Sẻ chia để cuộc sống đẹp hơn

Liên đoàn Lao động TPHCM vừa tuyên dương 54 gương công nhân viên chức lao động tiêu biểu trong cuộc vận động “Người tốt, việc tốt”. Mỗi gương mặt được tuyên dương có hoàn cảnh khác nhau, nhiều người có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng điểm chung của họ là đã có những việc làm thiết thực mang lại lợi ích, niềm vui cho nhiều mảnh đời khó khăn khác. Họ luôn quan niệm sống là sẻ chia để cuộc đời thêm đẹp và đầy ý nghĩa.
Sẻ chia để cuộc sống đẹp hơn

Liên đoàn Lao động TPHCM vừa tuyên dương 54 gương công nhân viên chức lao động tiêu biểu trong cuộc vận động “Người tốt, việc tốt”. Mỗi gương mặt được tuyên dương có hoàn cảnh khác nhau, nhiều người có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng điểm chung của họ là đã có những việc làm thiết thực mang lại lợi ích, niềm vui cho nhiều mảnh đời khó khăn khác. Họ luôn quan niệm sống là sẻ chia để cuộc đời thêm đẹp và đầy ý nghĩa.

Nguyễn Ngọc Sơn và nhóm bạn mang niềm vui trung thuđến với trẻ em vùng biên giới

Mang niềm tin đến với trẻ em biên giới

Dù hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, thu nhập từ công việc chuyên môn ở Công ty TNHH Verik Systems Việt Nam cũng không nhiều, nhưng  chàng kỹ sư phần cứng Nguyễn Ngọc Sơn (26 tuổi) vẫn luôn dành thời gian và chút ít thu nhập của mình để làm việc thiện. Từ lúc còn là sinh viên cho đến nay, Sơn đã cùng nhóm bạn của mình tổ chức chăm lo trung thu cho trẻ em nghèo vùng biên giới, Sơn còn tham gia nấu cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện, đóng góp kinh phí hỗ trợ mùa hè xanh tình nguyện, làm giếng nước, xây cầu cho người dân vùng sâu vùng xa… Không dừng lại ở đó, bản thân Sơn đã 6 lần tham gia hiến máu tình nguyện, 4 lần hiến tiểu cầu cho bệnh nhi bị ung thư theo chương trình nụ cười BEN. Với bản tính thấy việc sai trái thì không thể làm ngơ nên nhiều lần đi học bằng xe buýt, Sơn đã tố giác hành vi móc túi hành khách của bọn tội phạm. Ngoài ra khi nhặt được của rơi, Sơn đã tìm và trả lại cho người bị mất.

Sơn bộc bạch rằng, những việc mình làm không phải để được tuyên dương mà là muốn được chia sẻ khó khăn với những người kém may mắn. Dù gia cảnh còn nhiều khó khăn, vất vả, ba mất, mẹ già nay bệnh mai đau, các em còn đang trong tuổi đi học, Sơn chính là trụ cột của gia đình thay cha mẹ lo cho các em. Nhưng qua những khó khăn của bản thân và từ những chuyến đi thiện nguyện, Sơn mới thấu hiểu được còn những hoàn cảnh khó hơn chờ mình giúp đỡ. “Nhìn các em nhỏ vùng biên giới với nụ cười hồn nhiên, vui sướng khi cầm trên tay chiếc lồng đèn giấy, cái bánh trung thu, em thấy mình hạnh phúc vô cùng. Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên có những em chưa bao giờ biết đến lồng đèn giấy. Chính các em là động lực để em và các bạn tiếp tục các chương trình mang trung thu đến với thiếu nhi”, Sơn chia sẻ.

Giống như Sơn, nữ bác sĩ trẻ Lê Việt Hà (công tác tại Bệnh viện Quận Tân Phú, TPHCM) cũng không cho rằng những việc mình làm là việc tốt. Hà bảo việc chăm sóc, chia sẻ khó khăn, tận tình giúp đỡ bệnh nhân là nghĩa vụ và trách nhiệm của người thầy thuốc. Hơn nữa, ở Khoa Y học cổ truyền, phần lớn bệnh nhân là người lớn tuổi, họ cũng giống như cha, chú, dì, mẹ của mình nên mình phải chăm sóc họ thật tận tình, chu đáo. Bác sĩ Hà nói rằng, bản thân chị cũng không thể nhớ hết những việc mình đã làm, đã chăm sóc và giúp đỡ cho bao nhiêu bệnh nhân, chỉ nhớ rằng niềm vui của bệnh nhân sau khi được hết bệnh, sự hài lòng của người bệnh trước công tác điều trị của bệnh viện qua những lá thư mà bệnh nhân viết để khen tặng chính là niềm vui lớn nhất của người thầy thuốc. Điều đáng quý ở bác sĩ Hà đó là luôn gương mẫu xung phong nhận những công việc khó và luôn nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ. Mới đây, bác sĩ Hà còn vận động tổ chức từ thiện trao tặng 2 chiếc xe lăn cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại khoa.

Việc tốt là việc nên làm

Nếu như bác sĩ Hà xem bệnh nhân như người thân của mình thì chị lao công Nguyễn Thị Mỹ Hương với thâm niên hơn 30 năm gắn bó với Trường Cao đẳng Tài chính Hải quan thì xem sinh viên như con ruột của mình. Ngoài việc tận tình chỉ dạy, tư vấn, chia sẻ để các em ý thức trong học tập, trong cư xử với thầy cô, bạn bè, chị cũng luôn nhắc nhở sinh viên giữ gìn tài sản của nhà trường, của bản thân và phải bảo vệ môi trường.

Điều đáng quý ở chị Hương là không tham của rơi dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhiều lần nhặt được điện thoại, ví tiền, laptop chị đều trả lại cho sinh viên. Trong lúc làm nhiệm vụ tại khu lớp học, phát hiện sinh viên để quên vật dụng cá nhân trong hộc bàn chị đều liên hệ Phòng Quản lý đào tạo, Phòng Công tác học sinh - sinh viên để trả lại cho các em. Chị nhớ có lần phát hiện một chiếc ví bên trong có số tiền rất lớn, cầm số tiền trên tay chị nghĩ rằng đó có thể là tiền mà cha mẹ các em đã vất vả làm được để các em đóng học phí, nên chị vội vàng liên hệ để trả lại cho chủ. Chị Hương luôn nghĩ việc tốt là việc nên làm. 

Những người tốt  như  chị Hương, bác sĩ Hà hay kỹ sư Sơn đều có cùng suy nghĩ: Làm việc tốt không phải để được tuyên dương mà đó là sự đồng cảm, sự sẻ chia và cả tinh thần trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Theo bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, việc làm của những bông hoa “Người tốt, việc tốt” là rất đáng quý và cần được nhân rộng trong đội ngũ công nhân viên chức lao động. Nếu mọi người cùng chung tay làm việc tốt, không so đo tính toán thì sẽ tạo nên một nét đẹp rất đặc trưng của đội ngũ công nhân viên chức lao động thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu.


HỒNG HẢI

Tin cùng chuyên mục