Lo cháy chung cư

Câu mắc điện tràn lan, không trang bị phương tiện chữa cháy hoặc có nhưng không được bảo trì - bảo dưỡng định kỳ, thay đổi công năng hạng mục chung cư, chung cư chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, thiếu nước chữa cháy, lực lượng chữa cháy tại chỗ không được huấn luyện nghiệp vụ…  Đó là những vi phạm xuất hiện ngày càng nhiều tại các chung cư trên địa bàn TPHCM, đẩy nguy cơ cháy nổ ở chung cư, nhà cao tầng lên mức báo động.
Lo cháy chung cư

Câu mắc điện tràn lan, không trang bị phương tiện chữa cháy hoặc có nhưng không được bảo trì - bảo dưỡng định kỳ, thay đổi công năng hạng mục chung cư, chung cư chưa nghiệm thu đã đưa vào sử dụng, thiếu nước chữa cháy, lực lượng chữa cháy tại chỗ không được huấn luyện nghiệp vụ…  Đó là những vi phạm xuất hiện ngày càng nhiều tại các chung cư trên địa bàn TPHCM, đẩy nguy cơ cháy nổ ở chung cư, nhà cao tầng lên mức báo động.

Kiểm tra an toàn PCCC tại tòa nhà cao tầng Vincom (quận 2)

Cũ, mới đều… dễ cháy

Được xây dựng và đưa vào sử dụng từ trước năm 1975, đến nay chung cư Phạm Thế Hiển (phường 4, quận 8) đã xuống cấp nặng nề, kéo theo nhiều nguy cơ cháy nổ. Tại một số vị trí ở các lô A, B, C đường ống dẫn nước sinh hoạt, nước thải bị mục, làm nước rò rỉ, chảy lan xuống hệ thống dây điện mắc chằng chịt ở lan can, rất dễ gây chập điện dẫn đến cháy, nổ. Còn dưới tầng trệt, các hộ kinh doanh tự ý câu mắc điện ra nơi buôn bán, thường xuyên đốt vàng mã, giấy báo, bao bì, trong khi chung cư này lại không có hệ thống báo cháy tự động, họng nước chữa cháy trong nhà... Đã vậy, sát chung cư này là chợ Phạm Thế Hiển, nếu xảy ra cháy khó tránh khỏi cháy lan, hậu quả để lại về người và tài sản sẽ rất khó lường.

TPHCM hiện có 473 công trình, chung cư cao tầng xây dựng trước năm 1975 và đa số không đảm bảo các quy định về PCCC. Cụ thể: đường để xe cứu hỏa tiếp cận chung cư khi xảy ra sự cố hẹp, có nơi không có; nguồn nước chữa cháy khan hiếm, lối thoát nạn hẹp lại còn bị cư dân chiếm dụng phục vụ lợi ích riêng, hệ thống kỹ thuật PCCC không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, xuống cấp, không hoạt động. Một số chung cư không có ban quản trị, hoặc đơn vị quản lý trực tiếp dẫn đến cư dân tự tung tự tác, che bít lối thoát nạn làm bãi giữ xe. Hầu hết lực lượng chữa cháy tại chỗ của các chung cư cũ đều thiếu về số lượng, những người tham gia lực lượng này chủ yếu là người già hoặc những người ban ngày đi làm, đêm về tham gia, không có nghiệp vụ…

Tình trạng vi phạm các quy định về an toàn cháy nổ cũng tồn tại phổ biến ở các chung cư mới được xây dựng, các công trình nhà cao tầng đang trong quá trình hoàn thiện. Như lô G, chung cư Hùng Vương (quận 5) không có hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chống sét… Chung cư Khang Gia (quận Tân Phú), chủ đầu tư tự ý cải tạo trung tâm thương mại ở tầng lửng, biến thành nhiều căn hộ, không đảm bảo an toàn PCCC; chung cư Thái An (quận 12) không có đường để xe chữa cháy vào. Nhiều chung cư đang trong quá trình hoàn thiện, chưa được nghiệm thu an toàn PCCC nhưng chủ đầu tư đã đưa dân vào ở, đơn cử như: Chung cư Phạm Phú Thứ (quận Tân Bình), chung cư Cao Ốc Xanh (quận 9), chung cư Hoàng Quân (huyện Bình Chánh), chung cư Viên Ngọc Phương Nam (quận 8)…. Tính riêng từ năm 2012 - 2015, thành phố xảy ra 43 vụ cháy nhà chung cư, thiệt hại hàng tỷ đồng. Gần đây nhất là vụ cháy tại chung cư Hoàng Quân (huyện Bình Chánh), rất may là cảnh sát PCCC đã kịp thời cứu được hàng chục người mắc kẹt trong đám cháy. 

Xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC

Đại tá Trần Thanh Châu, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết, đơn vị sẽ phối hợp cùng UBND các quận huyện tổng kiểm tra, rà soát lại công tác PCCC tại các chung cư, đặc biệt là các chung cư cũ và chung cư đang trong quá trình hoàn thiện để từng bước khắc phục các vi phạm, tồn tại. Trước mắt, đơn vị sẽ tập trung kiểm tra, xử lý triệt để các vi phạm và phối hợp với quận huyện, phường xã tổ chức tập huấn nghiệp vụ để nâng chất lực lượng PCCC tại chỗ ở các chung cư. Vì lực lượng này có vai trò rất quan trọng, sẽ sâu sát nhắc nhở, hướng dẫn cư dân, đặc biệt sẽ can thiệp kịp thời khi sự cố xảy ra, không để cháy lan cháy lớn. Về lâu dài, Đại tá Trần Thanh Châu kiến nghị UBND TP cần chỉ đạo các sở, ngành liên quan nhanh chóng kiểm định, rà soát các chung cư xây dựng trước năm 1975, nhanh chóng giải tỏa xử lý các chung cư xuống cấp ở mức báo động.

Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho biết trong năm 2016 đơn vị sẽ hoàn tất công tác kiểm định 474 chung cư xây dựng trước năm 1975, đến năm 2020 sẽ hoàn thành tháo dỡ và xây dựng mới ít nhất 50% trong tổng số chung cư loại này. Đối với các chung cư xây dựng sau thời điểm có Luật PCCC (năm 2001), ông Tuấn kiến nghị Cảnh sát PCCC TP phải phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xử nghiêm các vi phạm. Không thể nhắc nhở, du di hoài, phải xử mạnh thì mới xóa sổ được vi phạm, thậm chí phải truy đến cùng trách nhiệm của đơn vị quản lý, vận hành chung cư (ban quản trị, ban quản lý) nếu để xảy ra sự cố, gây hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Lê Hoàng Châu kiến nghị, thành phố cần trang bị trực thăng chữa cháy để đáp ứng yêu cầu chữa cháy nhà cao tầng trên địa bàn; cần có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Cảnh sát PCCC TP với quân đội, các hàng không dân dụng…

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng chỉ đạo thời gian tới, Cảnh sát PCCC TP thực hiện tốt, nghiêm túc việc thẩm duyệt PCCC và kiểm tra, xử lý các vi phạm PCCC ở chung cư. Một khi vi phạm không còn, nguy cơ cháy nổ sẽ kéo giảm đáng kể. Phó Chủ tịch UBND TP Huỳnh Cách Mạng đề nghị các đơn vị xử nghiêm các chủ đầu tư đưa dân vào ở khi chung cư chưa được nghiệm thu PCCC, thậm chí đình chỉ hoạt động.

Phạm Minh

Tin cùng chuyên mục