Xây dựng hạt nhân giá trị văn hóa gia đình

Giá trị văn hóa gia đình trước những thách thức
Xây dựng hạt nhân giá trị văn hóa gia đình

Mỗi địa phương, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, tổ chức phải là một môi trường văn hóa lành mạnh, gắn với xây dựng gia đình đạt các tiêu chí văn hóa, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách lối sống. Đưa nội dung giáo dục đạo đức con người, đạo đức công dân vào các hoạt động giáo dục của xã hội cũng là góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt.

Lễ dâng cúng bánh tét tại Đền tưởng niệm các Vua Hùng ở TPHCM là lễ hội văn hóa góp phần giáo dục truyền thống dân tộc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giá trị văn hóa gia đình trước những thách thức

Trong 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới (1986-2016), TPHCM đã đạt được những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nhất là có nhiều chuyển biến về “xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng “làng văn hóa”, “khu phố, ấp văn hóa” và xây dựng những giá trị, chuẩn mực “gia đình văn hóa” trong đời sống đô thị. Hội nhập quốc tế không những ảnh hưởng đến hoạt động của văn hóa ở cơ sở mà còn tác động đến giá trị văn hóa gia đình Việt Nam với nhiều cơ hội lẫn thách thức. Cụ thể là áp lực về thời gian, việc làm, năng suất, chất lượng sản phẩm, thu nhập, các điều kiện về y tế, giáo dục, an sinh xã hội và thụ hưởng về văn hóa, tinh thần. Đặc biệt là những hộ gia đình công nhân, lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các doanh nghiệp đóng trên địa bàn TPHCM, do yêu cầu tăng ca để sản xuất và làm dịch vụ nên thời gian rất hạn hẹp dành cho sinh hoạt gia đình, chăm sóc con cái rất khó khăn… Tất cả những thách thức này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và những giá trị, chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng.

Mặc dù trong bối cảnh hiện nay, gia đình Việt Nam có nhiều điều kiện phát triển kinh tế, giao lưu hội nhập với các nền kinh tế tiên tiến, văn minh của các nước, song ở một khía cạnh nào đó sự hội nhập đã phá vỡ nề nếp gia phong, đạo đức truyền thống gia đình. Tình trạng ly hôn, ly thân, sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, quan hệ tình dục trước hôn nhân và nạn nạo phá thai ngày một tăng; nhiều tệ nạn xã hội như mại dâm, ma túy, HIV/AIDS… đã và đang xâm nhập vào các gia đình. Mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống và vấn đề chăm sóc người cao tuổi đang đặt ra những thách thức mới. Tình trạng bạo lực gia đình có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ đến mức báo động.

Xây dựng văn hóa gia đình góp phần xây dựng “thành phố sống tốt”

Trong những năm qua, TPHCM đã thực hiện tốt chủ trương, chiến lược phát triển gia đình Việt Nam, nhằm xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người; phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Các cấp, các ngành, các đơn vị, cơ quan và phường, xã trên địa bàn TP đã triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần IX về mục tiêu phát triển văn hóa của TP theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của nhân dân TP...

Sự nghiệp văn hóa nghệ thuật cũng có bước phát triển vượt bậc nhờ tăng cường đầu tư khâu sáng tạo, nghiên cứu, đào tạo… Nhiều tác phẩm văn hóa, công trình văn hóa nghệ thuật có chất lượng ra đời, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao và đa dạng của nhân dân; đồng thời, góp phần nâng cao trình độ dân trí và văn hóa của người dân TP. Một số lĩnh vực trước đây chưa phát triển nay đã có dấu hiệu khởi sắc như cải lương, hát bội, các câu lạc bộ văn hóa - nghệ thuật từng bước được định hình và phát triển góp phần làm phong phú giá trị văn hóa gia đình. Công tác tổ chức lễ hội và các hoạt động kỷ niệm được tổ chức đa dạng, đầy màu sắc nhưng vẫn đảm bảo phục vụ tốt yêu cầu nhiệm vụ chính trị, đậm đà bản sắc dân tộc, mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc.

Để phát huy giá trị văn hóa gia đình, góp phần xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Chính phủ về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa gia đình, cũng như Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình và các luật khác có liên quan đến gia đình. Cùng với đó, phát huy giá trị văn hóa và vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người Việt Nam hoàn thiện nhân cách.

Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo. Gia đình là nền tảng của xã hội, là điểm tựa tinh thần quan trọng cho mỗi người trên các mặt đời sống xã hội. Vì vậy, để giữ gìn các giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình Việt Nam trong giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế hiện nay cần xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ góp phần xây dựng đất nước Việt Nam văn minh, hiện đại.

TS TRẦN VĂN THẬN
Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM

Tin cùng chuyên mục