Việc ủy quyền kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Bế tắc!

Từ năm 2016, nhiệm vụ khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ra tòa được trao cho công đoàn và để công đoàn khởi kiện được DN thì phải có sự ủy quyền của người lao động. Quy định này đang dẫn tới sự bế tắc trong việc buộc DN nợ BHXH thực hiện trách nhiệm của mình.
Việc ủy quyền kiện doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội: Bế tắc!

Từ năm 2016, nhiệm vụ khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) ra tòa được trao cho công đoàn và để công đoàn khởi kiện được DN thì phải có sự ủy quyền của người lao động. Quy định này đang dẫn tới sự bế tắc trong việc buộc DN nợ BHXH thực hiện trách nhiệm của mình.

Chỉ người nghỉ việc mới dám kiện DN

10 tháng qua, TPHCM chưa có một DN nào nợ BHXH bị kiện ra tòa, trong khi riêng năm 2015 có khoảng 1.800 DN phải đáo tụng đình. Nợ BHXH, theo thống kê, đang lên đến 2.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2015.

Người lao động ủy quyền cho công đoàn tham gia khởi kiện là quy định bắt buộc, được quy định tại khoản 2, Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015; khoản 8, Điều 10 Luật Công đoàn 2012. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, cho rằng một trong những vướng mắc cần giải quyết rốt ráo là việc thực hiện quy định công đoàn nhận ủy quyền từ người lao động. Theo quy định mới, nếu công đoàn không nhận được ủy quyền từ người lao động thì không thể đưa ra yêu cầu đối với tòa án. Tương tự, tòa án chỉ giải quyết vụ án trong phạm vi người khởi kiện yêu cầu. Nói cách khác, công đoàn sẽ đứng ngoài cuộc nếu phía khởi kiện - người lao động - không làm ủy quyền.

Người lao động lãnh lương hưu và trợ cấp BHXH

Theo ông Cao Văn Sang, Giám đốc BHXH TPHCM, người lao động đang làm việc, họ cần việc làm hơn cần đòi nợ BHXH nên sẽ không dám ủy quyền cho công đoàn kiện DN nợ BHXH. Hơn nữa, trong tranh chấp cá nhân giữa người lao động và người sử dụng lao động, mỗi ủy quyền của từng người lao động với công đoàn là một vụ việc riêng. Ông Cao Văn Sang lo ngại: “Một DN có cả ngàn lao động, để tòa án nhận hết 1.000 ủy quyền thì lâu lắm mới xong. Tòa án mỗi ngày xử tối đa 35 vụ; trong khi đó, mỗi đơn kiện cá nhân tính là 1 vụ thì với DN cả ngàn lao động, không biết xử mấy tháng? Nếu làm như vậy sẽ bế tắc, không kiện DN được đâu!”.

Theo ông Cao Văn Sang, chỉ người lao động sắp hoặc đã nghỉ việc mới dám kiện DN. Những người này đang rất cần được chốt sổ BHXH, được hưởng các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thai sản… và trước sự bức bối như thế, không còn cách nào hiệu quả bằng kiện DN ra tòa. Một DN có nhiều người nghỉ việc thúc ép, đưa chủ DN ra tòa là Tập đoàn Mai Linh. Riêng các công ty con thuộc Tập đoàn Mai Linh đang nợ BHXH với số tiền lên đến 115 tỷ đồng. Thời gian qua, chỉ có rải rác những người nghỉ việc ở Mai Linh mới phát đơn kiện. “Đến nay, chúng tôi ghi nhận được khoảng 600 đơn người lao động kiện Mai Linh. Mỗi trường hợp người lao động thắng, Mai Linh nộp BHXH mấy triệu đồng. Tôi phải thu vì đó là bản án của tòa án, chứ về nguyên tắc, thu BHXH bắt buộc là thu toàn bộ người lao động ở một đơn vị, DN chứ không phải thu cho cá nhân, lựa người mà đóng”, Giám đốc BHXH Cao Văn Sang cho hay.

Người lao động tứ tán khắp nơi, sao ủy quyền?

Một vấn đề nan giải hiện nay, khi các DN nợ đọng BHXH hay có chủ bỏ trốn, người lao động thường rơi vào hoàn cảnh khó khăn, người đi kẻ ở, tứ tán khắp nơi. Vậy việc ủy quyền được thực hiện thế nào khi người lao động đã dịch chuyển? Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, cho biết tổ chức công đoàn sẽ hướng dẫn mẫu ủy quyền giúp người lao động thực hiện. Nếu người lao động không có mặt tại DN, công đoàn sẽ thông qua báo, đài nhằm thông tin đến người lao động biết để họ thực hiện việc ủy quyền cho tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, sự việc sẽ không đơn giản như thế.

Người lao động lao đao vì chủ doanh nghiệp bỏ trốn, ảnh hưởng các quyền lợi về BHXH

Ông Nguyễn Văn Hậu phân tích, người lao động không bao giờ cư trú tập trung một nơi, ít có điều kiện cập nhật thông tin. Vì thế, cả công đoàn lẫn người lao động đều “trần ai” mới có thể tập hợp đủ giấy ủy quyền. Cán bộ công đoàn cơ sở, quận, huyện, bản thân người lao động là những người “đứng mũi chịu sào” khi vấp phải tình huống trên. Không chỉ vậy, việc chờ đợi người lao động làm ủy quyền hoặc rút/hủy giấy ủy quyền trong quá trình khởi kiện… làm tốn thời gian, khiến vụ kiện kéo dài, phức tạp thêm.

Điển hình cho việc tìm kiếm, tập hợp người lao động không hề đơn giản là hiện nay ở huyện Hóc Môn, một DN có khoảng 1.000 người lao động đang có tranh chấp với người sử dụng lao động. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công đoàn mới tập hợp ý kiến, ủy quyền của khoảng 900 người lao động. Số người lao động còn lại bây giờ không rõ ở đâu; lâu lâu, báo chí lại thông báo, nhắn tin người lao động cần liên lạc với Liên đoàn Lao động huyện để hoàn tất thủ tục. Nhiều cán bộ ngành BHXH nhận định, nếu việc tìm kiếm người lao động để nhận ủy quyền khởi kiện DN nợ BHXH cũng phức tạp như vậy thì cả năm có khi mới kiện được vài DN, quá ít ỏi so với riêng năm 2015, TPHCM đã kiện 1.800 DN nợ BHXH.


Luật sư PHÙNG MINH TUẤN, Đoàn Luật sư TPHCM:
Người lao động có thể tự kiện hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân mình tin tưởng

Người lao động muốn đòi nợ BHXH trong trường hợp DN “lỳ”, nhất quyết trốn, nợ, dây dưa thì bắt buộc phải khởi kiện. Ngoài tổ chức công đoàn, người lao động có quyền tự khởi kiện hoặc ủy quyền cho một tổ chức, cá nhân mà mình tin tưởng. Ví dụ: Trường hợp người lao động và tổ chức công đoàn không kết nối được để làm ủy quyền thì người lao động có thể tìm luật gia, luật sư, trợ giúp viên pháp lý hay bất kỳ cá nhân nào mình tin tưởng để ủy quyền khởi kiện hoặc tự đâm đơn kiện DN ra tòa. Nếu mỗi người thực sự quan tâm, kiên trì bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân thì việc “trị” DN vi phạm về BHXH không khó. Một khi quan tâm, người lao động sẽ có ý thức tự tìm hiểu và thực hiện các biện pháp bảo vệ lợi ích cho mình, dưới sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội. Việc xử lý số nợ ra sao, quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên liên quan như thế nào sẽ do bản án của tòa quyết định. Sự việc kết thúc hợp tình, hợp lý nhất khi DN thua kiện sẽ phải đóng toàn bộ số nợ về cơ quan BHXH.

Bà THI THỊ TUYẾT NHUNG, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TPHCM:
Cần nhắn tin qua điện thoại tới từng người lao động

Vai trò của người lao động và cán bộ công đoàn rất quan trọng trong việc kiện DN nợ BHXH. Luật mới có hiệu lực từ lâu nhưng cán bộ công đoàn trở bộ chưa kịp. Cái ràng buộc ở đây: Anh là chủ tịch công đoàn DN này, nhưng đồng thời anh cũng là người lao động của ông chủ DN này. Nói gì thì nói, vẫn có vấn đề về quyền lợi cá nhân nên cán bộ công đoàn chưa dám mạnh dạn kiện DN ra tòa.

Tôi cũng ghi nhận nhiều chủ DN còn thiếu thông tin về lãi phát sinh chậm nộp BHXH, hiện nay là 12,78%/năm (riêng bảo hiểm y tế là 13%/năm). Nếu chủ DN biết rõ mức lãi phát sinh cao như thế, họ sẽ không dám nợ BHXH nhiều, nên BHXH TPHCM cần sớm thu thập thông tin của chủ DN, thông báo sớm nhất tới họ.

Một trong những cách có thể giảm bớt tình trạng nợ BHXH là thông tin tới người lao động tình hình đóng, nợ BHXH của chính DN họ đang làm. Tôi cho rằng, cùng với thông tin trên báo chí, tờ rơi, gõ ký hiệu “C13” trên google hoặc vào trực tiếp website http://c13.bhxhtphcm.gov.vn/, BHXH TPHCM có thể kết nối với các nhà mạng để nhắn tin trực tiếp tới người lao động, họ sẽ cập nhật tình hình nhanh hơn và có hướng phù hợp đòi hỏi quyền lợi của mình.

Ông CAO VĂN SANG, Giám đốc BHXH TPHCM:
Nhiều giải pháp hay nhưng… không có ý nghĩa

Từ đầu năm 2016 đến nay, lãi phát sinh chậm nộp BHXH khá cao, không thua lãi suất ngân hàng, thậm chí vay ngân hàng còn có lãi suất lợi hơn là lãi phát sinh do chậm nộp BHXH. Nhưng quan trọng nhất là người thiếu nợ - chủ DN nợ BHXH, không ai làm gì được. Giải pháp thứ nhất về lãi suất coi như không có tác dụng.

Giải pháp thứ hai là kiện DN nợ BHXH ra tòa. Giải pháp này đang tắc như đã phân tích trong bài. Còn tranh chấp tập thể giữa tập thể người lao động với chủ sử dụng lao động, trước tiên phải thương lượng, hòa giải; nếu không thành thì gửi đơn yêu cầu chủ tịch UBND quận, huyện (nơi đóng trụ sở DN) giải quyết, nhưng rất phức tạp vì chỉ những người nghỉ việc mới dám kiện, ủy quyền kiện DN.

Trong khi chúng ta không có quyền rút giấy đăng ký kinh doanh vì vi phạm nợ BHXH thì có một giải pháp mạnh được kỳ vọng là xử lý hình sự đối với chủ DN nợ BHXH theo quy định trong Bộ luật Hình sự 2015, nhưng bộ luật này đang hoãn thi hành.

Theo gợi ý của Tòa Kinh tế - TAND TPHCM, có thể khởi kiện theo Luật Phá sản, tức yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, vấn đề lấn cấn là người lao động sẽ mất việc; lúc đó, cơ quan BHXH lại phải lãnh trách nhiệm, trong khi thủ tục kiện phá sản cũng rất nhiêu khê.

Ngoài ra, còn một giải pháp nghe qua rất hay nhưng cũng không có nhiều ý nghĩa là khi thanh tra xong DN, nếu DN nợ BHXH thì thông báo cho ngân hàng nhằm trích tài khoản ngân hàng của DN nộp BHXH. Tuy nhiên, hiện nay, DN mở tài khoản ở các ngân hàng, nhưng họ chỉ kê khai có 1 - 2 tài khoản. Chúng tôi đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TPHCM đề nghị hỗ trợ, nhưng khó khăn là không biết được DN mở tài khoản ở chỗ nào, tiền để ở đâu. Thậm chí, DN tư nhân, tiền để ở tài khoản cá nhân chứ không để ở tài khoản DN.

Nói thật sự, thời điểm hiện nay, có bao nhiêu giải pháp chúng tôi đã làm hết cách! BHXH TPHCM mong rằng việc thanh tra các DN (hiện nay do Thanh tra Sở LĐTB-XH thực hiện) được đẩy mạnh và đặc biệt là sớm tháo gỡ các vướng mắc trong quy trình khởi kiện DN nợ BHXH ra tòa, làm sao cho hồ sơ khởi kiện đơn giản nhất để dễ vận dụng.

HỒNG NHUNG - MẠNH HÒA

Tin cùng chuyên mục