Ngân sách chi trả lớn, hiệu quả chưa tương xứng

Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP) đã được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 13-1, tại Hà Nội.

Chính sách với người hưởng lương từ ngân sách ở vùng đặc biệt khó khăn

Phiên giải trình về tình hình thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (theo Nghị định 116/2010/NĐ-CP) đã được Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 13-1, tại Hà Nội.

Chưa thống nhất về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Báo cáo về vấn đề này do Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành trình bày tại phiên họp cho biết, qua nghiên cứu báo cáo của các cơ quan có liên quan và khảo sát trực tiếp tại 10 tỉnh đại diện cho các khu vực, địa bàn, Hội đồng Dân tộc nhận định, Nghị định 116 là chính sách, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đã được các địa phương chủ động, tích cực triển khai thực hiện. Đặc biệt, 2 ngành giáo dục và y tế với sự ưu đãi phụ cấp ngành, phụ cấp khu vực và chính sách thu hút đã tạo điều kiện từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và cán bộ y tế kéo dài trong nhiều năm. Như các xã đặc biệt khó khăn của huyện An Phú (tỉnh An Giang) không có bác sĩ, nhưng sau khi thực hiện Nghị định 116 đã có 6/7 xã thuộc diện này có bác sĩ…

“Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định 116 cũng đã phát sinh nhiều hạn chế, trong đó nổi lên vấn đề thiếu tính thống nhất về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng ngay trong nghị định này”, ông Nguyễn Lâm Thành cho biết. Nghị định 116 cũng quy định đối tượng thụ hưởng bao trùm lên rất nhiều đối tượng đã được quy định bởi các chính sách trước đó, nhưng không bãi bỏ các chính sách trước hoặc không hướng dẫn cụ thể nên việc chi trả khác nhau, có nơi chi trả cùng lúc nhiều chính sách cho một đối tượng, có nơi lại chỉ thực hiện một chính sách. 

Do quy định không rõ ràng như vậy, dẫn đến một số xã thuộc diện xã thực hiện Chương trình 135, xã an toàn khu, xã khu vực I, khu vực II nhưng không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn vẫn được thụ hưởng theo Nghị định 116, kéo theo ngân sách chi trả hàng năm quá lớn. Một số địa bàn chi sai đối tượng đã được xác định, tuy Bộ Tài chính đã có chỉ đạo không thu hồi, nhưng công tác rà soát, điều chỉnh và giải quyết, xử lý hậu quả vẫn chưa được thực hiện kịp thời (như Thái Nguyên, Lạng Sơn, Lâm Đồng, Kon Tum, Quảng Ngãi, Phú Yên…). “Theo kết quả khảo sát, trợ cấp thu hút chỉ tập trung cho một số ít đối tượng, một đối tượng được hưởng nhiều chính sách như phụ cấp ngành, phụ cấp địa bàn, phụ cấp 116… Nếu tính bình quân các chính sách chi cho cộng đồng thì chưa bằng chi cho nhóm nhỏ này”, ông Nguyễn Lâm Thành phát biểu.

Cần quy định mới về đối tượng thụ hưởng

Chất vấn tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sĩ Lợi, nêu: “Đề nghị các cơ quan Nhà nước giải thích về trách nhiệm của mình. Khi ban hành Nghị định 116, việc đánh giá tác động và xác định nguồn chi có được làm nghiêm túc hay không. Bộ Tài chính nói cả trong Nghị định 116 và Thông tư 08 đều có bất cập. Vậy văn bản này ra thì trách nhiệm thuộc bộ nào để rút kinh nghiệm?”.
Phản hồi giải trình của Bộ LĐTB-XH cho rằng nghị định không quy định trách nhiệm hướng dẫn của bộ này, ông Bùi Sỹ Lợi bày tỏ không đồng tình: “Nói thế thì xong mà tôi chưa thấy xuôi. Vậy các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển là đối tượng được hưởng ưu đãi của Nghị định 116 thì ai đề xuất?”. Ông Bùi Sỹ Lợi còn nhấn mạnh yêu cầu làm rõ “tiền chi không đúng đối tượng thì ai sai. Thất thoát, gây dư luận không tốt thì ai chịu trách nhiệm để trả lời với dân”. ĐBQH Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) cũng đề nghị Bộ Tài chính làm rõ tổng kinh phí chi trả cho các đối tượng trùng lặp trong 5 năm qua là bao nhiêu, việc thu hồi khoản chi trả không đúng thế nào. Với Bộ Nội vụ, dù biết có sự hạn chế, bất cập nhưng nhiều năm qua chưa kiểm tra, giám sát, khắc phục thì trách nhiệm của bộ ra sao...

Tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà thừa nhận, cả Nghị định 116 và Thông tư 08 hướng dẫn thực hiện nghị định này “có lỗ hổng về thời điểm thanh toán phụ cấp thu hút, nên các địa phương thực hiện khác nhau: có nơi trả một lần ngay khi nhân sự đến, có địa phương 3 - 5 năm sau mới trả”. Bộ Tài chính đề nghị sửa Thông tư 08. Tuy nhiên, Bộ Tài chính không thể yêu cầu buộc cán bộ phải ở đó 3 - 5 năm sau mới chi trả, việc này cần các bộ liên quan hướng dẫn cụ thể.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết sẽ đề nghị Chính phủ ban hành một nghị định mới về vấn đề này thay thế các nghị định hiện hành để tránh sự chồng chéo, không thống nhất, tạo sự bất bình đẳng giữa các đối tượng được thụ hưởng. Bộ Nội vụ cũng đề nghị Chính phủ giao Bộ LĐTB-XH trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; xin ý kiến Chính phủ không áp dụng Nghị định 116 đối với cán bộ công chức, viên chức công tác tại các xã không phải là đặc biệt khó khăn thuộc các huyện nghèo… 
 

 Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, Nghị định 116/2010/NĐ-CP đã quy định 7 chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, gồm: phụ cấp thu hút mức 70% tiền lương hàng tháng; phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; trợ cấp lần đầu và trợ cấp chuyển vùng; trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt, sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng hoặc nghỉ hưu; thanh toán tiền tàu xe; trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.

ANH THƯ

Tin cùng chuyên mục