Linh mục Nguyễn Công Danh - Người Công giáo kính Chúa, yêu nước

Linh mục Nguyễn Công Danh - Người Công giáo kính Chúa, yêu nước

Cách nay hơn 3 năm, nhân kỷ niệm Kim khánh 50 năm linh mục của Linh mục Nguyễn Công Danh, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, nhiều vị chức sắc trong Giáo hội Công giáo Việt Nam và giáo dân Giáo xứ Thị Nghè đã nói lên rằng: “Chính cuộc đời yêu thương phục vụ của linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh đã góp phần thắp lên ngọn lửa Đại đoàn kết dân tộc và làm cho tinh thần Đại đoàn kết dân tộc càng được vững mạnh, trường tồn...”.

Linh mục Nguyễn Công Danh

Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh, sinh ngày 13-9-1935 trong một gia đình nghèo tại vùng nông thôn Nam bộ thuộc họ đạo Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An, nằm bên dòng sông Vàm Cỏ Đông nổi tiếng với bài hát “Vàm Cỏ Đông”. Từ  năm 1971 đến năm 2013 linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh làm chánh xứ Mẫu Tâm, huyện Nhà Bè; giáo xứ Xóm Chiếu, quận 4; giáo xứ Thị nghè, quận Bình Thạnh. Trong suốt quãng đời hoạt động mục vụ của mình, linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh đã chọn con đường đồng hành cùng dân tộc, gắn bó với đất nước và quê hương với nhiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Dấu ấn tạo sự thay đổi trong cuộc đời rất lớn của linh mục Nguyễn Công Danh được ghi lại ở sự kiện từ ngày 23-3 đến 6-4-1975 khi linh mục cùng đoàn hành hương thăm đất Thánh Palestin, Tòa Thánh Vatican và nước Pháp, đúng vào thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta sắp kết thúc, trong khi có những người trong đoàn không trở về vì sợ, còn linh mục quyết định về Việt Nam, vì như Ngài nói: “Tôi có trách nhiệm với giáo dân giáo xứ Mẫu Tâm và quê hương, đất nước tôi sau ngày hòa bình...”. Khi về Việt Nam, có nhiều người ở giáo xứ Mẫu Tâm hỏi linh mục: “Sao cha không trốn ở lại Roma, về Việt Nam cha không sợ Cộng sản sao? Họ cấm đạo và Sài Gòn sẽ có tắm máu”. Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh bình tĩnh trả lời: “Ai nói thế, làm gì có việc đó. Chúng ta cứ bình tĩnh hoạt động tôn giáo bình thường…”. Lời động viên của linh mục đã tạo động lực và sự gắn kết trong bà con giáo dân yên tâm trong cuộc sống và sinh hoạt bình thường, tích cực tham gia các hoạt động giúp ích cho xã hội.

Linh mục Phê rô Nguyễn Công Danh tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất năm 1977 cho đến ngày Ngài về nước Chúa. Ngày 14-4-1977, linh mục đang làm chánh xứ giáo xứ Mẫu Tâm, huyện Nhà Bè thì đại diện Ủy ban MTTQ huyện Nhà Bè đến thăm và mời tham gia làm ủy viên Ủy ban MTTQ huyện. Linh mục xin ý kiến của Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình và được ngài dạy: “Cách mạng tín nhiệm cha thì cố gắng nhận đi, và làm tốt vai trò công dân, là cầu nối giữa đạo và đời”. Thế rồi linh mục Phêrô nhận làm ủy viên Ủy ban MTTQ huyện Nhà Bè  từ năm 1977 đến năm 1982. Khi giáo hội thuyên chuyển qua giáo xứ Xóm Chiếu quận 4, rồi sau này là giáo xứ Thị Nghè, quận Bình Thạnh, linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh đều được tín nhiệm mời tham gia Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 4 và quận Bình Thạnh. Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh còn tham gia Ủy ban MTTQ TPHCM từ năm 1994, từ năm 1998  đến nay là Phó Chủ tịch; tham gia Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam từ năm 1994, sau đó đến năm 2008 tới nay là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Dù ở cương vị nào, linh mục Nguyễn Công Danh đều có những đóng góp rất thiết thực cho các hoạt động của MTTQ, và là cầu nối giữa giáo dân, Giáo hội với chính quyền và các đoàn thể xã hội.

Từ tiếng nói, việc làm của linh mục đã tạo uy tín, sự ảnh hưởng trong đồng bào Công giáo, làm cho mọi giáo dân - những người con Chúa càng thương yêu, đoàn kết gắn bó trong cộng đồng dân cư và xã hội. Trong mọi hoàn cảnh, linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh luôn sống chan hòa, gần gũi trên địa bàn dân cư và chia sẻ lo lắng, ưu tư, nguyện vọng của người dân với chính quyền, vận động người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, làm cho mọi người hiểu được ý nghĩa của việc đạo cũng như việc đời, cùng nhau “Sống tốt đạo, đẹp đời”.

Khi nói về tính tương đồng giữa Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo, linh mục Nguyễn Công Danh cho rằng, cả hai được thể hiện bằng hành động cụ thể như những chương trình dài hạn, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, đem văn hóa, y tế đến vùng sâu, vùng xa, miền núi… Như thế, chẳng phải là Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo cùng đồng hành với nhau trên con đường xây dựng một xã hội công bằng, yêu thương, một thiên đường, một Niết bàn hay sao? Hay nói một cách khác, Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo cùng có ít nhất một mục tiêu chung, một hướng đi chung, đó là đem lại hạnh phúc cho đồng bào ruột thịt. Và như thế cũng đã quá đủ để Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo tồn tại "trong” nhau, chứ không chỉ tồn tại "bên” nhau.

Qua cuộc đời yêu thương, phục vụ của linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh cho thấy Ngài đã cống hiến cả cuộc đời cho Chúa, cho Giáo hội và đất nước. Đảng, Nhà nước đã trân trọng ghi nhận và đánh giá cao những công lao đóng góp của linh mục Nguyễn Công Danh và trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Nhì; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Huy chương Vì sự nghiệp Đoàn kết dân tộc và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBND TPHCM. Linh mục Phêrô Nguyễn Công Danh đã xứng đáng với sự tôn kính của đồng bào Công giáo dành cho ngài: Người Công giáo kính Chúa, yêu nước, người con của quê hương Long An “Trung dũng kiên cường”.

    Fr. Xavie LÊ GIÁO (Phó Chủ tịch Ủy Ban Đoàn kết Công giáo TPHCM)
  HOÀI NAM (lược ghi)


Xin cha mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ Việt Nam

Cha Phêrô Nguyễn Công Danh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Việt Nam, Chủ tịch UBĐKCG TPHCM từ trần lúc 21 giờ 15 phút ngày 27-7-2016 tại Bệnh viện Thống Nhất -TPHCM, hưởng thọ 81 tuổi.

Cha lâm bệnh nặng tưởng chừng không qua khỏi cách đây gần hai năm, dù vậy, đến lúc cha từ biệt trần thế, rất nhiều người đã lặng chìm trong tâm trạng bùi ngùi luyến tiếc. Xuyên suốt cuộc đời, cha đã khắc họa một hình tượng gương mẫu như lời của Đức nguyên Giáo hoàng Bênêdictô XVI nhắn nhủ với Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2009 tại Rôma: “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.

Chính vì thế, trong những ngày cha nằm trên giường bệnh, nhiều linh mục tu sĩ, giáo dân, các thành viên UBĐKCGVN và thành phố; đặc biệt nhiều vị lãnh đạo trung ương và thành phố đã thường xuyên thăm hỏi cha trong tâm tình đồng cảm của những người dấn thân mưu cầu hạnh phúc cho đồng đạo và đồng bào.

Cha Phêrô đối với tôi như một người anh rất đáng kính. Ngài thụ phong linh mục ngày 23 tháng 4 năm 1963, còn tôi sau ngài 5 năm (1968). Cha đã kinh qua công tác mục vụ ở nhiều môi trường và hoàn cảnh khác nhau.

8 năm đầu tiên của đời linh mục (1963 - 1971), cha là giáo sư Việt văn của Tiểu chủng viện Sài Gòn.

1971 - 1981, cha Phêrô được bổ nhiệm làm cha sở họ đạo Mẫu Tâm, Nhà Bè, nay thuộc quận 7. Một kỷ niệm khó quên của cha trong giai đoạn này là dịp hành hương Năm Thánh qua 3 nước Do Thái, Pháp, Ý từ 12-3 đến 5-4-1975 - thời điểm lịch sử của miền Nam lúc bấy giờ. Trong đoàn đã có những người chọn ở lại Pháp, còn cha quyết định trở về vì trách nhiệm với giáo xứ Mẫu Tâm.

Tại địa phương, cha tham gia UBMTTQ huyện từ năm 1977 và là đại biểu Hội đồng nhân dân trong hai khóa. Năm 1978, cha tham gia vào Tổ sản xuất mì sợi Rạng Đông. Cha kể lại: “Thấy tổ viên và tôi ngồi vắt than đá trộn bùn để nung lò sấy mì sợi, nói cười vui vẻ, họ lấy làm ngạc nhiên - sao ông linh mục này chịu khó và bình dân thế!”.

Năm 1982 cha được cử về giáo xứ Xóm Chiếu. Một tuần sau đó, cha được bầu làm Hạt trưởng hạt Xóm Chiếu. Cũng trong thời gian này, cha được mời làm Tổ trưởng Tổ Đoàn kết Công giáo quận 4 và đắc cử đại biểu HĐND quận hai khóa liên tiếp. Cha từng tâm sự, nếu có chức vị ở xã hội là để phục vụ và làm theo đường hướng mới của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Xin anh chị em hãy cùng chúng tôi đi vào con đường đã lựa chọn là sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” (Thư chung HĐGMVN 1980 - ngỏ lời với các linh mục).

Năm 1991, cha được thuyên chuyển về giáo xứ Thị Nghè, một xứ đạo hơn 11.000 giáo dân và cha đã gầy dựng xứ đạo ngày một tốt đẹp, sống động cho đến khi nghỉ hưu năm 2013.

Tôi hân hạnh là người cùng hoạt động và làm việc với cha trên 30 năm, từ năm 1983, khi UBĐKCG ra đời. Năm 2003 cha được cử làm Phó Chủ tịch rồi sau đó là Chủ tịch UBĐKCG TPHCM cho tới nay. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc những người Công giáo Việt Nam Xây dựng và Bảo vệ Tổ quốc tại Hà Nội khóa V, nhiệm kỳ 2008-2013 cha được bầu làm Chủ tịch Trung ương UBĐKCGVN. Nhiệm kỳ 2013 - 2018 (khóa VI), cha tiếp tục được tín nhiệm là Chủ tịch. Cha còn là Phó Chủ tịch Trung ương UBMTTQVN và MTTQVN TPHCM nhiều nhiệm kỳ. 

Tấm lòng gắn bó với vận mệnh quê hương của cha đã được hun đúc ngay từ thuở thiếu thời. Cha sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Lương Hòa, Long An, nơi giàu truyền thống yêu nước. Năm 1945, khi mới 10 tuổi, cha đã đi theo các anh chị thanh niên xem luyện võ và tập hát những bài ca khơi dậy lòng yêu nước, chống lại giặc Pháp. Lên 12 tuổi, cha đã phải bỏ chốn quê nhà yêu dấu theo gia đình tản cư tránh giặc. Được thấm nhuần truyền thống gia đình và truyền thống dân tộc, cha đã không hề lưỡng lự khi tham gia các công việc tốt đời đẹp đạo.

Năm 2013, nhân kỷ niệm 50 năm ngày thụ phong linh mục, cha đã tâm tình với mọi người về lý do thúc đẩy cha thể hiện lòng yêu quê hương đất nước của mình, mạnh dạn tham gia tổ chức yêu nước của người Công giáo: “Bản thân tôi sinh ra, lớn lên, học tập, được đào tạo trong môi trường khác hẳn với chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa. Đứng trước tình hình quá mới mẻ như thế, tâm lý bất an, chưa tìm ra giải pháp nào để ổn định tinh thần, thì may thay, Đức cố Tổng Giám mục Phaolô Nguyễn Văn Bình đã gửi thư cho các linh mục, tu sĩ, giáo dân đề ngày 5-6-1975. Thư viết:“Một trang sử mới đã mở ra cho dân tộc Việt Nam. Từ ngày 30-4 vừa qua, chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã trở lại trên đất nước thân yêu của chúng ta. Từ nay không còn bom đạn, tang tóc, hận thù, phân  ly… Tất cả những tai họa đó thuộc về dĩ vãng. Đây là niềm vui chung của cả dân tộc và với cái nhìn theo đức tin của người Kitô hữu, đây cũng chính là hồng ân của Thiên Chúa… Hơn mọi lúc, giờ đây người Công giáo phải hòa mình vào cuộc sống của toàn dân đi sâu vào lòng dân tộc”.

Như đất hạn gặp mưa rào, lòng tôi hết sức vui mừng qua lời trấn an của Đức cố Tổng Giám mục Phaolô. Tôi truyền đạt lời chỉ đạo của ngài cho tất cả bà con giáo dân và mọi người an tâm đi vào cuộc sống mới đầy lạc quan và tin tưởng” (Trích bài nói nhân lễ Kim khánh linh mục tại nhà thờ Thị Nghè).

Không chỉ truyền đạt, cha còn luôn nêu gương mẫu mực cho mọi người theo đường hướng Thư chung HĐGMVN năm 1980: “Yêu tổ quốc, yêu đồng bào, đối với người Công giáo không những là một tình cảm tự nhiên phải có mà còn là một đòi hỏi của Phúc Âm” (số 10).

Gắn bó với cha một thời gian dài, tôi luôn cảm phục cha về tính cách dấn thân tự nhiên và thoải mái với một lập trường đạo đời kiên vững.

Trong suốt cuộc đời mục tử trung thành với Giáo hội, phục vụ đoàn chiên và cộng đồng, cha luôn thể hiện hình ảnh của một nhà tu hành đạo đức, nhiệt thành gây ấn tượng cho mọi người trong hình ảnh một linh mục Nam bộ với ngôn từ bình dị, một tâm hồn trong sáng, một nhận thức và trái tim nhiệt huyết, một cung cách  huynh đệ tự nhiên, nhẹ nhàng và gần gũi.

Trong giai đoạn lịch sử của những thập niên cuối thế kỷ 20, cha là một chứng nhân nổi trội về sự dấn thân của người Công giáo trong các môi trường xã hội. Với lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần phục vụ xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, cha đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì; Huân chương Độc lập hạng nhì; Huân chương Đại đoàn kết dân tộc; Huy chương Vì sự nghiệp Đoàn kết dân tộc và nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, UBMTTQVN và UBND TPHCM.

Xin vĩnh biệt cha Phêrô Nguyễn Công Danh, người lãnh đạo, người thầy của UBĐKCGVN và UBĐKCG TPHCM, một linh mục của Chúa, kiên trung, nhiệt thành với Hội Thánh và quê hương Việt Nam.

Xin cha mãi yên nghỉ trong lòng đất Mẹ Việt Nam, tại quê hương Lương Hòa, bên dòng sông Vàm Cỏ Đông hiền hòa như cha đã từng khuyên nhủ các tín hữu: “ Đất nước này là lòng mẹ đã cưu mang chúng ta trong quá trình thực hiện ơn gọi làm Con Thiên Chúa” (Thư chung HĐGMVN 1980, số 9).

Linh mục Phêrô Phan Khắc Từ

Tin cùng chuyên mục