Để khởi nghiệp không là phong trào suông

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, khởi nghiệp không phải như trào lưu mà nhiều thanh niên đang tiếp nhận khá hời hợt là sớm làm chủ, làm sếp, lập doanh nghiệp và coi giám đốc là một… nghề.
Để khởi nghiệp không là phong trào suông

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, khởi nghiệp không phải như trào lưu mà nhiều thanh niên đang tiếp nhận khá hời hợt là sớm làm chủ, làm sếp, lập doanh nghiệp và coi giám đốc là một… nghề.

Suy nghĩ chưa đúng sẽ cản trở khởi nghiệp

Thực tế trên được bà Tôn Nữ Thị Ninh nêu ra trong buổi tọa đàm về khoa học - sáng tạo - quốc gia khởi nghiệp do Trung tâm Khoa học tư duy (CTS) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức tại TPHCM. Bà Nguyễn Thị Hoàng Liên, đại diện Bộ Khoa học - Công nghệ và cũng là người làm công tác giảng dạy, nói rõ thêm khi được hỏi sau này làm gì, có ước mơ gì, nhiều bạn trẻ thường trả lời sau này sẽ làm… giám đốc. Giám đốc đang trở thành một danh từ nói về nghề nghiệp mà chính các bạn trẻ cũng không biết mình trở thànhh giám đốc lĩnh vực gì, làm cụ thể việc gì (?!).

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tìm hiểu dự án khởi nghiệp của thanh niên TP. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi về tinh thần khởi nghiệp với các bạn trẻ, GS Nguyễn Hữu Thái, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, người dẫn đường cho chiến sĩ giải phóng quân cắm cờ trên Dinh Độc Lập vào buổi trưa lịch sử 30-4-1975, chia sẻ thế hệ các ông không nói chữ khởi nghiệp nhiều, nhưng luôn có niềm tin về đất nước Việt Nam độc lập, thống nhất, dù lúc đó đang giữa cuộc chiến ác liệt. Truyền đạt “chính niềm tin đã nuôi sống chúng tôi”, ông Thái mong các bạn trẻ cũng nuôi dưỡng được niềm tin mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam phát triển, công bình, dù bây giờ còn bộn bề nhiều mặt và mới đặt ra vấn đề quốc gia khởi nghiệp. Về những người “khởi nghiệp thật”, GS Nguyễn Hữu Thái nhận định, khoảng 90% người trẻ vào đời là đi làm công, chỉ có 10% có thể và có ý tưởng khởi nghiệp. Nhưng trong 10% đó, chưa chắc tất cả đã thành công. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa quan tâm đến thất bại, chưa chú ý đến thất bại. Ông Thái khuyên: “Các bạn trẻ xông vào khởi nghiệp cần nghĩ cách học từ thất bại, sử dụng vấp ngã để đứng lên”.

TS Nguyễn Trí Dũng chỉ ra “bệnh” của người Việt Nam là ưa tư duy phê phán người khác hơn tư duy xây dựng và đây là một trong những điểm yếu khiến chúng ta chưa hội tụ, chưa tập hợp được sức mạnh tập thể, tạo ra quyết tâm chung. Đặc biệt, tư duy cản trở nhất của người Việt Nam, theo TS Nguyễn Trí Dũng, là cái gì sờ được, thấy được trước mắt thì cái đó có giá trị, còn cái gì thuộc về trừu tượng, về khoa học, cần tưởng tượng, cần tư duy thì cái đó không có giá trị. “Người Việt Nam dạy con cái: Con cá lặn, con chim bay, con người đi. Nếu đứa con nói “con muốn bay” thì cha mẹ la lối nó, rằng người làm sao bay và coi đó như định đề. Nhưng loài người không chấp nhận, họ tìm kiếm, suy nghĩ, tìm cách bay và tạo ra máy bay. Chúng ta không tìm cách bay nên chúng ta không bay được”, TS Nguyễn Trí Dũng nhận xét và cho rằng cần suy nghĩ lại về tư duy như vậy. Nhận xét không ít bạn trẻ đang gặp khủng hoảng trong tư duy về khởi nghiệp, về nghề nghiệp, bà Nguyễn Thị Hoàng Liên cho rằng, để đổi mới được thì phải đổi mới từ trong suy nghĩ và đó là vấn đề của giáo dục. Nếu như giáo dục không khuyến khích tinh thần đổi mới, bằng cách đặt ra câu hỏi cho học sinh trả lời hay động viên học sinh nghĩ theo ý khác, thì việc hô hào khởi nghiệp chỉ là phong trào hay những hoạt động khởi nghiệp sự vụ, khó có thể tạo ra quốc gia khởi nghiệp.

Khởi nghiệp đúng là tạo ra giá trị, ra sản phẩm

Bà Tôn Nữ Thị Ninh cho rằng, khởi nghiệp đúng đắn là mỗi con người, nhất là các bạn trẻ, cần có sự chủ động, sáng tạo, có ý tưởng gì thì mạnh dạn vận dụng, tìm tòi để sản sinh ra giá trị, ra sản phẩm cho xã hội; và như thế thì không nhất thiết khởi nghiệp là phải làm ngay giám đốc, chủ tịch, CEO...  Đúc rút từ thực tế người Việt Nam biết nhiều, nói nhiều, bàn về khoa học cũng nhiều nhưng không vận dụng, ứng xử trong cuộc sống, giải quyết những vấn đề cụ thể, TS Nguyễn Trí Dũng gợi mở nhiều vấn đề ở tầm vĩ mô và cả những chuyện vi mô khi quốc gia khởi nghiệp. Theo TS Nguyễn Trí Dũng, trong 15 năm qua, tỷ giá hối đoái của các nước có độ biến động rất lớn, nhưng riêng Việt Nam cứ tà tà trong sự ổn định rồi đồng Việt Nam sụt giá dần. Ví tỷ giá “ổn định” như một loại trang phục cố định mặc cho 4 mùa xuân, hạ, thu, đông thì không thể phù hợp, TS Nguyễn Trí Dũng gọi sự ổn định trong tỷ giá đang là gánh nặng, một nỗi đau đớn, một dạng sưu cao thuế nặng đối với doanh nghiệp. Ông gợi mở: “Đến mùa nông dân xuất khẩu gạo, nông sản, chúng ta hoàn toàn có quyền chủ động tạo giá thuận lợi từ 5% - 10% cho nhà nông. Ngược lại, khi nhập hàng hóa, cũng cần thay đổi tạo tỷ giá có lợi cho nhập khẩu”. Trong nông nghiệp, Việt Nam là một trong những trung tâm lương thực của loài người và trách nhiệm của Chính phủ, của những nhà khoa học, doanh nghiệp là cần xắn tay, tham gia phụ nông dân, không thể giao cho nông dân vừa dầm sương dãi nắng canh tác, vừa đứng cả ngày bán nông sản của mình hoặc bỏ trống khâu phân phối cho thương lái thao túng.

Dưới góc nhìn của người từng có 16 năm làm chuyên viên kinh tế phát triển của Liên hiệp quốc, TS Nguyễn Trí Dũng cho rằng, trong việc phát triển kinh tế và việc khởi nghiệp hiện nay, 2 ẩn số cuối cùng cần phải giải là “tiền” và “giá trị”. Vấn đề lệch lạc ở Việt Nam là chúng ta thường chỉ quan tâm đến tiền mà chưa chú trọng đến giá trị, trong khi tiền không đẻ ra giá trị, còn chính giá trị lại đẻ ra tiền, thậm chí là vô tận. TS Nguyễn Trí Dũng dẫn chứng, Việt Nam làm ra rất nhiều gạo nhưng chủ yếu xuất khẩu thô, sản lượng tăng nhưng giá trị của gạo không tăng lên nhiều. Và cả con người, hàng năm đều đếm bao nhiêu cử nhân tốt nghiệp đại học nhưng giá trị trong từng con người thì chưa phát triển. “Bài toán lớn nhất của Việt Nam trong khởi nghiệp là bài toán làm sao để tăng giá trị”, TS Nguyễn Trí Dũng chỉ rõ.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục