Xây dựng nhà ở xã hội: Vốn thiếu, thủ tục nhiêu khê...

Ngày 28-9, Sở Xây dựng TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm tìm kiếm giải pháp, thực hiện định hướng đến năm 2020, TPHCM phải xây dựng hoàn thành ít nhất 50.000 căn nhà ở xã hội (NƠXH) nhằm phục vụ vấn đề an sinh xã hội của TPHCM.

Ngày 28-9, Sở Xây dựng TPHCM đã tổ chức buổi tọa đàm nhằm tìm kiếm giải pháp, thực hiện định hướng đến năm 2020, TPHCM phải xây dựng hoàn thành ít nhất 50.000 căn nhà ở xã hội (NƠXH) nhằm phục vụ vấn đề an sinh xã hội của TPHCM.

Đích nhắm 50.000 căn hộ

Theo bà Vũ Thị Khuyên, Phó phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản, Sở Xây dựng TPHCM, từ năm 2006 đến nay, thành phố đã chấp thuận đầu tư xây dựng 51 dự án NƠXH với tổng số gần 50.000 căn hộ, tuy nhiên kết quả rất hạn chế. Chỉ có 12 dự án đã hoàn thành với tổng cộng 3.768 căn hộ, điểm sáng nhất trong việc phát triển NƠXH đó là xã hội hóa. Cụ thể, đã duyệt mua 7.567 căn; gói 30.000 tỷ đồng đã cho 10.749 khách hàng vay mua nhà.

Nhìn chung, lực cản lớn nhất đến từ cơ chế chính sách. Thành phố chưa có cơ chế, chính sách, giải pháp khả thi về vốn, quỹ đất; chưa bố trí quỹ đất cho phát triển NƠXH trong việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất… Đặc biệt, chưa có tổ chức chuyên trách của nhà nước tham gia đầu tư xây dựng và quản lý trực tiếp quỹ NƠXH, nên việc tổ chức quản lý chưa được tập trung và hiệu quả.

Công bố của Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM về kết quả điều tra, tổng hợp nhu cầu mua, thuê NƠXH trong giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy nhu cầu về nhà ở rất lớn. Nhu cầu mua nhà trả góp chiếm tỷ lệ từ 65% - 94%, giá thuê mua từ 2 - 4 triệu đồng/tháng. Về quy mô căn hộ từ 25 - 40m², thuộc nhóm lao động khu công nghiệp và hộ nghèo - cận nghèo; nhóm diện tích từ 40 - 60m²/căn chiếm 40,5% trong tổng nhu cầu, cao nhất trong các nhóm diện tích… Về khả năng tài chính, số tiền tích lũy bình quân chung hàng tháng của tất cả 6 đối tượng được mua NƠXH là 3,5 triệu đồng/người/tháng; trả góp, chiếm tỷ lệ nhiều nhất là trả từ 2 - 4 triệu đồng/tháng. Đối với vay vốn, có đến 43,2% có nguyện vọng, số tiền vay bình quân 355 triệu đồng/người, thời gian từ 10 - 15 năm.

Nhu cầu lớn như vậy nhưng theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, đến năm 2020 triển khai đầu tư xây dựng 39 dự án NƠXH với quy mô 44.701 căn hộ, như kế hoạch đề ra đã là “điều kỳ diệu”. Hiện đã có 8 dự án đã khởi công; 12 dự án đã chấp thuận đầu tư; 19 dự án đã công nhận chủ đầu tư, chủ trương đầu tư.

Quên nhà ở xã hội?

Buổi hội thảo đã nóng lên với hàng loạt ý kiến từ các doanh nghiệp (DN). Là DN đã đầu tư NƠXH tại 8 tỉnh, thành phía Nam, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP địa ốc Hoàng Quân, đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt vướng mắc, đặc biệt là nhận xét “TPHCM chậm nhiều so với các tỉnh”. Cụ thể, tại các địa phương, kể cả “đất vàng”, các thủ tục hành chính được giải quyết nhanh chóng, còn tại TPHCM, dự án NƠXH tại phường Bình Trưng Đông, quận 2, hai năm qua chưa xong thủ tục. Về tiền sử dụng đất, các tỉnh miễn ngay lập tức, còn TPHCM hoàn thuế rất chậm, ví dụ dự án HQ Plaza, Bình Chánh, đã giao nhà cho cư dân và tháng 10 tới hoàn tất dự án, nhưng chưa được hoàn thuế. “Thành phố nên giao hẳn Sở Xây dựng làm một đầu mối, còn nếu DN đi nộp lòng vòng nhiều cơ quan như hiện nay, hai năm vẫn không xong thủ tục”, ông Tuấn nói. Việc vay vốn cũng tương tự, cho đến nay gói 30.000 tỷ đồng tiếp tục bế tắc, vì chỉ giải ngân cho đến cuối năm nay. Công ty gửi hồ sơ lên Ngân hàng chính sách xã hội xin vay vốn nhưng không có phản hồi. Ngay lập tức ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Phát triển thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, lên tiếng phản hồi: “Quy định ngân hàng này từ nay đến năm 2020 chỉ cho hộ cá nhân vay, chưa cho DN vay. Riêng gói 30.000 tỷ đồng, nói cho tròn là thế chứ Chính phủ ấn định là cung cấp từ 20.000 - 40.000 tỷ đồng, đã bố trí 32.000 tỷ và cho vay lên 28.000 tỷ đồng. Hiện nay khó khăn là chưa có nguồn vốn kế tục gói 30.000 tỷ đồng”. Bộ Xây dựng chuẩn bị có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ sửa các quyết định trước đây để bổ sung vốn trung hạn cho NƠXH, vì nguồn vốn trung hạn trước đó không có NƠXH.

Một dự án NƠXH khác do Tổng Công ty Xây dựng số 1 làm chủ đầu tư tại Gò Vấp, đến nay 2 năm trôi qua vẫn chưa xong thủ tục hành chính. Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Ban quản lý dự án cho biết, năm 2014 công ty khởi động dự án, tính toán vay gói 30.000 tỷ đồng lãi suất 5%/năm, lãi định mức nhà nước cho chủ đầu tư 10%. Tuy nhiên tới nay hồ sơ chưa xong, gói 30.000 tỷ đồng hết hạn, nếu vay thương mại lên 8%/năm, cộng với trượt giá xây dựng, coi như lãi chẳng còn bao nhiêu.

Chỉ tiêu dân số trong dự án NƠXH cũng là vấn đề tranh luận gay gắt giữa Công ty Địa ốc Lê Thành và lãnh đạo Sở Xây dựng. Theo đó, tại quận Bình Tân, công ty có một dự án chuyển từ nhà ở thương mại sang NƠXH, xin tăng dân số lên 900 người, làm căn hộ cho thuê. Quận bắt buộc chủ đầu tư phải đóng tiền vì tăng dân số, còn công ty thì nói NƠXH theo quy định của pháp luật còn được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT… sao lại bắt nộp tiền tăng dân số? Sau hồi tranh cãi, công ty chấp nhận nộp 11 tỷ đồng tiền tăng dân số để xây... nhà trẻ. Lãnh đạo Sở Xây dựng giải thích, việc xin tăng dân số là TP cho phép quận 2 và quận Bình Tân làm thí điểm, thu kinh phí bù đắp vào hạ tầng cho địa phương. Tất cả dự án NƠXH phải đáp ứng tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật, xã hội chứ không thể coi NƠXH sẽ theo quy chuẩn thấp. Vẫn chưa chấp thuận với lý giải này, công ty Lê Thành đưa ra so sánh: “Tại sao căn hộ officetel trong các dự án chung cư thương mại cho thuê 49 năm không bị tính dân số, còn NƠXH cũng cho thuê thì lại áp chỉ tiêu dân số?”.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận xét, Chính phủ quyết liệt nhưng chưa chạy, Thủ tướng có văn bản yêu cầu bố trí vốn cho NƠXH nhưng đến nay vẫn nằm trên giấy, hiện ba bộ tranh cãi nhau. Bộ Tài chính thì nói rằng không ưu đãi, Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng nên bố trí nguồn vốn ngoài ngân sách, Bộ Xây dựng phản bác hai bộ trên. Theo hiệp hội, nhu cầu NƠXH trong dân rất lớn, phải cấp thiết bố trí nguồn vốn vay tiếp tục cho gói 30.000 tỷ đồng cho những người nhận nhà sang năm 2017, bố trí vốn vay phát triển NƠXH. Một số ý kiến còn dẫn lại các văn bản pháp luật, khẳng định TPHCM được hỗ trợ một phần kinh phí phát triển NƠXH; đối với các dự án nhà ở có diện tích 10ha trở lại, nếu chủ đầu tư chọn nộp kinh phí đối với quỹ đất xây dựng NƠXH, TP được dùng kinh phí này để đầu tư xây dựng NƠXH, không hòa vào ngân sách chung, đó là bắt buộc chứ không phải khuyến khích.
Tại hội thảo, tiếp thu ý kiến của các DN, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết sẽ kiến nghị UBNDTP lập tổ công tác, giao ban định kỳ hàng tháng/lần để xử lý kịp thời các vướng mắc. Đặc biệt trong quý 4 này thành phố sẽ ban hành cơ chế một cửa liên thông cấp phép xây dựng, rút ngắn thời gian cho DN. Năm nay sở cũng sẽ triển khai cuộc thi thiết kế mẫu NƠXH, với mong muốn NƠXH đẹp, kiểu mẫu, ứng dụng vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng, xanh, khuyến khích chủ đầu tư áp dụng, phá tan suy nghĩ NƠXH là thu nhập thấp, chất lượng thấp.

Lương Thiện

Tin cùng chuyên mục