Hãy để con tự “bay”

Sau mùa vượt vũ môn vào đại học, hàng trăm ngàn sĩ tử cả nước lẫn phụ huynh lại kỳ vọng, ấp ủ giấc mơ trở thành cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo…Trong cuộc đua căng thẳng này, sẽ có thí sinh chạm vào chiến thắng nhưng cũng có em ngậm ngùi vì thất bại. Cha mẹ sẽ đồng hành, sẻ chia và giúp con cái mình tự tin đứng lên ra sao?
Hãy để con tự “bay”

Sau mùa vượt vũ môn vào đại học, hàng trăm ngàn sĩ tử cả nước lẫn phụ huynh lại kỳ vọng, ấp ủ giấc mơ trở thành cử nhân, kỹ sư, bác sĩ, nhà giáo…Trong cuộc đua căng thẳng này, sẽ có thí sinh chạm vào chiến thắng nhưng cũng có em ngậm ngùi vì thất bại. Cha mẹ sẽ đồng hành, sẻ chia và giúp con cái mình tự tin đứng lên ra sao?

Niềm vui ngày con cái trưởng thành tri ân cha mẹ. Ảnh: KHÁNH BÌNH

Kỳ vọng vào tấm bằng đại học

Kết thúc môn thi Hóa, một nữ sinh ở huyện Củ Chi TPHCM òa khóc vì làm bài không như mong muốn. Điều em lo lắng là vì bố mẹ đặt kỳ vọng vào mình quá nhiều và nếu trượt đại học thì em sẽ làm mất mặt họ. Suốt 12 năm đèn sách, em đã được cha mẹ đầu tư cho việc học hành quá nhiều. Em dự định đăng ký xét tuyển đại học khối B, trở thành bác sĩ thú y nhưng  cả ba môn Toán, Hóa, Sinh em đều làm bài không tốt. Tương tự, nghe con trai báo tin phổ điểm các môn thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học khối C không cao như dự tính, chị Vân Nam nổi giận, trút hết bực tức vào đứa con như thể nó đã đánh mất niềm tin, hy vọng của chị

. “Phải lo toan cuộc sống, làm mọi việc để kiếm thêm thu nhập, tôi và ông xã dồn hết tiền bạc cho con học thêm ở trường lẫn ở nhà thầy cô luyện thi có tiếng. Thế mà, nó chỉ đạt được 15 điểm, làm sao có thể bước chân vào trường đại học tốt để ra trường dễ có việc làm?”, chị Vân Nam đau khổ giãi bày với sự thất vọng về tương lai của con mình.

Còn con chị, chàng trai vừa bước vào tuổi 18 thì chán nản: “Con đã cố gắng học, ôn luyện kỹ các môn Toán, Văn, Sử, Địa, Anh văn và mong đạt điểm cao để xét tuyển cả hai khối C hoặc D để bố mẹ hài lòng nhưng đề thi khó quá. Con đã xác định năng lực của mình chỉ ở mức vừa vừa nên muốn đăng ký đi học nghề để sớm tìm được việc làm phụ giúp cha mẹ. Nhưng họ chỉ ước mong con phải vào đại học để nở mày nở mặt với dòng họ, láng giềng thôi…”. Những câu chuyện về ước mơ, kỳ vọng về bằng cấp, trở thành bác sĩ, kỹ sư, cử nhân… của cha mẹ không chỉ đè nặng đôi vai, tạo áp lực nặng nề cho con cái mà còn khiến nhiều bạn trẻ mất tự tin, không dám đi theo đam mê, sở thích của riêng mình.

Thiếu kỹ năng giáo dục thời @

 

Chia sẻ trong cuốn sách Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ, chuyên gia tâm lý Trần Hùng John nhận định cha mẹ nào cũng yêu con, muốn bảo vệ con mình nhưng thực tế họ không thể ở gần con 24/24 giờ để kiểm soát, bảo vệ chúng trước nhiều thứ phát sinh. Vì thế, hãy tạo lưới an toàn cho con cái bằng cách trang bị những công cụ cần thiết để chúng tự giải quyết vấn đề mà cuộc sống mang đến. Nếu không mạnh dạn mở ra khoảng không gian tự do để chúng trải nghiệm, tự lớn lên, tự học hỏi, kể cả phạm sai lầm, vấp ngã thì mãi mãi chúng vẫn yếu ớt, không thể trưởng thành, tự lập.

 

Theo nhiều chuyên gia giáo dục, do không theo kịp xu thế của thời đại, thiếu kỹ năng giáo dục con cái thời bùng nổ công nghệ, nhiều cha mẹ Việt vẫn áp đặt ý nghĩ chủ quan, lối giáo dục truyền thống cứng nhắc. Không chỉ thiếu sự đồng cảm, sẻ chia với ước mơ dự định nghề nghiệp của con cái, họ còn ngăn cản chúng được sống với suy nghĩ riêng, chọn lối đi vào đời khác lạ với đường mòn an toàn mà nhiều bạn trẻ vẫn thường đi. Một trong những hướng đi mới đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn là tạm dừng một năm sau khi tốt nghiệp THPT (gap year) để trải nghiệm, khám phá cuộc sống. Từ hành trình “cất cánh” -  khám phá bản thân này,  họ mới quay về học tiếp đại học hoặc học nghề mà mình đam mê, yêu thích.

Rất nhiều bạn trẻ đã thành công từ bước đệm dừng chân này nhờ lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp hay giành được học bổng du học toàn phần. Điển hình như Trần Thị Diệu Liên, nữ sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong vừa nhận học bổng toàn phần trị giá 7 tỷ đồng của ĐH danh tiếng Harvard (Mỹ). Theo chia sẻ của em, sau hai lần thất bại vì chưa tìm được học bổng du học từ trung học, Diệu Liên quyết tâm đạt được ước mơ của mình. Và trước khi thực hiện những điều mình chưa đạt được, nữ sinh tài năng, giàu nghị lực vượt khó này đã thử sức, bắt tay vào những việc em chưa bao giờ làm như dành ra một năm đi dạy ở mái ấm mồ côi, trải nghiệm nghiên cứu khoa học tại một trường đại học của TPHCM. Chính công việc này đã làm thay đổi cuộc sống cũng như tạo bệ phóng để Diệu Liên bay xa hơn.

Nhiều thành viên của VietAbroader - tổ chức du học sinh Việt Nam tại Mỹ cũng chia sẻ kinh nghiệm một năm gap year của mình và cho rằng điểm dừng chân này luôn thú vị, bổ ích. Nó giúp các bạn trẻ hiểu rõ mình cần làm gì, làm được gì thay vì loay hoay với câu hỏi học gì để có việc làm, thu nhập cao.
Rất nhiều thí sinh dù đã biết phổ điểm kỳ thi THPT quốc gia 2016 nhưng vẫn rối trí vì chưa xác định đúng năng lực, sở trường cũng như ngành học, trường sẽ chọn. Chính vì thế, có một số em muốn tạm dừng chân - gap year một năm rồi mới chọn ngành nghề theo học. Thế nhưng, thay vì đồng hành với con cái, nhiều bậc cha mẹ phản đối kịch liệt. Với họ, đây là ý tưởng này viển vông, trải nghiệm thực tế xong rồi thì khi trở về sẽ chán học hoặc không theo kịp bạn bè.

DIỆU KHANH

Tin cùng chuyên mục