Mái nhà chung yêu thương

Mái nhà chung yêu thương

Tối hôm trước buổi biểu diễn văn nghệ tổng kết cuối năm của Trung tâm Văn hóa Tre Xanh.

Khi tôi hôn con gái và chúc con ngủ ngon, con hỏi xem tôi đã xếp đầy đủ quần áo, đạo cụ cho các tiết mục. Con mỉm cười cảm ơn tôi khi tôi nói mọi thứ đã được sắp xếp. Khi tôi sang hôn con trai và chúc con ngủ ngon, con hỏi tôi xem tôi có thể nằm với con một lúc. Con mỉm cười cảm ơn tôi khi tôi đồng ý. Tôi ôm con vào lòng, còn con thì choàng tay ôm cổ tôi thật chặt. Nó khe khẽ đọc: “Chú bé loắt choắt. Cái xắc xinh xinh”. Nó lặp lại cho tôi nghe tất cả những tiết mục nó sẽ biểu diễn ngày mai. Tôi im lặng lắng nghe, mơ màng nhớ lại căn phòng ngày xưa của tôi, nơi hàng đêm, tôi rà đài trên chiếc radio nhỏ tìm tiết mục kể chuyện đêm khuya. Tối hôm đó, cái diễn đàn mà các thành viên hay sử dụng để trao đổi thảo luận im lìm. Tất cả đang mỗi người một việc để góp phần tạo nên một buổi lễ thật ý nghĩa cho các con, cho chính mình. Buổi lễ tổng kết những cố gắng, nỗ lực của thầy, trò, và các phụ huynh. Tôi luôn ví von những cố gắng ấy như việc đắp đá xây cầu văn hóa, như việc miệt mài giữ, để truyền ngọn lửa sáng nhất có thể từ thế hệ này sang thế hệ khác. Lễ bế giảng, thay cho buổi học cuối cùng trong năm, diễn ra vào ngày thứ bảy.

Song tấu Bóng cây K'nia do 2 bé Khánh Xuân, Khánh Lâm biểu diễn

Khi tôi đến nơi thì không khí đã nhộn nhịp rồi. Cậu bé Paul thấy tôi thì nói to “chào mẹ L.”. Con bé Clémentine mặc chiếc váy hồng, cười bẽn lẽn đến chào, và chìa tay cho tôi nắm. Các con tôi đã chạy bổ đi tìm các bạn, gặp được rồi thì huyên thuyên, miệng cười và mắt cũng cười. Khách mời lần lượt đến và buổi trình diễn bắt đầu. Gabriel và Paul - Đức Trí, gõ cây đàn T’rưng bài “Pomme de Reinette”, một bài hát thiếu nhi nổi tiếng của Pháp mở màn chào khán giả. Hai anh em Khánh Lâm, Khánh Xuân, nhà Duchet, tiếp nối tiết mục T’rưng bằng bài “Bóng cây K’nia”. Tôi nhớ lại lần đầu khi nghe hai anh em tập bài này vào một chiều thứ bảy với thầy Phước, tôi đã lặng người vì xúc động. Vì thế, hôm nay, tôi nhận ra ngay cảm xúc ấy trên khuôn mặt của mỗi người khách đến dự. Và cảm xúc ấy đã vỡ oà lên bằng những tràng vỗ tay dài. Cậu bé Guillaume - Việt Anh, 5 tuổi, mặc áo sọc ngang kiểu lính thủy pháp, đeo cặp táp đựng cuốn “Tiếng Việt tập 1”, biểu diễn bài “Đi học về”. Cô giáo mặc áo dài, ngồi ôm cây đàn tỳ bà, dịu dàng gẩy từng nốt nhạc, lấp bớt những điểm khuyết khi cậu học trò phát âm chưa tròn con chữ. Tôi nghe bài thơ “Lượm”. Tôi nghe bài thơ “Mẹ”. Tôi nghe bài thơ “Nói với em”. Tôi nghe bài thơ “Làm anh khó lắm”. Tôi nghe “Reo vang bình minh”, “Hoa lá mùa xuân”, “Em yêu trường em” lẫn trong tiếng piano trầm bổng. Tôi thấy các em biểu diễn karaté, các em múa bài “Đi học” đầy màu sắc của vùng dân tộc thiểu số Việt Nam... Nhìn các em biểu diễn, tôi nhớ lại những giờ học tiếng Việt, giờ học đàn T’rưng, học đàn bầu, học võ, học múa... Từng buổi chiều thứ bảy, các em “mài sắt thành kim”.

Đã hai năm rồi, mỗi chiều thứ bảy chúng tôi đưa các con đến Trung tâm Văn hóa Tre Xanh để học tiếng Việt. Hai năm đủ để con đường đi đến trở thành lối quen, đủ chuyển lạ thành thân, đủ để nhận thấy những bước chân của các con trên chiếc cầu văn hóa ấy đã có chút vững vàng, và không đơn độc. Tôi ghi lại sau đây lời phát biểu của ông bố người Pháp như lời kết cho bài viết này: “Các con tôi có hai dòng máu và hai nền văn hóa. Tôi muốn các con của tôi hạnh phúc với nguồn gốc xuất thân của chúng để lớn lên và trưởng thành. Các cháu phải được tiếp cận với hai nền văn hóa và lựa chọn những nét văn hóa phù hợp với cuộc sống hiện tại và tương lai của các cháu. Tôi tìm thấy ở Trung tâm Văn hóa Tre Xanh những bậc phụ huynh có cùng quan điểm như vậy. Bạn thấy đấy, trong buổi lễ hôm nay, các con tôi rất hạnh phúc và vì thế tôi là một ông bố hạnh phúc”.

ĐAN VY (Từ Paris, Pháp)

Tin cùng chuyên mục