Xây dựng nền tảng văn hóa cho thành phố sống tốt

Tạo nền tảng văn hóa sống tốt
Xây dựng nền tảng văn hóa cho thành phố sống tốt

Để xây dựng được TP có chất lượng sống tốt, cần phải xây dựng đồng bộ nhiều mặt, nhưng yếu tố cốt lõi luôn thấm đẫm trong những mặt khác chính là nền tảng văn hóa. Bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là nguồn lực, động lực và mục tiêu cơ bản của sự phát triển bền vững nói chung và đời sống đô thị nói riêng.

Câu lạc bộ Ông Bà Cháu (quận 7) vừa đi vào hoạt động. Đây là nơi sinh hoạt văn hóa, giáo dục, giữ gìn truyền thống cho thế hệ trẻ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tạo nền tảng văn hóa sống tốt

Chính chúng ta là người xây dựng nên những giá trị văn hóa sống tốt từ giá trị truyền thống và đương đại, hiện đại. Chủ trương xây dựng TPHCM trở thành TP sống tốt, TP thông minh là một chủ trương đúng đắn hợp thời, tiến bộ, cần xây dựng từ nền tảng vật chất và nền tảng tinh thần. Mà nền tảng tinh thần là nòng cốt của nền tảng vật chất.

Nền tảng văn hóa là hệ thống giá trị văn hóa. Vậy, việc xây dựng nền tảng văn hóa cho TP sống tốt là bao gồm những hệ thống giá trị văn hóa nào?

Cố nhiên là phải sàng lọc để nhận diện những giá trị văn hóa đã lỗi thời hay không phù hợp, dù là hiện đại hay truyền thống. Chẳng hạn, trọng nghĩa thì chúng ta vẫn phát huy khi nói xây dựng TPHCM là TP hào hiệp, nghĩa tình. Nhưng khinh tài (“trọng nghĩa khinh tài”) thì nó lỗi thời trong bối cảnh chúng ta nhìn nhận rõ hơn vị trí của giá trị tiền bạc, giá trị kinh tế. Kể cả khi hiểu (chệch đi, trên danh nghĩa từ ngữ) khinh tài là khinh tài năng thì càng không đúng. Hoặc những giá trị yêu nước cũng có nội hàm mới (xây dựng kinh tế mà để cạn kiệt tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường thì sao gọi là yêu nước được). Yêu nước bây giờ còn có nghĩa là xây dựng cho đất nước giàu mạnh, có vị thế cao trên trường quốc tế. Làm nghèo đất nước, làm nghèo TP bằng cách gây lãng phí tài nguyên, nguồn lực… thì làm sao gọi là yêu nước.

Hoặc một giá trị đương đại/hiện đại là giá trị văn hóa dân chủ, công khai, như dân chủ trực tiếp, nhất là dân chủ ở cơ sở: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân quyết và dân hưởng. Nó là giá trị văn hóa chính trị đương đại, cần phải xây dựng, thực thi. Hoặc khi tiếp thu giá trị hiện đại như giá trị pháp quyền là đúng và cần thiết để xây dựng một TP hiện đại, văn minh, thông minh, vẫn cần kết hợp với giá trị đức trị. Nhưng nếu để đức trị lấn át và là chủ yếu, thì không thể có TP thông minh và TP sống tốt. Nếu chúng ta chuyển từ giá trị “lý tưởng hóa” sang giá trị thực tế, hiện thực, hữu dụng (thực dụng) thì cũng không nên thực dụng hóa, hay đề cao quá giá trị kinh tế, vật chất đến mức coi thường, gạt bỏ các giá trị lý tưởng, nhân văn khi xây dựng TP sống tốt…

Giá trị văn hóa truyền thống là sống hài hòa với thiên nhiên, thiên - nhân hợp nhất, thì càng phải cụ thể hóa và nâng lên nhận thức mới về bảo vệ môi trường. Phát triển kinh tế theo hướng thị trường và công nghiệp hóa - hiện đại hóa càng phải đảm bảo cho môi trường, không gian sống rộng, thoáng, phù hợp - xanh - sạch - đẹp lên hàng đầu. Hiện nay, ý thức bảo vệ môi trường sống, xây dựng không gian thông thoáng, môi trường xanh - sạch - đẹp trong hành động hàng ngày của các cư dân đô thị còn yếu và chưa đồng đều. Điều đó chứng tỏ văn hóa sinh thái, văn hóa môi trường chưa trở thành phổ biến và chưa thật sự trở thành giá trị văn hóa bền vững, thành lối sống, nếp sống hàng ngày. Chưa xây dựng được văn hóa môi trường, văn hóa sinh thái thì chưa thể có TP sống tốt bền vững.

Xây dựng giá trị văn hóa giao thông gắn với cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo cho hoạt động giao thông luôn thông suốt, nhịp nhàng, tránh ùn tắc và ngập nước, cũng là một trong những vấn đề bức xúc nhất của TPHCM. Bên cạnh giải pháp kỹ thuật thì giải pháp ý thức văn hóa giao thông của cư dân đô thị là hết sức quan trọng.

Trừng phạt hành vi làm xấu TP

Ý thức văn hóa pháp luật, pháp quyền không những trong cư dân đô thị mà cả trong giới quan chức, công chức trong hoạt động quản lý, quản trị TP cũng có mặt chưa cao, thậm chí còn thấp, pháp luật chưa được thượng tôn thật sự. Làm sao để dân thì “được làm điều pháp luật không cấm” và quan chức, công chức thì “chỉ được làm những gì mà luật cho phép” phải trở thành nề nếp văn hóa, khi đó mới có TP sống tốt.

Đổi mới, sáng tạo, bản lĩnh và năng động cũng là giá trị văn hóa của cư dân TPHCM rất cần bổ sung nội hàm mới và phát huy, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ 4.0 cũng như xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay...

Do vậy, cần phải nghiên cứu chuẩn hóa và pháp lý hóa để xây dựng hệ thống giá trị văn hóa cho một TP sống tốt. Từ đó cụ thể hóa, chỉ ra hệ tiêu chí giá trị văn hóa định hướng và xây dựng những điều kiện vật chất - tinh thần cụ thể gắn liền với nó để tạo dựng cho giá trị văn hóa của TP sống tốt đang có nhiều chuyển biến sớm đi vào cuộc sống.

Quan trọng bậc nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục hệ thống giá trị văn hóa cho TP sống tốt bằng nhiều hình thức thích hợp, kể cả trong nhà trường và trên hệ thống truyền thông một cách thường xuyên, sâu rộng hơn nữa, nhằm nêu gương những hành động tử tế điển hình, gương người tốt việc tốt. Đồng thời, cần có biện pháp trừng phạt đúng mức những hành vi thiếu văn hóa, vô văn hóa, làm xấu hình ảnh TP… không chỉ với cư dân mà quan trọng hơn là với những người thực thi công vụ. Kinh nghiệm của Singapore là rất chú ý biện pháp pháp trị, nhất là trừng phạt. Giáo hóa, đức trị là cơ sở nhưng phải nhấn mạnh pháp trị, pháp quyền là chủ yếu trong việc xây dựng hệ giá trị văn hóa sống tốt và xã hội đô thị. Để xây dựng hệ giá trị văn hóa sống tốt chúng ta còn quá trọng tình, trọng đức mà chưa thật sự trọng pháp, nghiêm pháp nên tính tùy tiện, thói lách luật, lờn luật còn phổ biến kéo dài hiện nay.

Để có một cuộc sống tốt bên cạnh sự phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng vật chất ngày càng hiện đại, hợp lý thì xây dựng hạ tầng văn hóa, hạ tầng tinh thần là nhiệm vụ cơ bản như nhau. Cho nên khi nói yêu cầu xây dựng TP sống tốt thì cần chú trọng xây dựng hạ tầng văn hóa, hạ tầng tinh thần cho các mặt của đời sống đô thị từ văn hóa kinh tế - kinh doanh đến văn hóa chính trị - hành chính; từ văn hóa sản xuất đến văn hóa dịch vụ, văn hóa phục vụ, văn hóa tiêu dùng; từ văn hóa vật thể đến phi vật thể; văn hóa cá nhân đến văn hóa cộng đồng... Như vậy, gắn với phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, khu phố, phường xã văn minh một cách thực sự, thực chất là xây dựng các cộng đồng cư dân đô thị sống tốt, tức sống có chất lượng văn hóa ngày càng phong phú, hiện đại và nâng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, gia tăng của người dân. Đó là cách biến hệ giá trị văn hóa sống tốt, hệ tiêu chí sống tốt vào hoạt động thực tế để TPHCM ngày càng có chất lượng sống tốt và bền vững từ chiều sâu của đời sống tinh thần, đời sống văn hóa - xã hội đô thị.

 Phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người dân

Muốn xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, tất cả mọi người dân không phân biệt già trẻ, gái trai, giai cấp hay địa vị, người thường trú hay tạm trú… đều có trách nhiệm xây dựng một cuộc sống tốt cho bản thân, gia đình và xã hội.

Gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình sống tốt ở đó phải có những thành viên sống tốt; nhiều gia đình sống tốt sẽ có khu dân cư sống tốt; nhiều khu dân cư sống tốt sẽ hợp thành một phường, quận sống tốt và mục tiêu một TP sống tốt sẽ trở thành mục tiêu rất gần với TP chúng ta.

Đảng bộ và chính quyền TPHCM đã quyết tâm xây dựng TP có chất lượng sống tốt. Không còn cách nào khác và cũng không có con đường nào khác là phải huy động sức dân. Theo tôi, để khơi dậy niềm tự hào của mỗi người dân, phải mở một chiến dịch truyền thông rộng khắp. Cần có một kế hoạch, chương trình bài bản phục vụ thiết thực cho chiến lược xây dựng một TPHCM có chất lượng sống tốt, thông tin những gương người tốt việc tốt, những việc, những công trình hàng ngày đã và đang góp phần thiết thực cho việc xây dựng một TPHCM có chất lượng sống tốt.

Để tiến hành đồng bộ hơn, các tổ chức Đảng và các cấp chính quyền phải gắn việc vận động toàn dân tham gia xây dựng một TPHCM có chất lượng sống tốt; yêu cầu các tổ chức, đoàn thể phải xắn tay vào cuộc, nhất là từng đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm.


PHẠM HUY DU
Ban công tác Mặt trận KP4, phường Bình An, quận 2


Bài vở cho chuyên trang “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt” xin gửi về email: thanhphosongtot@sggp.org.vn hoặc địa chỉ 432-434 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 5, quận 3, TPHCM (xin ghi rõ: Bài tham gia chương trình “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt”). Chúng tôi sẽ chọn lọc, biên tập và lần lượt đăng tải các bài viết có chất lượng trên chuyên trang ra thứ năm hàng tuần. 


TS HỒ BÁ THÂM

Tin cùng chuyên mục