Tờ séc khống

Mới đây, TAND TPHCM quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm, bác kháng cáo của một doanh nghiệp tư nhân đóng trụ sở tại quận 1 (nguyên đơn). Doanh nghiệp này khởi kiện yêu cầu một ngân hàng (bị đơn) bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 14 tỷ đồng.

Công ty trên có hai thành viên góp vốn là bà N. và bà X.; do bà N. làm đại diện pháp luật. Sau khi thành lập, công ty mở một tài khoản tại ngân hàng. Tại tòa, bà N. trình bày để tiện cho việc giao dịch, bà ký khống một tờ séc; công ty ủy quyền ông H. (cháu bà X.) giao dịch với ngân hàng. Sau một thời gian, nội bộ công ty mâu thuẫn. Vì vậy, bà N. yêu cầu ngân hàng ngưng chi trả tờ séc bà ký phát hành trước đó. Trong lúc chờ hoàn tất thủ tục, bà N. phát hiện ông H. đang rút tiền bằng tờ séc. Bà yêu cầu ngưng giao dịch nhưng ngân hàng không giải quyết. Ông H. rút thành công 14 tỷ đồng. Ngược lại, bị đơn khẳng định không nhận văn bản yêu cầu đình chỉ chi trả tờ séc từ nguyên đơn. Trước đó, cấp sơ thẩm nhận thấy việc ông H. rút tiền nhưng không giao cho công ty là tranh chấp nội bộ. Là chủ tài khoản nhưng công ty không thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục về cung ứng và thanh toán séc; không phát hành văn bản yêu cầu đình chỉ thanh toán séc. Trong trường hợp này, ngân hàng không có lỗi với thiệt hại nên không phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Luật sư Hà Hải (Đoàn Luật sư TPHCM) cho rằng do chủ quan, thiếu kiến thức pháp lý nên nguyên đơn mất trắng 14 tỷ đồng. Một tờ séc phải đầy đủ nội dung: Chữ “Séc” in phía trên tờ séc; số séc; người được trả tiền; số tiền xác định, ghi bằng số và chữ; tên người thực hiện thanh toán; địa điểm thanh toán; ngày ký phát; chữ ký người ký phát (ghi rõ họ tên). Bà H. thừa nhận ký khống séc nghĩa là tấm séc thiếu một hoặc nhiều hơn một trong số những nội dung trên. Thông báo đình chỉ thanh toán có hiệu lực sau 30 ngày, tính từ ngày ký phát; nên việc xác định thời điểm ký phát là vô cùng quan trọng. Nếu tờ séc không ghi ngày, tháng ký phát thì không xác định được thời điểm thông báo đình chỉ thanh toán séc có hiệu lực. Trong thời hạn 30 ngày kể trên, ông H. đến rút tiền thì bắt buộc ngân hàng phải thanh toán. Diễn biến vụ việc cho thấy nguyên đơn không có chứng cứ trong việc gửi văn bản yêu cầu ngừng thanh toán séc. Do đó, tòa án có cơ sở xác định không phát sinh trách nhiệm của ngân hàng khi doanh nghiệp mất tiền. “Người phát hành séc thường xem nhẹ những tiểu tiết nên khó bảo vệ quyền lợi phát sinh vấn đề. Đây là bài học để đời cho cá nhân, doanh nghiệp”, luật sư Hà Hải lưu ý.

KỲ LÂM

Tin cùng chuyên mục