Nâng chất lượng cung cấp nước sạch cho người dân

Tiếp cận nước sạch là yêu cầu tối thiểu của một thành phố có chất lượng sống tốt. Tại buổi làm việc với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tuần qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đặt mục tiêu phải nâng cao chất lượng sống của người dân TP qua việc cung cấp nước sạch. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sawaco Trần Văn Khuyên về các vấn đề đặt ra đối với yêu cầu mới.
Nâng chất lượng cung cấp nước sạch cho người dân

Tiếp cận nước sạch là yêu cầu tối thiểu của một thành phố có chất lượng sống tốt. Tại buổi làm việc với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) tuần qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng đặt mục tiêu phải nâng cao chất lượng sống của người dân TP qua việc cung cấp nước sạch. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sawaco Trần Văn Khuyên về các vấn đề đặt ra đối với yêu cầu mới.

5.000 tỷ đồng đầu tư cấp nước trong năm 2017

- PHÓNG VIÊN: Thưa ông, tại buổi làm việc với Sawaco mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã yêu cầu phải nâng cao chất lượng sống người dân TP qua việc cung cấp nước sạch. Với vai trò là Bí thư Đảng ủy, ông nhận thức như thế nào về vấn đề này?

- Ông TRẦN VĂN KHUYÊN: Đảng ủy, Ban Tổng giám đốc Sawaco hiểu rõ lãnh đạo TP cũng như người dân đặt ra những yêu cầu cao hơn đối với ngành cấp nước trong thực hiện nhiệm vụ. Vì vậy, chúng tôi sẽ phải cố gắng nhiều hơn nữa, tạo bước chuyển mạnh mẽ hơn để đáp ứng sự mong đợi đó. Như đồng chí Bí thư Thành ủy đã nói: Sawaco đã hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần X trước 4 năm, Đảng ủy Tổng công ty phải xác định mục tiêu để nâng cao chất lượng cung cấp nước sạch cho người dân TP.

Tuổi trẻ Sawaco hỗ trợ người dân làm thủ tục cấp nước

- Với một đô thị không ngừng phát triển như TPHCM thì tỷ lệ 100% hộ dân TP được tiếp cận nước sạch chỉ có ý nghĩa vào một thời điểm nhất định. Sawaco có dự báo được số hộ dân sẽ phát sinh trong năm 2017 cũng như giải pháp chủ động cung ứng nước sạch đối với lượng dân phát sinh?

- Một đô thị đang trong quá trình đô thị hóa nhanh như TPHCM thì dân số cơ học sẽ biến động gia tăng không ngừng. Chúng tôi nhận thức rõ điều này nên xem việc cấp nước cho người dân sẽ là công việc phải nỗ lực liên tục. Trong năm 2017, Sawaco sẽ tiếp tục đầu tư phát triển mạng cấp 1, 2, 3 với chiều dài 1.126km, dự kiến tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, bằng nhiều nguồn vốn. Tiến tới, Sawaco từng bước thay thế các hình thức cấp nước bằng bồn chứa nước, đồng hồ tổng, nước giếng khoan hợp vệ sinh… bằng nguồn nước máy. Mục tiêu là mỗi hộ dân được sử dụng 1 đồng hồ nước.  

- Không dừng lại mục tiêu cấp đủ nước, lãnh đạo Thành ủy còn yêu cầu chất lượng nước của Sawaco phải uống được tại vòi nhà dân, như các nước tiên tiến hiện nay. Sawaco triển khai kế hoạch này như thế nào?

- Tại các nhà máy của Sawaco, nước uống được ngay tại vòi. Tuy nhiên, do hệ thống mạng lưới cấp nước TP trải qua nhiều thời kỳ (có nơi ống truyền dẫn tuổi đã hơn 40 - 50 năm); đặc thù hệ thống mạng lưới cấp nước của Sawaco từ nguồn đến nơi cung cấp nước sạch có chiều dài đến hơn 60km - như từ Nhà máy nước Thủ Đức về huyện Bình Chánh hoặc từ Nhà máy nước Tân Hiệp về huyện Cần Giờ, cộng với chúng ta đang thiếu các hồ dự trữ nước sạch khu vực giữa nguồn để tăng áp, châm clo (kể cả cho công tác phòng cháy chữa cháy)…, cùng với thói quen người dân thường trữ nước sạch qua hồ xi măng hoặc bình chứa inox (trong đó có nguyên nhân áp lực nước cuối nguồn yếu) dẫn đến việc nước uống tại vòi nhà dân còn hạn chế. Yêu cầu này đòi hỏi Sawaco phải có kế hoạch cụ thể để triển khai đồng bộ, từ vốn đầu tư, hệ thống mạng lưới cấp nước phải được đồng bộ gắn với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của TP cũng phải đồng bộ, ý thức sử dụng nước sạch của người dân ngay tại vòi (sử dụng nước không thông qua việc trữ nước). Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị hữu quan thực hiện tại các khu dân cư mới, điểm du lịch, trường học, bệnh viện…

Giảm giá nước sạch để hạn chế khai thác nước ngầm

- Hiện nay vẫn còn hàng trăm ngàn hộ dân, mặc dù mạng cấp nước đã đến tận nhà, nhưng bà con vẫn sử dụng nguồn nước ngầm ở nhiều nơi được cảnh báo nguồn nước bị ô nhiễm nặng, hoặc sử dụng song song 2 nguồn nước là nước máy và nước giếng khoan. Với trách nhiệm của mình, Sawaco khắc phục tình trạng này như thế nào?

- Sawaco đã rất nỗ lực huy động các nguồn vốn để phát triển nguồn nước, mạng lưới cấp nước để đưa nước sạch đến với dân. Trong 2 năm 2015, 2016, Sawaco đã phát triển mạng lưới, gắn mới hơn 264.000 đồng hồ nước (số lượng bằng 10 năm trước đây cộng lại). Tuy nhiên, nhiều khu vực dù đã phủ mạng cấp nước nhưng người dân vẫn còn khai thác sử dụng nước ngầm hoặc sử dụng song song 2 nguồn nước.

Cụ thể, số khách hàng đã gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng chiếm khoảng 8%, tương đương khoảng 98.000 khách hàng và 12% khách hàng có mức tiêu thụ nước rất ít, từ 1 - 4m³/tháng, tương ứng trên 145.000 khách hàng. Sawaco sẽ tăng cường phối hợp các địa phương vận động người dân sử dụng nước máy, trước mắt là sử dụng cho ăn uống để sức khỏe của người dân được đảm bảo.

Ngoài ra, chúng tôi đã có kiến nghị với TP chấp thuận chủ trương cho tổng công ty nghiên cứu quy định mức phí duy trì đấu nối hàng tháng (tương tự dịch vụ điện thoại). Điều đó đảm bảo hoàn vốn đầu tư ống ngánh, gắn đồng hồ nước cho đơn vị cấp nước và có chi phí để duy trì việc cung cấp nước liên tục, đồng thời đây cũng là yếu tố để khách hàng cân nhắc khi yêu cầu gắn đồng hồ nước trong khi chưa có nhu cầu thực sự. Đồng thời, Sawaco kiến nghị TP cho phép được thỏa thuận giá nước sạch bằng cơ chế linh hoạt với các khách hàng lớn mua sỉ nước sạch, theo nguyên tắc giá nước giảm tương ứng với tốc độ giảm khai thác nước ngầm, tăng sử dụng nước sạch trong thời gian đầu chuyển đổi nguồn nước.

- Vấn đề lớn, bao trùm là an ninh nguồn nước. Ngành cấp nước sẽ triển khai những giải pháp gì để việc cấp nước sạch cho hơn 10 triệu dân TP được ổn định, liên tục?  

- Biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước sông Đồng Nai và sông Sài Gòn. Từ tình hình trên, Sawaco sẽ chủ động phối hợp các sở ngành chức năng của TP nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch cấp nước TPHCM giai đoạn dài hơn, đến năm 2030 và tầm nhìn 2050 phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, trong đó bổ sung các hạng mục tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, các công trình đảm bảo an toàn cấp nước như hồ chứa dự trữ, hồ dự trữ nước thô, các trạm phân phối trên mạng… Cụ thể, Sawaco sẽ đầu tư các bể chứa phân phối nước sạch tại 7 thủy đài cũ và tại khu vực Công viên Gia Định (hoặc tại vị trí dự phòng Công viên Văn hóa quận Gò Vấp). Các vị trí bể chứa còn lại sẽ được thực hiện theo quy hoạch đang được Sawaco điều chỉnh trong thời gian sắp tới. Chúng tôi cũng sẽ ưu tiên giữ lại một số trạm giếng lẻ, chuyển sang chế độ dự phòng để đảm bảo khả năng cấp nước khẩn cấp khi cần thiết… Ngoài ra, trước mắt để tăng nguồn dự phòng nước sạch, Sawaco đã chủ động thực hiện 2 hồ chứa nước sạch 180.000m3 tại 2 nhà máy nước Thủ Đức và Tân Hiệp, tiếp tục khảo sát triển khai bể chứa khu vực huyện Bình Chánh - nơi cuối nguồn.

Bài vở cho chuyên trang “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt” xin gửi về email: thanhphosongtot@sggp.org.vn hoặc địa chỉ 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM (xin ghi rõ: Bài tham gia chương trình “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt”). Chúng tôi sẽ chọn lọc, biên tập và lần lượt đăng tải các bài viết có chất lượng trên chuyên trang ra thứ năm hàng tuần.


VÂN ANH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục