố trước pháp luật… mới mong giảm bớt được thiệt hại do cháy nổ gây ra.

QUỐC LẬP

Tin cùng chuyên mục