Thủ lĩnh công đoàn

“Giải thưởng 28-7” được tổ chức công đoàn TPHCM trao tặng cho những cá nhân là cán bộ công đoàn chuyên trách và bán chuyên trách có nhiều sáng kiến, cách làm hay trong hoạt động công đoàn ở cơ sở. 9 thủ lĩnh công đoàn giỏi được trao tặng “Giải thưởng 28-7” nhân kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập công đoàn Việt Nam năm nay đã là cầu nối gắn kết người lao động với chủ lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.
Thủ lĩnh công đoàn

“Giải thưởng 28-7” được tổ chức công đoàn TPHCM trao tặng cho những cá nhân là cán bộ công đoàn chuyên trách và bán chuyên trách có nhiều sáng kiến, cách làm hay trong hoạt động công đoàn ở cơ sở. 9 thủ lĩnh công đoàn giỏi được trao tặng “Giải thưởng 28-7” nhân kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập công đoàn Việt Nam năm nay đã là cầu nối gắn kết người lao động với chủ lao động, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Gần gũi, hiểu người lao động

Hơn 400 đoàn viên công đoàn và công nhân lao động tại Công ty cổ phần May da xuất khẩu 30-4 (quận Phú Nhuận, TPHCM) ai nấy đều quý mến chị Bùi Thị Xuân Huệ, Chủ tịch công đoàn công ty, vì chị luôn thể hiện tốt vai trò và trách nhiệm của một người thủ lĩnh công đoàn. Chuyên môn chính của chị là phụ trách công tác tuyển dụng lao động nên chị Huệ có cơ hội gần gũi để có những đề xuất thiết thực gắn với quyền lợi của người lao động. Việc làm thiết thực nhất của chị là tham mưu với lãnh đạo công ty đầu tư 2 căn nhà để làm chỗ ở miễn phí cho gần 50 công nhân có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Đến nhà lưu trú công nhân của công ty mới thấy không khí như đang ở trong chính ngôi nhà của mình. Nơi đây được trang bị máy giặt, tivi, đầu máy hát Karaoke nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân. Công đoàn công ty còn trang bị cả bếp, nồi niêu soong chảo, chén đũa để khi công nhân đến là có đủ vật dụng sinh hoạt.

Ngoài ra, chị Huệ còn vận động công ty xây dựng Trường Mầm non Mặt Trời Hồng để ưu tiên cho con em công nhân học và giảm học phí. Trường còn giữ trẻ vào ngày thứ bảy để công nhân yên tâm sản xuất. Cái tâm của chị với nghề còn được thể hiện ở chỗ khi những lúc biến động dẫn đến thiếu hụt lao động, gây khó khăn cho sản xuất của công ty, bản thân chị đã lặn lội xuống tận các vùng quê xa xôi để tuyển dụng lao động và tích cực tham mưu để công ty có thêm nhiều chế độ chính sách đãi ngộ, thu hút người lao động.

Các đồng chí lãnh đạo TPHCM chúc mừng chị Bùi Thị Xuân Huệ, Chủ tịch Công đoàn Công ty cổ phần May da xuất khẩu 30-4 (quận Phú Nhuận) tại lễ trao “Giải thưởng 28-7”

Bên cạnh đó, chị Huệ còn đề xuất xây dựng quỹ tương trợ nhằm hỗ trợ cho công nhân gặp khó khăn khi cần sửa chữa nhà, mua xe, làm kinh tế phụ gia đình. Những lúc sản xuất cao điểm, chị Huệ luôn quan tâm đề xuất thực hiện tốt chế độ bữa ăn khi tăng ca, mua thêm rau xanh, trái cây, sữa để bồi bổ cho công nhân có thêm sức làm việc.

Gần 20 năm làm chủ tịch công đoàn, chị Huệ hiểu rằng chỉ có gần gũi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng cũng như những bức xúc của người lao động thì mới giúp họ nói lên tiếng nói của mình. Ngoài ra, trong thời kỳ hội nhập, người làm công tác công đoàn cũng cần phải hiểu, phải nắm được các chế độ chính sách của nhà nước, các quy định, hoạt động của công ty để giải thích cho người lao động hiểu. Và để hiểu người lao động, chị sẵn sàng “bỏ” nhà cửa của mình vài ngày để vào ở nhà lưu trú cùng công nhân.

Nhiệt huyết, cống hiến vì người lao động

Tại Công ty cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco các chế độ phúc lợi của công ty rất được quan tâm. Đó cũng nhờ công lớn của anh Nguyễn Tăng Kiên, Chủ tịch công đoàn công ty. Hơn 10 năm làm chủ tịch công đoàn, anh hiểu nếu có cuộc sống tốt thì người lao động sẽ cống hiến hết mình cho doanh nghiệp. Nghĩ là làm, anh đã chủ động phối hợp với lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện tốt công tác chăm lo lễ, tết cho người lao động. Chẳng hạn như dịp Tết Nguyên đán năm 2016, thưởng bình quân của người lao động là 13 triệu đồng/người và cấp đủ thực phẩm cho các gia đình người lao động không phải mua sắm thêm. Việc làm thiết thực là hàng tháng công ty còn cung cấp cho người lao động: 2kg thịt heo, 1kg thịt bò, 30 quả trứng gà, 1 lít nước mắm loại ngon, 1 lít dầu ăn… và hỗ trợ tiền ăn giữa ca là 1.350.000 đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, công ty còn tổ chức các hoạt động thăm hỏi, chăm lo người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Thực hiện đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ cho người lao động, tổ chức hội nghị người lao động và tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc. Qua đó, anh Kiên tranh thủ được sự cam kết từ lãnh đạo doanh nghiệp là người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu được nghỉ trước 1 tháng và được hưởng các chế độ khác như: 100% tiền lương, tiền thưởng, cũng như các chế độ phúc lợi khác như khi đang làm việc.

Nói về việc làm của mình, anh Kiên bộc bạch: “Tôi chỉ biết làm bằng nhiệt huyết của mình. Khi xem người lao động như chính bản thân mình thì ta sẽ có những đề xuất thích đáng nhất để chăm lo cho họ. Và phải xác định mình làm không phải cho mình mà là làm cho mọi người”.

Nghĩ nhiều cho nhiều người, đó cũng là cách làm của chị Mai Thị Ngọc Mỹ, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Lạc Tỷ (kiêm quản lý sản xuất). Thấy môi trường làm việc của công nhân chưa đảm bảo, chị tham mưu rồi thương lượng với lãnh đạo công ty để sau đó toàn bộ nhà xưởng được thay mới và làm mát với kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Chị Mỹ cũng rất quan tâm công tác đào tạo nghề và nâng bậc thợ cho người lao động. Mới đây, chị phối hợp với Ban giám đốc doanh nghiệp tổ chức đào tạo và cấp chứng chỉ nghề cho công nhân lao động với chi phí hơn 400 triệu đồng. Bản thân chị cũng chủ động tổ chức chương trình gặp gỡ, đối thoại tại doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những khó khăn, bức xúc của công nhân lao động. Từ đó, người lao động được nghỉ 4 ngày hưởng nguyên lương khi gia đình có hỷ sự hay tang ma; phụ cấp ca đêm tăng từ 30% lên 50%; tăng phụ cấp sinh hoạt, chuyên cần; quà dịp lễ tết và trợ cấp cho 1.000 lao động nữ nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi.

HỐNG HẢI

Tin cùng chuyên mục