Sở, ngành nào ì ạch sẽ bị “tuýt còi”

“Chẳng nói đâu xa, đơn cử trường hợp của tôi. Tôi tự đi làm thủ tục xây nhà và tôi bị “hành” lên bờ xuống ruộng. “Hành là… chính”, bây giờ tôi mới thấm thía, mới cảm nhận được điều người dân kêu ca như vậy”, ông Phạm Văn Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cảm thán trong buổi báo cáo chuyên đề “Xây dựng bộ tiêu chí TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.
Sở, ngành nào ì ạch sẽ bị “tuýt còi”

“Chẳng nói đâu xa, đơn cử trường hợp của tôi. Tôi tự đi làm thủ tục xây nhà và tôi bị “hành” lên bờ xuống ruộng. “Hành là… chính”, bây giờ tôi mới thấm thía, mới cảm nhận được điều người dân kêu ca như vậy”, ông Phạm Văn Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, cảm thán trong buổi báo cáo chuyên đề “Xây dựng bộ tiêu chí TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Tham dự có các đơn vị thuộc khối thi đua 5; Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM báo cáo.

Cán bộ “hành” dân, làm sao “sống tốt” (?!)

Dẫn chứng câu chuyện của mình chính là ông Phạm Văn Hải đề cập đến một góc cạnh trong xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt: chất lượng phục vụ của cán bộ. Ông kể, ông vừa làm thủ tục xây nhà. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ hẹn 20 ngày làm việc. 20 ngày sau, ông Hải đi tới, cán bộ trả lời: “Bản vẽ nhà anh thiếu hệ thông phun nước”. Ông Hải hỏi: “Ủa, sao trong hướng dẫn, quy định không có?”. “Ờ, quy định không có nhưng ở đây là vậy, nếu anh muốn duyệt hồ sơ này thì phải có”. “Nhưng sao ban đầu không nói luôn?”. “Trước cứ tưởng đầy đủ rồi, nhưng đi sâu vào chi tiết thì thiếu”. Ông Hải ra về, vẽ lại, mang lên nộp lần 2. Cán bộ lại cắc cớ: “Nhà anh sao lại cất lùi về phía sau mà không cất trên nền cũ”. “Sao cất như cũ được, nhà tôi vướng lộ giới, nếu tôi cất thì nhà phạm ra ngoài đường rồi”, ông Hải giải thích và hỏi: “Tại sao lúc trước không hướng dẫn luôn?”. “Hồi trước người khác tiếp nhận hồ sơ, nay tôi trực tôi phát hiện ra điều này”, vị cán bộ thủng thẳng nói.

“Thế đó! Vô cảm không cơ chứ! Tôi muốn nổi điên lên. Rồi cán bộ lại nhận xét rằng hồ sơ chưa đủ, vì tôi phải chứng minh nguồn gốc đất của tôi. Tôi hỏi chứng minh làm chi vậy thì được biết là để xem áp thuế thời điểm có đúng không? Tôi lại mang hồ sơ về”, ông Hải buồn bực. Ông Phạm Văn Hải cho biết, ông không nhờ vả ai mà tự mình đi, tự cảm nhận xem việc cải cách hành chính, phục vụ dân đến đâu. Ông cũng kiên quyết không bỏ phong bì, xem cán bộ hành xử thế nào? Và ông rút ra một điều, các quy định đều được đăng tải công khai trên website, khá đơn giản. Nhưng trong thực tế thì phức tạp lắm, không như những gì hướng dẫn trên website. “Tôi muốn đặt ra câu hỏi về tính khả thi của việc thực hiện các tiêu chí TPHCM có chất lượng sống tốt? Cuối cùng ai thực hiện? Chính người dân và hệ thống điều hành của Nhà nước. Nhưng bộ máy công quyền của mình thì sao?”, ông Phạm Văn Hải băn khoăn.

Những chia sẻ của ông Phạm Văn Hải đã nhận được sự đồng cảm của các đại biểu tham dự. Nhiều đại biểu cũng kể câu chuyện của mình bị “hành” ra sao khi tự đi làm hồ sơ giấy tờ mà không dựa vào quan hệ hay tiền tệ. Ông Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, thừa nhận sự phục vụ người dân của cán bộ ở nhiều nơi, nhiều lúc rất chưa tốt. Về tính khả thi trong thực hiện các chỉ tiêu, ông Trần Anh Tuấn cho biết, bộ tiêu chí (gồm bộ tiêu chí cấp 1 - cấp TP và bộ tiêu chí cấp 2 - cấp ngành, lĩnh vực, địa phương) sẽ gắn chặt với trách nhiệm của các sở, ngành liên quan thực hiện. Các cấp có thẩm quyền sẽ theo dõi, giám sát cụ thể việc thực hiện xem có chuyển biến như thế nào. Nếu tiêu chí nào chuyển biến chậm - chẳng hạn như lĩnh vực nhà đất, lĩnh vực nào vẫn còn sự kêu ca, phàn nàn của người dân tức là việc xây dựng “chất lượng sống tốt” chưa được cải thiện. Ngay lập tức, cấp có thẩm quyền sẽ cảnh báo để cơ quan ban ngành liên quan đến tiêu chí đó phải có giải pháp khắc phục.

Cung cấp hình ảnh TPHCM sẽ đi đến đâu, đạt được cái gì

Thạc sĩ Lê Văn Thành, Trưởng phòng Nghiên cứu văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, cho biết thời gian qua, nhiều người đặt ra câu hỏi “Muốn xây dựng TPHCM như thế nào?” thì chưa ai trả lời được. Như Bangkok (Thái Lan), như Singapore (Singapore) chăng; đều không được, vì đặc thù của Việt Nam nói chung, của TPHCM nói riêng rất khác. Vì thế, đến nay, theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Thành, vẫn chưa có điều kiện hình dung ra TPHCM sẽ như thế nào trong tương lai. Chính vì thế, xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt sẽ cung cấp hình ảnh “TP sẽ đi đến đâu, đạt được cái gì”. Và đó là ý tưởng chiến lược, tầm nhìn cho phát triển đô thị.

Gia đình anh Phạm Xuân Minh trong căn hộ khang trang mua theo diện nhà ở xã hội. Ảnh: VIỆT DŨNG

Khái niệm “thành phố sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” của TPHCM được phác thảo như sau: TPHCM là TP sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình trong đó tất cả mọi người: 1- Có cuộc sống đầy đủ, không bị đói nghèo; có cơ hội được đào tạo nghề nghiệp phù hợp để nâng cao năng lực cá nhân cũng như năng lực cạnh tranh chung của TP, có cơ hội bình đẳng trong tham gia thị trường lao động và tiếp cận với việc làm tốt. 2- Được tiếp cận công bằng với tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng bền vững và hiện đại, các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, an sinh xã hội, nhà ở, nước sạch, vệ sinh và những dịch vụ xã hội cơ bản khác hiện đại, có chất lượng, phù hợp để đảm bảo thể lực, trí lực và phúc lợi xã hội. 3- Được sống trong môi trường an toàn về môi sinh và an ninh; có khả năng chống đỡ và phục hồi đối với những cú sốc về thiên tai, sức khỏe và tài chính. 4- Được sống trong xã hội pháp quyền, coi trọng công lý và quyền con người, coi trọng sự bình bẳng và không phân biệt đối xử (về giới tính, tôn giáo, sắc tộc, chính kiến, tình trạng di cư…), có văn hóa và tôn trọng bản sắc văn hóa, có sự gắn kết cộng đồng, hỗ trợ tương trợ lẫn nhau, phát huy nội lực và sức mạnh cộng đồng. 5- TP được điều hành bởi hệ thống quản trị nhà nước hiệu quả, công khai, minh bạch, hiện đại, trong đó người dân có quyền thể hiện tiếng nói và đóng góp ý kiến vào việc kiến tạo cộng đồng nơi họ sinh sống nói riêng và TP nói chung.

Khái niệm đó (sau khi được tham vấn nhiều bên và đồng ý của TP - PV) sẽ được coi là tinh thần xuyên suốt của bộ tiêu chí, là kim chỉ nam cho việc lựa chọn các chiều cạnh, chỉ số và tiêu chí cụ thể. Trong đó, khía cạnh “văn minh, hiện đại, nghĩa tình” là những yếu tố xuyên suốt, hàm chứa trong khía cạnh “sống tốt”, song được TP đặt riêng ra để nhấn mạnh, đặc biệt là yếu tố “nghĩa tình”.

Về lộ trình thực hiện, quy trình xây dựng bộ tiêu chí qua nhiều giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 (đến tháng 3-2017), xây dựng bộ tiêu chí cấp 1. Giai đoạn 2 (từ quý 2-2017 đến cuối năm 2018), tiến hành xây dựng bộ tiêu chí cấp 2. Sau  đó, hai bộ tiêu chí cấp 1 và cấp 2 sẽ được tổng hợp thành bộ tiêu chí chung, xuyên suốt từ TP xuống cơ sở và tới người dân.

Một số mô hình đang triển khai, thử nghiệm ở Việt Nam

Rất nhiều mô hình TP đang được xây dựng, thử nghiệm và triển khai. Ở cấp quốc gia, Hiệp hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam phối hợp với Công ty Jungdo UIT Company (Hàn Quốc) và KOICA đang triển khai xây dựng đề cương tổng thể cho mô hình TP thông minh ở Việt Nam và tiến hành thử nghiệm tại Thái Nguyên (huyện Yên Bình). Bộ Xây dựng với sự hỗ trợ của KOICA cũng đang xây dựng Đề án tổng thể TP Xanh của Việt Nam.

Ở cấp địa phương, các mô hình rất đa dạng. Ngay tại một tỉnh, thành có thể tồn tại một số mô hình phát triển đô thị đang được triển khai hoặc thử nghiệm. Tại Đà Nẵng, mô hình TP Eco2 (tập trung vào chính phủ điện tử), TP thông minh (đảm bảo chất lượng nước, cải thiện giao thông và ùn tắc giao thông) đã được triển khai một số năm và thu được những kết quả tích cực. Mô hình TP thông minh cũng được thực hiện và xây dựng ở Biên Hòa, Đà Lạt, Hạ Long, Hà Tĩnh, Huế, Lào Cai, Mỹ Tho, Nha Trang, Thanh Hóa và Vinh. Năm 2015, Hà Nội đã xây dựng Dự án TP thông minh. Ngay tại TPHCM, song song với xây dựng Bộ tiêu chí TP sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, TP cũng đang có định hướng “thông minh” và tham khảo mô hình TP thịnh vượng (UN-HABITAT).

Một điều dễ nhận thấy, mặc dù có nhiều mô hình nhưng hầu hết vẫn ở giai đoạn nghiên cứu, xây dựng và thử nghiệm. Các mô hình hầu như tập trung vào một số mảng đơn ngành như môi trường, công nghệ thông tin. Chưa có một mô hình mang tính tổng thể, toàn diện, thể hiện sự liên kết, hỗ trợ hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực khác nhau. Do vậy, định hướng xây dựng một mô hình đô thị tổng thể ở TPHCM là “có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” có thể được coi là ý tưởng tiên phong. Bước tiên phong của TPHCM hoàn toàn phù hợp để tích hợp các khía cạnh khác nhau, phản ánh được định hướng phát triển toàn diện các mặt của TP. Đồng thời, tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trên toàn quốc và tiến tới vị trí hàng đầu trong khu vực về phát triển kinh tế, xã hội và môi trường thịnh vượng, bền vững, có sức chống chịu và phục hồi.

Lấy ý kiến trực tuyến người dân về bộ tiêu chí

Việc xây dựng bộ tiêu chí TPHCM có chất lượng sống tốt có lộ trình khoảng 1 năm với khoảng 50 - 60 tiêu chí ở tất cả các lĩnh vực, vừa có tính bao quát, vừa mang tính tiêu biểu. Hai yêu cầu chính của bộ tiêu chí là: Phải thể hiện được mục tiêu để phấn đấu, thể hiện được triết lý phát triển của TP; vừa xuất phát từ thực tiễn đặc thù của TP, vừa phải đặt trong sự tương thích với hệ thống đánh giá của thế giới. Xây dựng bộ tiêu chí là một quá trình công phu. Quá trình xây dựng bộ tiêu chí, TP sẽ thu thập ý kiến chuyên gia trong và ngoài nước, lấy ý kiến trực tuyến người dân qua các tờ báo điện tử, website…

ĐƯỜNG LOAN - VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục